Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch và văn hóa kinh doanh

Cù Xuân Trường| 24/06/2013 05:32

(HNM) - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh vừa mới đăng đàn khẳng định quyết tâm xử lý những đối tượng gây phiền nhiễu đối với du khách thì ít ngày sau ngành du lịch lại xảy chuyện.

Công ty Herbalife Việt Nam tổ chức cho khoảng 3.000 người sang Thái Lan dự hội thảo kết hợp du lịch, nhưng không kham nổi một lượng khách lớn nên phải sử dụng dịch vụ của nhiều công ty khác nhau, trong đó Travel Life phục vụ khoảng 700 khách. Sau 2 ngày kết thúc hội thảo, đoàn du khách của Travel Life bị bỏ rơi ngay tại trung tâm hội nghị vì công ty tổ chức tour và đối tác bên Thái Lan từ chối tiếp tục phục vụ. Các "thượng đế" phải bỏ tiền túi thanh toán một số dịch vụ ăn uống, vận chuyển trong thời gian còn lại mặc dù đã bỏ tiền mua tour. Mặc dù số du khách bị bỏ rơi đã trở về nước an toàn nhưng câu chuyện về cung cách quản lý của ngành du lịch và văn hóa kinh doanh lại một lần nữa bùng lên với nhiều nhức nhối.

Về việc khách du lịch người Việt bị bỏ rơi trên đất khách, người trong nghề cho rằng, Travel Life đã "làm lậu" đưa khách du lịch nội địa ra nước ngoài, không có kinh nghiệm nên bỏ thầu giá thấp, không ngờ chi phí quá lớn, lại không đàm phán được với hàng không nên khi vé máy bay chiếm 2/3 chi phí nên không còn tiền trả landtour.

Thêm nữa, vì là công ty nhỏ nên không tránh khỏi chuyện bị đối tác gây sức ép. Có người chỉ thẳng ra những khuất tất trong vụ việc này, như chuyện móc ngoặc, ký kết hợp đồng... Cũng có người cho rằng Công ty Herbalife Việt Nam ham hố ăn chia vì số lượng khách tham gia quá lớn, "mờ mắt" chọn một công ty ra giá thấp mà không cần biết năng lực phục vụ đến đâu nên mới xảy ra vụ việc như vậy… Dù có nói gì đi nữa thì việc làm của Travel Life suy cho cùng cũng là thứ kinh doanh chụp giật, nếu không muốn nói là một hành vi lừa đảo. Và đương nhiên Công ty Herbalife Việt Nam không né nổi trách nhiệm trong vụ việc này.

Luật pháp đã quy định, muốn đưa người Việt Nam ra nước ngoài du lịch thì phải có giấy phép lữ hành quốc tế và phải được quản lý chặt chẽ, có hướng dẫn viên, được thẻ đưa khách du lịch ra nước ngoài. Thế nhưng Travel Life không có giấy phép lữ hành quốc tế. Do vậy, việc đưa người sang Thái Lan của Travel Life không những trái pháp luật mà còn vi phạm những quy định về du lịch nên phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Xử lý thế nào, mức phạt ra sao, hạ hồi phân giải. Điều đáng nói là tình trạng các công ty du lịch phá sản, hết vốn, bỏ rơi du khách đã xảy ra khá nhiều, trường hợp của Travel Life cũng không phải cá biệt. Thế nhưng chỉ đến khi xảy chuyện lớn các nhà quản lý mới nháo nhào tìm xem những công ty ấy ở đâu, hoạt động thế nào?...

Qua vụ việc của Travel Life có thể thấy không ít vấn đề đáng lo ngại. Nhiều chiêu trò đang được các công ty lữ hành tung ra với cái mác chương trình khuyến mãi, giảm giá, tiết kiệm. Có công ty "hành" các "thượng đế" đi đêm về sáng thực chất để giảm bữa ăn chính, tiền phòng ở, rồi cắt giảm chương trình tham quan để khách tự do sinh hoạt với đủ kiểu lý do… Cạnh tranh không lành mạnh trong bối cảnh kinh tế khó khăn, du lịch ế ẩm, những tour giá rẻ đã và đang đẩy du khách vào những "ma trận" không biết đâu mà lần… Nói chung là có rất nhiều hoạt động "không bình thường" của các công ty du lịch nhưng cung cách xử lý của ngành chủ quản cho thấy đây mới chỉ là… "hiện tượng".

Theo các nhà quản lý, ngành du lịch đã phát hiện và xử lý không ít trường hợp hoạt động không giấy phép như Travel Life. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra có hạn, khi muốn thanh tra, kiểm tra phải phối hợp với các lực lượng khác, trong khi đó, các công ty chui hoạt động khá tinh vi và theo mùa nên rất khó xử lý. Người ta cũng không quên lời trách cứ những khách hàng tham giá rẻ mà "nhắm mắt đưa chân" và khuyên rằng khi lựa chọn đi tour, hành khách nên lưu ý chọn những công ty có uy tín… Những lời cảnh báo của các nhà quản lý là rất cần thiết, nhưng không thể trách cứ khách du lịch, bởi chuyện ham rẻ của khách hàng khác về chất so với chuyện làm ăn chụp giật, thậm chí lừa đảo của doanh nghiệp. Điều quan trọng là các nhà quản lý cần nhận thức rõ trách nhiệm quản lý của chính mình. Có thể nói rằng sự thiếu trách nhiệm, việc buông lỏng quản lý trong thời gian dài đã dẫn đến tình trạng công ty du lịch mọc lên như nấm với đủ kiểu làm ăn như sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác, thành lập hàng loạt trung tâm để kinh doanh… Và cái gì đến sẽ đến, chuyện của Travel Life chỉ là một ví dụ.

Vụ Travel Life "chặt chém" khách Việt cũng cho thấy, lâu nay các nhà quản lý du lịch mới tập trung vào việc thu hút khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Thực tế, ngành du lịch chưa quan tâm tới việc hằng năm có vài triệu người Việt Nam ra nước ngoài du lịch nên thiếu một hệ thống quản lý hoạt động này. Điều đáng nói hơn là trong khi chụp giật, chặt chém vẫn là vấn nạn nhức nhối của du lịch trong nước thì những hành động tương tự như vụ Travel Life đang làm lại biến hoạt động du lịch Việt Nam ở nước ngoài trở nên hỗn độn. Đây là điều không thể chấp nhận và đương nhiên có trách nhiệm của những người làm công tác quản lý trong ngành du lịch.

Qua vụ Travel Life, một vấn đề dù không mới nhưng không thể không đề cập bởi đó là nguyên nhân sâu xa dẫn tới vụ việc nêu trên, đó là sự xuống cấp trong đạo đức kinh doanh, hay nói cách khác là vắng bóng văn hóa trong kinh doanh của không ít công ty du lịch. Kinh doanh đương nhiên phải tính toán lợi nhuận, kinh doanh du lịch cũng vậy. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, kinh doanh du lịch có thể xem là một hoạt động văn hóa nên người làm kinh doanh du lịch trước hết phải là người có văn hóa. Cũng phải thấy rằng mỗi đồng tiền đều có sự tham gia vô hình của toàn xã hội, do vậy đồng tiền trong kinh doanh phải hướng tới những giá trị xã hội. Đồng tiền thu được của người kinh doanh phải là đồng tiền làm ra bởi sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin và nhu cầu thị trường, mà không phải là đồng tiền của sự chụp giật, lừa đảo, gian lận…

Kết hợp văn hóa với kinh doanh, làm cho cái lợi kinh tế gắn bó với những giá trị nhân văn là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển lâu dài. Trong du lịch hay ngành nào cũng vậy, văn hóa kinh doanh thể hiện qua việc kiếm lời chân chính trên cơ sở tài năng, sức lực của người kinh doanh. Như vậy, kinh doanh có văn hóa là kinh doanh bằng tính trung thực, chữ tín, bằng việc đặt lợi ích cá nhân, doanh nghiệp trong lợi ích cộng đồng và xã hội… Còn những hành vi lừa đảo, chụp giật, "đánh quả" không phải là biểu hiện của hoạt động kinh doanh chân chính mà là hành vi vi phạm pháp luật. Không ít doanh nghiệp trong ngành du lịch và nhiều ngành kinh doanh khác đã thua vì không có văn hóa kinh doanh lành mạnh. Văn hóa kinh doanh là cái gốc để phát triển, doanh nhân mới khởi nghiệp hay các "đại gia" đều cần ý thức rõ điều này.

Với một thị trường lộn xộn, không ít doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chụp giật, lừa đảo thì việc chấn chỉnh, uốn nắn thị trường là hết sức cần thiết. Thay vì người này đổ lỗi cho người kia, các cơ quan chức năng và từng địa phương cần đưa ra hành động cụ thể, cần thiết phải có chế tài xử lý mang tính răn đe mạnh nhằm từng bước thiết lập lại nền nếp, trật tự, làm sạch môi trường kinh doanh du lịch. Nếu không làm được điều này, hàng triệu USD bỏ ra để quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền hình quốc tế sẽ thành "dã tràng xe cát". Khách trong nước sẽ tự tổ chức đi du lịch ra nước ngoài, còn khách nước ngoài từng đến Việt Nam sẽ không quay lại. Nghiêm trọng hơn là những giá trị truyền thống, văn hóa biểu hiện qua hoạt động du lịch sẽ ngày càng méo mó, không thể phục hồi.

Văn hóa kinh doanh và hành lang pháp lý để hoạt động kinh doanh đi đúng hướng là những yếu tố không thể tách rời để ngành "công nghiệp không khói" thật sự là "con gà đẻ trứng vàng". Nếu doanh nghiệp thiếu văn hóa kinh doanh, nếu các nhà quản lý không nhận thức đúng trách nhiệm thì những chương trình mà ngành du lịch đang triển khai chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Du lịch và văn hóa kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.