Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch trực tuyến: Thời kỳ mới của du lịch Việt

Hoàng Lân| 27/06/2019 15:52

(HNMO) - Du lịch trực tuyến đang là xu hướng tất yếu khi mà mọi người đều dễ dàng thiết kế được những tour du lịch như, tự mua vé máy bay, đặt phòng, lên lịch trình chuyến đi...

Du lịch trực tuyến không còn xa lạ

Tại sự kiện Ngày Du lịch trực tuyến diễn ra vào ngày 26-6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử kể câu chuyện mà mình chứng kiến về một đoàn khách là những người nông dân nhưng đã tự đặt tour du lịch xuyên Việt. “Khi tôi hỏi, sao bác đặt được tour? Bác nông dân trả lời rất thật: Giờ đi du lịch dễ lắm, chỉ cần vào mạng tìm hiểu thông tin là đi được. Câu chuyện này nói lên rằng, du lịch trực tuyến giờ đây không còn xa lạ với du khách khi mà công nghệ đã hỗ trợ rất lớn”, ông Nguyễn Thành Hưng nói.

Hiện nay, 70% người Việt đi du lịch có sử dụng các dịch vụ du lịch trực tuyến. (Ảnh minh họa).


Vừa qua, hãng Google và Tập đoàn Temasek Holdings dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh từ 21,6 tỷ USD năm 2015 lên 89,6 tỷ USD vào năm 2025, trong đó, du lịch trực tuyến tại Việt Nam chiếm 10%, tương đương 9 tỷ USD... Số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, các thương hiệu mạnh toàn cầu như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com (bao gồm Trivago.com, Hotel.com) đang chiếm lĩnh khoảng 80% thị phần giao dịch du lịch trực tuyến.

Nói về xu hướng tất yếu này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, thực tế đã chứng minh, hoạt động du lịch kiểu truyền thống (phụ thuộc vào các công ty du lịch) đang giảm mạnh, từ 82% năm 2015 còn 47% năm 2017, đến nay còn 30%. Tỷ lệ các hộ gia đình tiếp cận du lịch trực tuyến ở Việt Nam là 66%, đứng tốp giữa trong số 12 nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng theo nghiên cứu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, với việc phát triển công nghệ thông tin, chỉ với một điện thoại smartphone, khách du lịch có thể tìm hiểu, đặt tour, đặt phòng và chủ động mua vé máy bay. Việc lập kế hoạch đi du lịch và đặt phòng trực tuyến chiếm 80% các tour du lịch được tổ chức sử dụng các hoạt động trực tuyến.

“Người Việt trẻ hiện nay thường lựa chọn du lịch trực tuyến, tự lên lịch trình các chuyến đi. Đây là điều tất yếu của kinh doanh du lịch. Điều này đặt ra thời cơ để du lịch Việt Nam bắt kịp xu thế, phát triển mạnh hơn nữa các nền tảng số”, ông Vũ Thế Bình nói.

Công nghệ du lịch: Không thể “giậm chân tại chỗ”

Theo các chuyên gia, các công ty lữ hành Việt Nam đã áp dụng công nghệ trực tuyến trong kinh doanh du lịch từ nhiều năm nay như Vietravel, Vietrantour… nhưng thực tế Việt Nam vẫn chưa thực sự chủ động triển khai du lịch trực tuyến. Tỷ lệ khách du lịch sử dụng internet để đặt các dịch vụ du lịch mới chiếm hơn 30%, trong đó chủ yếu vẫn là hình thức book (đặt) dịch vụ trực tiếp với nhà cung cấp.

Khách du lịch sử dụng internet để đặt các dịch vụ du lịch. (Ảnh minh họa).


Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 10 sàn giao dịch điện tử về du lịch như Ivivu.com, Mytour.vn, Chudu24.com, Gotadi.com, Tripi.vn… nhưng thực tế các sàn này mới chỉ thực hiện được khoảng 20% nhu cầu giao dịch. Trong khi đó, thói quen của khách du lịch vẫn là tìm đến những sàn dịch vụ trực tuyến nước ngoài.

Tính riêng mảng đặt phòng trực tuyến, chỉ hai trang nước ngoài là Agoda và Booking đã chiếm hơn 80% thị phần đặt phòng trực tuyến ở Việt Nam. Việc thiếu nền tảng công nghệ số đủ uy tín để hấp dẫn người dùng Việt Nam đang là vấn đề mà ngành Du lịch cần giải quyết.

Tại Ngày Du lịch trực tuyến, đã có không ít câu hỏi đặt ra về việc làm thế nào để quản lý tốt những trang web đặt phòng, bởi thực tế, đã có khách hàng sau khi đặt phòng, trả tiền online nhưng đến nơi thì khách sạn không hoạt động. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử cho biết, việc quản lý các nền tảng công nghệ số trong kinh doanh du lịch cần phải thực hiện chặt chẽ, bảo đảm các thủ tục pháp lý. Còn với người dùng, cần tìm hiểu kỹ thông tin đơn vị kinh doanh trước khi bỏ tiền đặt hàng.

Vừa qua, Tổng cục Du lịch phối hợp với Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn tổ chức cuộc thi “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch” với hy vọng tạo sự đổi mới trong hoạt động kinh doanh du lịch tại Việt Nam. Tại cuộc thi này, nhiều dự án triển khai công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch do người Việt sáng tạo đã được giới thiệu như: Ứng dụng cho phép kết nối du khách với người dân địa phương; ứng dụng tìm thuê xe tự lái, ứng dụng tra cứu những điểm đến; tìm kiếm và đặt phòng khách sạn…

Rõ ràng, việc hình thành và vận hành của những doanh nghiệp khởi nghiệp (starup) trong lĩnh vực du lịch trực tuyến đang tạo ra một diện mạo mới cho ngành Du lịch Việt Nam. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, du lịch trực tuyến chính là thời kỳ mới của ngành Du lịch. Để du lịch phát triển bền vững, những ngành liên quan như công nghệ thông tin, thương mại điện tử… không thể “giậm chân tại chỗ” mà cần có những sáng tạo mới và uy tín.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Du lịch trực tuyến: Thời kỳ mới của du lịch Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.