Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch tạo đà cho nông nghiệp phát triển bền vững

Sơn Tùng| 02/05/2021 19:31

(HNMO) - Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hướng đi mới này đang được các địa phương tích cực triển khai.

Học sinh thích thú với trải nghiệm tại các khu du lịch nông nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ.

Đa lợi ích

Gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở quận Hà Đông vừa có buổi trải nghiệm du lịch trong các ngày nghỉ lễ cho những thành viên nhí của gia đình tại huyện Ba Vì và Phúc Thọ. Chị Dung chia sẻ, chỉ với 40 phút xe chạy từ quận Hà Đông ra ngoại thành, các thành viên trong gia đình đã được vui chơi thỏa thích với nhiều hoạt động. “Lũ trẻ nhà tôi được hòa mình với thiên nhiên, thỏa sức khám phá, được tìm hiểu cuộc sống của nông dân, tự tay chăm sóc, thu hoạch các loại rau, củ; cho gà, lợn, bò ăn..., bố mẹ lại mua được nông sản sạch về làm quà”, chị Dung hào hứng nói.

Huyện Ba Vì được coi là “thủ phủ" của nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, trải nghiệm giáo dục. Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, chỉ tính trong năm 2020, các điểm tham quan du lịch nông nghiệp trên địa bàn huyện đã đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng từ hoạt động du lịch cùng nguồn thu từ bán nông sản (sữa, thịt đà điểu...). Việc bán sữa cho khách du lịch đã góp phần đáng kể trong ổn định đàn bò sữa cho nông dân các xã: Vân Hòa, Tản Lĩnh… trong các giai đoạn khó khăn khi doanh nghiệp thu mua nhỏ giọt.

Hơn nữa, khi nông dân tham gia vào chuỗi tiêu thụ nông sản phục vụ khách du lịch, họ nhận được không chỉ là lợi nhuận mà còn là những kiến thức, thông tin bổ ích qua tiếp xúc với du khách... 

Chị Nguyễn Thị Tuyến, chủ cửa hàng sữa Sang Tuyến tại xã Tản Lĩnh khẳng định, hơn 90% sản phẩm sữa của gia đình bán cho khách du lịch tới địa phương trải nghiệm. Khi khách du lịch được tham quan trại bò, cùng nông dân vắt sữa bò, cắt cỏ, thái cỏ cho bò ăn... ngoài được trải nghiệm thú vị, họ thêm tin tưởng và sử dụng sản phẩm từ sữa Ba Vì nhiều lần nữa.

Trước đây, mới chỉ có những địa phương có thế mạnh và truyền thống về phát triển nông nghiệp du lịch, giáo dục trải nghiệm như các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn và quận Long Biên thì đến nay, hầu hết các địa phương của Hà Nội, như: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên... cũng đang phát triển mô hình này rất nhanh.

Xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) nổi lên như một địa phương đi đầu về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục trải nghiệm đem lại giá trị cao. Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh chia sẻ, tận dụng thế mạnh vùng đất bãi, xã đã và đang hình thành nhiều mô hình du lịch nông nghiệp. Điển hình như trang trại học đường Vạn An, khu du lịch trải nghiệm Hải Đăng…, nhờ phát triển du lịch nông nghiệp đã góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. 

Tương tự, tại huyện Phúc Thọ, cũng ngày càng có nhiều khu du lịch nông nghiệp trải nghiệm thu hút khách trong và ngoài địa phương. Điển hình như vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay tại xã Tam Hiệp được biết đến là công viên của các loài hoa. Với diện tích 4ha nằm ở sát vị trí sông Đáy - một thung lũng đẹp như tranh vẽ, bao quanh là cánh đồng và khu trồng nông sản sạch, tạo kết nối bài bản giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ du lịch...

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch.

Còn nhiều thách thức

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, qua thực tế kiểm tra xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cho thấy, việc phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ có ý nghĩa đối với du lịch mà còn tác động tích cực đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nông nghiệp tạo điều kiện để hình thành sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu du khách, bảo đảm du lịch phát triển.

Ngược lại, du lịch góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển nông thôn bền vững. Tại Hà Nội, du lịch nông nghiệp phát triển đang góp phần mạnh mẽ chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh doanh cho nông dân. Đây là hướng đi đúng đắn của Hà Nội trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững.

Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp của Hà Nội có thêm nhiều sản phẩm mới, gia tăng giá trị trải nghiệm, mang lại hiệu quả tối đa cho cả sản xuất nông nghiệp và hoạt động du lịch thì vẫn còn rất nhiều thách thức, đòi hỏi từng địa phương có những giải pháp, lộ trình phù hợp.

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, hiện nay, nhiều khu du lịch sinh thái ở Hà Nội hoạt động không đều, có sự trùng lặp. Nhiều khu chỉ hoạt động vào những ngày cuối tuần, còn trong tuần gần như không có khách. Với thời gian đón khách ít như vậy, người dân và doanh nghiệp khó có khả năng thu lợi nhuận để tái đầu tư và bổ sung hoạt động hấp dẫn nhằm kéo du khách đến.

Do đó, để khắc phục hạn chế này, ông Thản cho rằng, các khu du lịch nông nghiệp cần luôn tự làm mới, tăng cường đầu tư cho các dịch vụ bổ trợ, trải nghiệm mới để thu hút du khách.

Cùng với đó, phải chia đối tượng khách theo thị trường, lứa tuổi, nhu cầu hưởng thụ, khám phá... nhằm đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm, phục vụ đông đảo đối tượng khách hàng. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp hỗ trợ về quảng bá, đào tạo kỹ năng, kiến thức du lịch cộng đồng cho nông dân.

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế đa dạng sản phẩm, thu hút khách, chị Nguyễn Thị Thúy, quản lý của khu vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay chia sẻ, ngoài đầu tư điểm nhấn trên khuôn viên 4ha chủ lực với các loài hoa đặc trưng của Hà Nội để du khách chụp ảnh, đơn vị còn liên kết với nông dân địa phương xây dựng các mô hình trải nghiệm sản xuất nông nghiệp phong phú như thu hoạch măng tây sạch, trồng - chăm sóc rau, củ, quả, hái bưởi khi đến kỳ thu hoạch… Tất cả trải nghiệm về quy trình sản xuất nông nghiệp sạch được đơn vị kết nối với nông dân trong vùng, có cam kết và hỗ trợ của chính quyền địa phương, tạo ra chuỗi sản phẩm độc đáo...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, Hà Nội có hàng chục nghìn héc ta đất bãi của các con sông lớn: Hồng, Đáy, Đà..., nhiều bờ bãi, vườn cây được phù sa bồi đắp, tạo những vùng diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, phì nhiêu là tiền đề để các mô hình du lịch nông nghiệp tại đây ngày càng phát triển. Do đó, trong kế hoạch tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp Hà Nội, hướng đi chính là thúc đẩy các địa phương phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo đó, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục hỗ trợ các vùng này về hạ tầng thiết yếu, giao thông nội đồng, các công trình hồ, đập, thủy lợi phục vụ cảnh quan môi trường; đặc biệt, sẽ hỗ trợ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm để gia tăng giá trị nông sản thông qua bán hàng trực tiếp cho du khách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Du lịch tạo đà cho nông nghiệp phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.