Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch mạo hiểm: Phó mặc cho doanh nghiệp lữ hành!

Lâm Vũ| 03/03/2016 07:18

(HNM) - Những ngày cuối tháng 2-2016, tại tỉnh Lâm Đồng liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn liên quan đến du lịch mạo hiểm (DLMH) làm 4 du khách nước ngoài tử vong gây hoang mang dư luận. Vậy đâu là nguyên nhân của sự việc đáng tiếc trên?

Du lịch mạo hiểm tại Việt Nam cần được quản lý chặt chẽ.


Địa phương phải chịu trách nhiệm

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Lửa Việt Tour, "du lịch mạo hiểm" theo quy định quốc tế là loại hình chuyên biệt như leo núi Everest (Nepal), Kinabalu (Malaysia)... hoặc thám hiểm các dòng sông, khu rừng rậm. Ở Việt Nam, các hoạt động DLMH chủ yếu là các trò chơi mạo hiểm hay trò chơi cảm giác mạnh diễn ra trong thời gian nhất định, từ vài chục phút đến vài giờ như: Lặn biển, leo và xuống vách núi thẳng đứng, nhảy cầu với dây buộc ở cổ chân, đu dây, chèo xuồng vượt thác... Dù là loại hình nào thì đều yêu cầu phải có thiết bị chuyên dùng và thường do huấn luyện viên nước ngoài đảm trách.

Trên thực tế, trong Luật Du lịch Việt Nam chưa có một định nghĩa nào về DLMH và những quy định, điều kiện cụ thể để khai thác DLMH. Có chăng cũng chỉ là những quy định nội quy nội bộ. Một điều đáng quan tâm là có một số trò chơi mạo hiểm là sự kết hợp giữa du lịch và thể thao mạo hiểm, ví dụ leo núi, vượt thác, lặn biển, dù lượn,… Nếu quy một trò chơi nào đó thuộc lĩnh vực thể thao mạo hiểm thì phải có những quy định cụ thể về việc bảo đảm an toàn. Cụ thể, người tham gia leo núi phải có chứng nhận sức khỏe và trình độ, hay địa điểm đăng ký leo cũng phải có những quy định về an toàn và được kiểm tra bởi cơ quan chức năng thuộc lĩnh vực thể thao... Vì chưa có quy định rõ ràng và thiếu sự kết hợp liên ngành với lĩnh vực thể thao mạo hiểm nên việc quản lý tour mạo hiểm hiện nay rất khó.

Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, sản phẩm DLMH hiện do các địa phương tự xây dựng. Khi xây dựng các sản phẩm DLMH thì các khu du lịch phải xây dựng nội quy, quy định, quy trình, phương án cứu hộ, biển báo, cảnh báo, chỉ dẫn cho du khách, lực lượng cứu hộ, hướng dẫn viên. Các công ty lữ hành mua sản phẩm của các khu du lịch thì phải tuân thủ các quy định này. Cũng theo ông Ngô Hoài Chung, Sở VH,TT&DL địa phương là cơ quan hướng dẫn và trực tiếp cho phép các doanh nghiệp tham gia vào khai thác DLMH cũng như chịu trách nhiệm chính quản lý việc khai thác này. Tổng cục Du lịch với tư cách là cơ quan quản lý lữ hành chỉ định hướng và hướng dẫn.

Lợi dụng kẽ hở quản lý

Theo bà Nguyễn Thị Kim Khánh (Hiệp hội Du lịch Việt Nam): Ở nước ngoài, khi muốn mua một tour mạo hiểm, du khách phải chứng minh khả năng mình thực hiện được tour đó. "Du khách muốn leo núi phải có chứng chỉ leo núi, hay phải có giấy tờ chứng minh sức khỏe sau đó ký vào bản cam kết tự chịu trách nhiệm và nhất là có sự tham gia của các công ty bảo hiểm. Còn ở Việt Nam, du khách cứ có tiền là mua được tour và tự chịu trách nhiệm về tính mạng của mình", bà Khánh nói.

Nhằm quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động liên quan đến DLMH, ngày 1-3, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác DLMH trên địa bàn.

Theo đó, Bộ sẽ kiên quyết dừng hoạt động của khu, điểm du lịch không bảo đảm an toàn, đồng thời yêu cầu các khu, điểm, tổ chức loại hình DLMH phải kiểm tra cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực tổ chức các hoạt động; yêu cầu bố trí biển báo, cảnh báo, chỉ dẫn rõ ràng cho du khách; bố trí lực lượng cứu hộ trực tại những vị trí nguy hiểm...


Khảo sát các công ty lữ hành kinh doanh DLMH cho thấy, trang thiết bị của các công ty rất sơ sài, đôi khi chỉ là vài sợi dây chuyên dụng, mấy bộ đai an toàn và hầu hết đều do Trung Quốc sản xuất vì giá thành rẻ. Khi bán tour cho khách, các công ty hứa hẹn sẽ bảo đảm an toàn, nhưng khi tai nạn xảy ra thì đổ lỗi do khách không tuân thủ hướng dẫn…

Thực trạng trên không phải các cơ quan chức năng ở địa phương không biết, song do trong Luật Du lịch không có định nghĩa thế nào là DLMH và cũng không có quy định những điều kiện để thực hiện một tour DLMH nên cơ quan quản lý không có căn cứ cấm các công ty không được kinh doanh. Và đây chính là kẽ hở cho các công ty du lịch như Đam Mê Đà Lạt có đất sống.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet, việc xảy ra ở Đà Lạt vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến các tour du lịch thưởng ngoạn hay nghỉ dưỡng thuần túy của du khách, tuy nhiên với những khách đam mê DLMH thì có một chút lo lắng. Anh Kiều Xuân Thủy, giáo viên giáo dục thể chất Trường THPT Đống Đa, người từng 3 lần chinh phục đỉnh Fansipan chia sẻ: "Vụ việc đáng tiếc vừa qua cũng khiến tôi phải cân nhắc khi thực hiện một số tour mạo hiểm trong thời gian tới. Chắc chắn tôi sẽ chuẩn bị kỹ hơn về mặt thể lực, rèn luyện các kỹ năng cần thiết và tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn của ban quản lý điểm đến".

Đến với Việt Nam, DLMH được đông đảo du khách nước ngoài yêu thích và gần đây số lượng bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến loại hình du lịch này ngày một tăng. Chính vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Kim Khánh, du khách khi mua tour mạo hiểm trước hết phải xác định sức khỏe và kỹ năng của mình có đủ để tham gia tour đó không và chuẩn bị thật kỹ những kỹ năng cần thiết cho loại hình DLMH định tham gia. Ngoài ra, cần chọn công ty du lịch có uy tín trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch mạo hiểm: Phó mặc cho doanh nghiệp lữ hành!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.