(HNMO) - Năm 2022 vẫn là năm khó khăn của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thủ đô nói riêng sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, những điểm sáng của ngành du lịch đã nhen lên kể từ khi Chính phủ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15-3-2022. Du lịch Hà Nội đã góp sức cùng cả nước có sự phục hồi nhanh, đặc biệt là du lịch nội địa vượt xa kế hoạch đề ra.
Sự bứt phá của du lịch nội địa
Trong khi du lịch quốc tế còn gặp khó khăn vì nhiều nguyên nhân thì du lịch nội địa vẫn là “át chủ bài” để phục hồi ngành du lịch sau dịch Covid-19.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, với chính sách mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch, bao gồm du lịch quốc tế và nội địa từ ngày 15-3-2022, khách du lịch nội địa tăng trưởng mạnh. Ước cả năm 2022, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt, tăng gấp 1,87 lần so với kế hoạch và 4,7 lần so với năm 2021, bằng 64,7% lượng khách năm 2019.
Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng gấp 2,15 lần so với kế hoạch, bằng 78,5% lượng khách du lịch nội địa năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,68 lần so với kế hoạch và 5,3 lần so với năm 2021 và bằng 57,8% tổng thu từ khách du lịch năm 2019.
Về hoạt động lưu trú, Hà Nội hiện có 3.650 cơ sở lưu trú du lịch với 65.400 phòng. Năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt khoảng 41,2%, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Đánh giá về sự bứt phá của du lịch nội địa, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đây là nỗ lực không nhỏ của du lịch Hà Nội trong bức tranh phục hồi chung của du lịch cả nước. Du lịch Thủ đô có nhiều nỗ lực trong các công tác tham mưu UBND thành phố kế hoạch phục hồi; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm mới; đào tạo nhân lực; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn; thực hiện chuyển đổi số…
Một trong những dấu ấn là Sở Du lịch đã phối hợp với Tổng cục Du lịch thường xuyên tuyên truyền nhãn xanh ASEAN cho các cơ sở lưu trú và nhãn du lịch bền vững ASEAN cho các công ty lữ hành; triển khai hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch.
Năm 2022, Sở Du lịch tổ chức triển khai hơn 28 lớp tập huấn với hơn 2.000 người tham gia nhằm tăng cường, nâng cao năng lực quản lý du lịch trên địa bàn thành phố; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực du lịch; các lớp ứng xử văn minh và du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch trọng điểm của các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Thường Tín, Đông Anh, Sóc Sơn...
Ấn tượng bằng sản phẩm du lịch mới và các giải thưởng
Dấu ấn lớn của du lịch Thủ đô trong năm qua là liên tục được các tổ chức báo chí du lịch quốc tế đánh giá cao, đứng trong nhóm những thành phố điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Điển hình, Hà Nội đã vinh dự được Tổ chức Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) bình chọn là: “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022” (Worlds Leading City Break Destination 2022).
Chuyên trang du lịch TripAdvisor đã xếp thành phố Hà Nội đứng thứ 13 trong danh sách Top 25 điểm đến được yêu thích nhất châu Á 2022; đứng thứ 22 trong danh sách Top 25 điểm đến cho người mê ẩm thực; xếp hạng phố cổ Hà Nội lọt Top những điểm du lịch hàng đầu khu vực châu Á năm 2022 với vị trí thứ 12.
Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de đánh giá Hà Nội là một trong những điểm đến ưa thích nhất Đông Nam Á. Trang công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights xếp hạng Hà Nội là một trong những thành phố được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất.
Bên cạnh đó, Hãng hàng không Iceland (Icelandair) xếp Hà Nội đứng thứ 9 trong danh sách bảng xếp hạng 10 thành phố hàng đầu thế giới để khám phá văn hóa, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe. Tạp chí Travel&Leisure xếp hạng thành phố Hà Nội đứng thứ 3 trong danh sách 10 thành phố hàng đầu Đông Nam Á (Best cities in Southeast Asia). Trang Booking.com đánh giá Hà Nội nằm trong 6 điểm đến du lịch bằng xe đạp lý tưởng nhất thế giới. Kênh truyền thông CNN quốc tế (Mỹ) chọn Hà Nội đứng thứ 6 trong danh sách 12 điểm đến hấp dẫn nhất, lãng mạn nhất trên thế giới không thể bỏ lỡ vào mùa thu.
Hàng loạt giải thưởng, sự ghi nhận của giới truyền thông thế giới đã cho thấy sức hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội. Sức hấp dẫn ấy có được là nhờ những nỗ lực trong việc quảng bá, xây dựng điểm đến “An toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”.
Điểm nhấn của du lịch Thủ đô trong năm 2022 là xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của cả nước. Trong đó nổi bật là việc khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; ra mắt sản phẩm tour xe đạp “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”… Đầu tháng 12-2022, Hà Nội có thêm sản phẩm tour du lịch văn học do Bảo tàng Văn học Việt Nam phối hợp Công ty Du lịch Bền vững thực hiện.
Bên cạnh đó, các địa phương của Hà Nội cũng đã duy trì, hình thành nhiều sản phẩm trải nghiệm mới, như: Khai trương các tuyến phố đi bộ mới ở Thành cổ Sơn Tây (ngày 30-4), tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã (tháng 12-2022); tổ chức Lễ hội tình yêu tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (dịp nghỉ lễ 30-4); Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội (tháng 5-2022); tái khởi động không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố - Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (tháng 5-2022); tổ chức lễ hội áo dài du lịch trở thành sản phẩm du lịch thường niên…
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, du lịch Hà Nội đang cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là việc hình thành và xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của du khách sau dịch Covid-19.
Vẫn còn khó khăn
Trong bức tranh chung của du lịch Việt Nam, du lịch Thủ đô vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đón khách quốc tế. Theo thống kê, năm 2022, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1,5 triệu lượt khách, đạt chỉ tiêu kế hoạch và bằng 21,4% lượng khách quốc tế đến Hà Nội năm 2019 (năm 2021, Thủ đô Hà Nội không đón khách du lịch quốc tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19).
Bênh cạnh đó, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng: “Việc đầu tư khai thác, phát huy giá trị các tiềm năng điểm đến còn đơn điệu, thiếu sản phẩm du lịch có chiều sâu văn hóa. Chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách; thiếu các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn”.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Lê Bá Dũng, quy mô các doanh nghiệp du lịch còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, chưa hình thành được doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc tế. Chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến và công tác hướng dẫn du lịch tại điểm còn hạn chế. Nguồn nhân lực ở một số khâu, một số bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
Ông Lê Bá Dũng cũng cho rằng, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của du khách. Hệ thống nhà hàng, cơ sở dịch vụ ẩm thực, dịch vụ mua sắm phát triển nhưng còn phân tán, chưa liên kết tạo dựng thành hiệu quả chuỗi giá trị đầu vào để gia tăng giá trị sản phẩm du lịch.
Bước sang năm 2023, ngành Du lịch Thủ đô đặt chỉ tiêu, phấn đấu đón được 22 triệu lượt khách du lịch, tăng 17,6% so với năm 2022. Trong đó, Hà Nội phấn đấu đón 3 triệu lượt khách quốc tế (có 2,1 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 100% so với năm 2022 và 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5%. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2%…
Để làm được điều này, ngành Du lịch Hà Nội đặt quyết tâm lớn trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm, quảng bá, xúc tiến cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tháo gỡ khó khăn còn tồn tại để cùng thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh cho toàn ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.