(HNM) - Trên thế giới, từ rất lâu, hình thức du lịch thuê bao nguyên chuyến (charter flight) rất được ưa chuộng vì các ưu điểm: Tiết kiệm chi phí, dịch vụ tốt và khởi hành đúng kế hoạch.
Du khách tìm hiểu cách làm kẹo dừa Bến Tre. Ảnh: Lê Anh |
Vài năm gần đây, tại Việt Nam, những thương hiệu lữ hành lớn cũng tổ chức khai thác charter flight để mở rộng thị trường trong và ngoài nước, thậm chí còn tiên phong mở đường bay mới để phát triển loại hình du lịch này.
Lợi thì có lợi...
Từ năm 1995, Vietravel đã tiên phong tổ chức tour charter flight cho các fan hâm mộ bóng đá đi cổ vũ cho Đội tuyển Việt Nam tại Chaingmai - Thái Lan. Tuy nhiên, chỉ 3 năm trở lại đây, charter flight mới bắt đầu phát triển mạnh với các điểm đến chính là Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhiều công ty lữ hành hợp tác với các công ty khác để chia sẻ chỗ trên chuyến bay, cũng có công ty đứng ra thuê nguyên chuyến rồi tự khai thác. Nếu năm 2014, Hanoi Red Tours khai thác được 5 chuyến thì chỉ trong 10 tháng năm nay đã thuê tới 10 chuyến. Bến Thành Tourist năm 2014 cũng có 8 đoàn và năm 2015 là 16 đoàn.
Theo các chuyên gia du lịch, charter flight đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp. Nó giúp công ty chủ động về phương tiện vận chuyển, thời gian bay và có khả năng cạnh tranh về giá với các đối thủ khác. Nếu công ty du lịch có đủ lượng khách để đi hai chiều hoặc hợp tác với đối tác nước ngoài đưa khách sang Việt Nam thì nguồn lợi thu về còn lớn hơn nhiều. Charter flight cũng rất thuận lợi cho những tổ chức, doanh nghiệp có số lượng khách lớn từ 50 người trở lên. Bởi lẽ, nếu đi thành một tổ chức, họ sẽ phải trả chi phí rất cao, còn nếu đi giá rẻ thì họ phải bay nhiều chuyến khác nhau, nhưng charter flight thì giải quyết được tất cả những vấn đề này.
Các doanh nghiệp không chỉ hợp tác với nhau để chia sẻ chỗ trên chuyến bay nhằm mở một thị trường nào đó mà họ còn kết hợp với chính quyền địa phương tiên phong mở đường bay để phát triển du lịch ở các khu vực này. Ví dụ, tháng 5-2015, Vietravel đã hợp tác với tỉnh Cần Thơ và Lâm Đồng mở đường bay thường xuyên nối hai địa phương trên, sau đó là đường bay thẳng Cần Thơ - Bangkok vào tháng 7-2015; đường bay Đà Nẵng - Bangkok vào tháng 8-2015…
Với các sản phẩm charter flight Cần Thơ - Bangkok, Huế - Bangkok và sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch Thái Lan, Vietravel luôn có mức giá tốt nhất thị trường. Chính vì vậy, vào tháng 7-2015, số lượng người đi Thái Lan của công ty đã đạt con số kỷ lục là 13.886 lượt khách.
Việc mở những đường bay mới đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, tiết kiệm thời gian và chi phí. Bởi lẽ, thay vì mất thêm thời gian đi ô tô hay phải nối tuyến đến những sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất... để đi đến những nơi khác, du khách chỉ cần đặt tour và khởi hành ngay tại địa phương mình.
Cuộc chơi của những "ông lớn"?
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours, sở dĩ charter flight có giá rẻ là vì các công ty du lịch đã tranh thủ được lượt về của các chuyến charter từ khách inbound vào Việt Nam. Chi phí vé máy bay đã được phía đối tác chi trả một phần tương đối, phía Việt Nam chỉ đóng góp phần còn lại mà thôi. Chính vì vậy, thông thường, vé khứ hồi Hà Nội - Seoul là 300 USD cộng thuế nhưng đi charter flight, giá vé chỉ rơi vào khoảng 200 USD cộng thuế. Giá vé rẻ khiến giá tour rẻ theo. Ví dụ, giá tour thông thường Hà Nội - Seoul - Nami vào khoảng 16 triệu nhưng đi charter flight chỉ khoảng 12 triệu.
Một lý do khác khiến charter flight có giá rẻ là vì số lượng khách trên một chuyến charter flight khá lớn, khoảng trên 150 người. Và như vậy, công ty lữ hành sẽ tối đa hóa được công suất xe và hướng dẫn viên. "Với một đoàn 20 khách, lữ hành vẫn phải chạy xe 45 chỗ và một hướng dẫn viên. Đoàn 40 khách cũng vậy nên nếu lượng khách lớn sẽ tiết kiệm được chi phí rất nhiều", ông Nguyễn Công Hoan cho biết.
Lợi thì nhiều nhưng theo nhiều chuyên gia du lịch, cuộc chơi này không dành cho doanh nghiệp nhỏ, ít vốn và ít khách hàng. Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng truyền thông Công ty Vietrantour cho biết, chi phí tổ chức tour charter flight rất cao, thời gian nhận khách hạn hẹp với số lượng chỗ lớn nên chỉ những đơn vị lữ hành lớn, nhiều vốn mới dám nghĩ tới việc tổ chức tour theo hình thức này. Khi thuê nguyên chuyến bay thì lời ăn lỗ chịu nên nếu không đánh giá đúng thị trường và bỏ ra một số tiền rất lớn mà không bán được hết chỗ thì lỗ nặng. Việc mở đường bay mới còn mạo hiểm hơn vì cần phải có sự hỗ trợ của địa phương. Ví dụ, với đường bay Cần Thơ - Lâm Đồng, Vietravel đã phải nhờ hai địa phương trên khai thác 20% số ghế trên mỗi chuyến bay.
Tuy còn những khó khăn nhưng theo các chuyên gia du lịch, trong thời gian tới, charter flight sẽ ngày càng phát triển vì ngoài việc bùng nổ của du lịch MICE, Việt Nam cũng đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của khách quốc tế. Và cùng với xu hướng này, người dân Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khám phá và trải nghiệm những vùng đất mà họ yêu thích với giá rẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.