Du lịch

Du lịch trải nghiệm: Cơ hội mới cho diễn xướng dân gianCách làm sáng tạo để phát huy giá trị di sản

An Định 13/04/2025 - 09:19

Nghệ thuật diễn xướng dân gian là một phần quan trọng trong kho tàng văn hóa phi vật thể của Việt Nam, phản ánh đời sống tinh thần và bản sắc riêng của mỗi vùng miền. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống đang gặp nhiều thách thức.

Một trong những giải pháp hiệu quả là kết hợp diễn xướng dân gian với du lịch trải nghiệm, vừa giúp bảo tồn di sản, vừa tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Câu chuyện tại thôn Phú Nhiêu, huyện Phú Xuyên, Hà Nội với nghệ thuật hát múa Bài bông và hò Cửa đình là một ví dụ sinh động cho câu chuyện này.

du-1.jpg
Du khách chụp ảnh cùng các thành viên CLB hò Cửa đình và hát múa Bài bông Phú Nhiêu. Ảnh: Lan Hương

Hành trình khơi nguồn văn hóa

Một buổi sáng cuối tuần, chiếc xe chở đoàn khách đặc biệt của chương trình “Quà chiều chủ nhật” lăn bánh hướng về thôn Phú Nhiêu (xã Quang Hà, huyện Phú Xuyên). Trên xe, những câu chuyện về hát múa Bài bông, hò Cửa đình được kể lại đầy hào hứng, xen lẫn niềm háo hức của những người lần đầu được chứng kiến một loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền đang được hồi sinh.

Nhà báo, nghệ nhân ẩm thực Vũ Thị Tuyết Nhung, người khởi xướng chuyến đi, không giấu nổi niềm vui khi chứng kiến sự hưởng ứng nhiệt tình của cả đoàn. Trước đó, chương trình “Quà chiều chủ nhật” do chị tổ chức thực hiện ngay tại nhà riêng (phường Nhân Chính, Thanh Xuân) đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của những người yêu mến văn hóa truyền thống tại Hà Nội. Đến với chương trình, ngoài việc được tự tay làm và thưởng thức những món ăn ngon, đặc trưng của Hà Nội, các thành viên còn được nhận thêm món quà tinh thần, đó là các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống như hát chèo, xẩm, hát văn... Và hành trình về Phú Nhiêu nghe hò Cửa đình, xem múa Bài bông là chuyến điền dã đầu tiên của chương trình “Quà chiều chủ nhật” với mong muốn tạo thêm những hoạt động trải nghiệm văn hóa thú vị cho các thành viên.

Ban đầu, nghệ nhân Vũ Thị Tuyết Nhung chỉ dự định tổ chức một nhóm nhỏ với chiếc xe 16 chỗ, nhưng cuối cùng, đoàn khách đông hơn dự kiến nhiều lần, đến mức phải huy động cả xe 45 chỗ, xe 16 chỗ và thêm một số xe riêng.

“Tôi không ngờ mọi người lại háo hức đến vậy. Điều này chứng tỏ sức hút của văn hóa dân gian vẫn còn rất mạnh mẽ, chỉ là chúng ta chưa khai thác đúng cách mà thôi” - nghệ nhân Tuyết Nhung chia sẻ. Chị cũng cho biết, sắp tới “Quà chiều chủ nhật” sẽ tổ chức nhiều hơn nữa những tour ẩm thực kết hợp thưởng thức nghệ thuật dân gian, vừa mang đến trải nghiệm mới cho du khách, vừa tạo thêm thu nhập cho nghệ nhân. Cuối tuần qua, chương trình cũng đã tổ chức thành công chuyến đi thưởng thức ẩm thực làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) và tìm hiểu về "Con đĩ đánh bồng" - điệu múa cổ nổi tiếng đất Thăng Long.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội đánh giá: “Quà chiều chủ nhật” là một cách làm hay khi kết hợp được ẩm thực với thưởng thức văn hóa, nghệ thuật. Chương trình này đã làm được hơn 10 số và được mọi người rất ủng hộ, cho thấy nó đã đáp ứng đúng nhu cầu khám phá, thưởng thức văn hóa truyền thống của chính người Hà Nội.

Du khách vui, nghệ nhân phấn khởi

Đặt chân đến Phú Nhiêu, nhiều người không khỏi trầm trồ bởi nét đẹp của một làng quê ven đô vẫn giữ được những nét vừa thanh bình, vừa cổ kính truyền thống. Men theo con đường làng nhỏ dẫn từ nhà văn hóa, qua chùa làng, đến đình Phú Nhiêu, cảm giác ký ức xưa ùa về cùng những hình ảnh quen thuộc như ao làng, giếng làng, con sông nhỏ Kim Ngưu trong mát uốn lượn trước cổng đình...

Đón chúng tôi là những thành viên của Câu lạc bộ (CLB) hò Cửa đình và múa hát Bài bông Phú Nhiêu đã chỉnh tề trong những bộ áo tứ thân hay trang phục đặc trưng của nghệ thuật múa Bài bông. Nhiều thành viên nhí, chỉ cỡ 7 - 8 tuổi, háo hức đạp xe quanh làng từ sáng sớm, ríu rít chờ đón khách về. Niềm vui lấp lánh trên những khuôn mặt nghệ sĩ - nông dân thuần hậu.

Chị Nguyễn Thị Quế, thành viên CLB hò Cửa đình và múa hát Bài bông Phú Nhiêu phấn khởi chia sẻ, mười mấy tuổi chị đã được các bà, các cụ trong thôn dạy hát, múa. Hôm nay, ngoài chị còn có cháu nội tham gia biểu diễn.

“Cháu theo bà đi tập hát múa từ năm 4 tuổi, bây giờ cháu học lớp 1 đã hát, múa giỏi lắm rồi”, chị Quế chỉ vào cháu nhỏ đang đứng cùng chúng bạn, xúng xính trong trang phục biểu diễn, hồ hởi khoe. Không chỉ chị Quế mà khá nhiều thành viên trong CLB đi biểu diễn hôm nay cũng có con, cháu tham gia biểu diễn cùng. Điều đó cho thấy nghệ thuật diễn xướng dân gian không chỉ thu hút người lớn mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến thế hệ trẻ.

Dù không còn tham gia hát, múa, nhưng Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Vũ Thị Xuyên vẫn thường xuyên xuất hiện trong các buổi biểu diễn của CLB như một chỗ dựa tinh thần. Ở tuổi 83, cả cuộc đời bà đã chứng kiến biết bao thăng trầm của nghệ thuật hát múa Bài bông, hò Cửa đình. Bà được các cụ cao niên trong làng truyền dạy cho hát múa từ khi mới chỉ là cô bé mười mấy tuổi, rồi chiến tranh loạn lạc, nghệ thuật hát múa dân gian này tưởng như thất truyền... Sau này, khi nghệ thuật hát múa Bài bông được khôi phục, bà lại trở thành người truyền dạy cho thế hệ sau. Gia đình bà cũng là gia đình đặc biệt ở Phú Nhiêu, chồng bà là nghệ nhân hò Cửa đình Lương Tất Tố, con gái, con dâu, cháu nội, cháu ngoại đều là thành viên tích cực của CLB.

“Mỗi khi xem các cháu biểu diễn tôi vui lắm. Tôi mong rằng sẽ có nhiều hoạt động thường xuyên hơn nữa để giữ gìn được vốn quý của cha ông” - NNƯT Vũ Thị Xuyên chia sẻ.

Để diễn xướng dân gian không chỉ là niềm vui tinh thần

du-2.jpg
Lớp trẻ đã tích cực tham gia CLB, giữ gìn và tiếp nối vốn quý của cha ông. Ảnh: Lan Hương

Trở lại Phú Nhiêu hôm nay, người viết đã không còn canh cánh nỗi trăn trở nghệ thuật truyền thống bị mai một. Lớp trẻ tham gia CLB đông đảo, lớp nghệ nhân lớn tuổi tuy nhiều người đã không còn nhưng các bài hát múa cũng đã được tư liệu hóa, được lưu giữ vào băng hình, được biên soạn cho phù hợp với các chương trình biểu diễn...

NNƯT Lê Văn Tâm cho biết, từ năm 2003, khi cố Giáo sư Tô Ngọc Thanh về thẩm định di sản văn hóa Phú Nhiêu, ông đã trầm trồ gọi đây là "kho vàng ròng" của nền văn hóa dân gian Việt Nam. Làng Phú Nhiêu có truyền thống bảo tồn múa Bài bông hơn 500 năm. Hiện nay, làng vẫn lưu giữ bản chữ Nôm cổ của bài múa do cố nghệ nhân Lương Đức Nghi biên soạn và dịch ra chữ quốc ngữ, cùng với băng ghi hình, tư liệu quý giá.

Theo ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư Chi bộ thôn Phú Nhiêu, từ năm 1996, địa phương đã phục dựng lại hò Cửa đình và múa hát Bài bông. CLB hiện có gần 200 thành viên ở nhiều lứa tuổi, từ các cụ 80 - 90 tuổi đến những em nhỏ 7 tuổi. Hoạt động này không chỉ duy trì đời sống văn hóa mà còn tạo ra không khí gắn kết cộng đồng.

Nhưng hầu hết những người tham gia vào CLB, kể cả những nghệ nhân cũng mới chỉ có được niềm vui tinh thần, đi biểu diễn “vui là chính”, thậm chí “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Kinh phí hỗ trợ từ huyện dành cho CLB mỗi tháng vài triệu (30 triệu đồng/năm) chỉ mang tính động viên. Để duy trì, phát triển, thậm chí có thể khai thác được vốn quý cha ông vào hoạt động du lịch, tạo ra thu nhập cho cộng đồng dường như vẫn còn là điều xa vời.

“Ngoài việc biểu diễn tại lễ hội truyền thống của địa phương vào dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng Tám, những năm gần đây, CLB cũng được mời đi biểu diễn trên huyện, thành phố. Hoặc khi có cá nhân hay đơn vị muốn tổ chức giao lưu văn hóa, địa phương luôn tạo điều kiện hỗ trợ. Hiện nay cơ chế cho nghệ nhân vẫn chỉ là động viên, vui là chính, để phát triển mạnh hơn, cần phải có đầu tư, hỗ trợ từ nhiều phía" - ông Nguyễn Văn Trường chia sẻ.

Tuy nhiên, những gợi ý từ chương trình “Quà chiều chủ nhật” cho thấy, nếu chúng ta tìm kiếm những cách làm mới, sáng tạo, cơ hội sẽ mở ra.

“Việc kết hợp diễn xướng dân gian với du lịch sẽ góp phần bảo tồn di sản một cách bền vững, giúp nghệ nhân có nguồn thu thường xuyên hơn, cùng với đó là tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Tại nhiều quốc gia, nghệ thuật dân gian được khai thác dưới hình thức "du lịch di sản", nơi du khách không chỉ tham quan mà còn được tham gia trực tiếp vào các hoạt động văn hóa. Hà Nội hoàn toàn có thể học hỏi mô hình này, tổ chức các tour trải nghiệm tại những làng quê có di sản nghệ thuật đặc sắc như Phú Nhiêu” - bà Nguyễn Thị Kim Oanh nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch trải nghiệm: Cơ hội mới cho diễn xướng dân gian Cách làm sáng tạo để phát huy giá trị di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.