(HNM) - Nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Sở Công thương thành phố đã xây dựng 4 tour du lịch làng nghề để thu hút khách du lịch đến với Thủ đô.
Tuy nhiên, để du lịch làng nghề thực sự phát huy tiềm năng và hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, chính quyền và người dân địa phương, nhất là trong khâu xúc tiến, quảng bá để thu hút du khách.
Phát triển manh mún
Du khách tham quan làng nón Chuông (huyện Thanh Oai). Ảnh: Bá Hoạt
Các làng nghề ở Hà Nội có mật độ lớn, nằm dọc các trục giao thông và gắn với những di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, nên rất thuận lợi cho các công ty du lịch lữ hành đầu tư, xây dựng những tour, tuyến du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển những tour này còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng yếu, phong cách phục vụ không chu đáo, lại thiếu chuyên nghiệp… Ngoài những làng nghề được nhắc tên nhiều như Bát Tràng và Vạn Phúc, các làng nghề khác gần như bị bỏ quên, mặc dù có chủ trương từ chính quyền địa phương. Điển hình như cụm làng nghề mây tre đan ở Chương Mỹ, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái…
Theo các chuyên gia, sở dĩ thời gian qua các làng nghề Hà Nội khó phát triển du lịch là do thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng với chính quyền và người dân địa phương. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh ở làng nghề Vạn Phúc cho rằng, do chồng chéo trong công tác quản lý dẫn đến tình trạng người dân làng nghề không được trang bị kiến thức về cách tiếp thị, cách đón tiếp khách du lịch, không được hướng dẫn cách làm ra những sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách. Lao động ở các làng nghề bị hạn chế về trình độ học vấn; nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề còn thói quen làm ăn nhỏ, chắp vá, thiếu thông tin thị trường... Đặc biệt là nhiều chủ kinh doanh vẫn giữ cách làm ăn "chộp giật", sẵn sàng "chặt chém" du khách khi họ hỏi mua món đồ đẹp mắt, thậm chí đẩy khách ra cửa và đốt vía ngay trước mặt họ nếu du khách chỉ vào tham quan và xem sản phẩm mà không mua. Điều đó đã để lại những ấn tượng rất xấu đối với du khách, khiến họ "một đi, không trở lại". Bên cạnh đó, thuyết trình viên tại các làng nghề vừa thiếu lại yếu. Sản phẩm của nhiều làng nghề còn sơ sài, nghèo nàn về chủng loại và mẫu mã. Môi trường ô nhiễm cũng là một trong những rào cản lớn khi thu hút khách du lịch. Hầu hết môi trường rác thải, nước thải, khí thải ở các làng nghề đang ở mức báo động. Việc thiếu vốn, mặt bằng cho sản xuất cũng là những bất cập khiến các làng nghề chậm phát triển, không đáp ứng được yêu cầu của ngành du lịch. Hơn nữa, việc các làng nghề Hà Nội chưa thực sự trở thành điểm thu hút khách du lịch còn do các công ty du lịch lữ hành chưa quan tâm đến chất lượng, thiếu liên kết cũng như chia sẻ trách nhiệm và lợi nhuận giữa doanh nghiệp lữ hành với người dân làng nghề...
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, một trong những chuyên gia tham gia chương trình tập huấn kỹ năng du lịch tại các làng nghề truyền thống cho biết, hiện mới chỉ có 5 làng nghề được tập huấn kỹ năng du lịch là Vân Hà, Hạ Thái, Chuôn Ngọ, Bát Tràng và Phú Vinh. Nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chắc chắn sẽ có một lượng khách rất lớn tới Thủ đô và nhu cầu đi thăm các làng nghề của họ là tất yếu. Tuy nhiên, mới chỉ có 5 làng nghề được tập huấn kỹ năng du lịch thì còn quá ít và liệu có thể đáp ứng nhu cầu của khách du lịch?
Cần giải pháp đồng bộ...
Du khách dạo quanh làng nghề bằng xe trâu - nét du lịch độc đáo của Bát Tràng.
Các làng nghề phát triển rất đa dạng do đời sống kinh tế - xã hội đất nước đang chuyển biến mạnh mẽ, nhu cầu của xã hội về các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thay đổi rõ rệt. Du lịch làng nghề được quảng bá, thị trường các sản phẩm của làng nghề được mở rộng sẽ nâng cao thu nhập của người dân làng nghề, mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho làng nghề và cho địa phương có làng nghề. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan nhằm phát huy vai trò của làng nghề trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy vậy, kết quả thực hiện những chủ trương, chính sách đó chưa được nhiều. Để khai thác tốt tiềm năng này, các ngành chức năng cần khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý; đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, kiến thức cho người dân, cải thiện môi trường, xây dựng các tuyến du lịch làng nghề mới. Thêm vào đó, để làng nghề trở thành điểm du lịch thì cần được xã hội hóa, trong đó, Nhà nước chỉ đưa ra các cơ chế chính sách, lập ra quy hoạch hoặc có thể hỗ trợ một phần kinh phí các dự án trọng điểm, còn lại phải kêu gọi nhà đầu tư và kinh phí từ làng nghề, để dự án phát huy hiệu quả. Chính quyền cũng cần quan tâm đầu tư nhiều hơn đến việc quảng bá, tiếp thị hình ảnh làng nghề trên các phương tiện truyền thông, tạo điều kiện cho người làng nghề được tham quan các làng nghề đã làm du lịch để học hỏi kinh nghiệm; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương.
... và năng động sáng tạo từ chính làng nghề
Theo chia sẻ của các nghệ nhân, làng nghề nào mà người dân càng nhạy bén với thị trường, hiểu biết về tiếp thị thì càng hút khách du lịch. Đó cũng chính là bí quyết của Bát Tràng, Kim Lan hay Vạn Phúc. Người dân ở Bát Tràng biết đón khách vào nhà như thế nào. Họ còn nghĩ ra chiếc xe trâu để chở khách thong dong đi thăm các lò gốm. Chợ Bát Tràng không chỉ thuần buôn bán, mà còn có những gian hàng cho khách được tham gia các công đoạn làm gốm. Việc được tự nặn, tự vẽ, tự sáng tạo ra sản phẩm gốm theo ý thích và nhìn thấy sản phẩm hoàn chỉnh của mình từ lò ra khiến khách đặc biệt thích thú và cảm thấy thỏa mãn với chuyến đi. Một vấn đề nữa cần được quan tâm là trình độ của các hướng dẫn viên du lịch chuyên về làng nghề. Nếu đội ngũ hướng dẫn viên không được cung cấp kiến thức về văn hóa làng nghề, cũng như vốn hiểu biết về quần thể các di tích lịch sử - văn hóa của làng nghề thì rất khó mang lại cho du khách hứng thú thực sự. Được biết, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nâng cấp cơ sở vật chất cho làng nghề, trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ mời các chuyên gia tư vấn về quy hoạch của các hãng du lịch quốc tế tham gia quy hoạch tổng thể các làng nghề trên địa bàn Thủ đô, nhằm giải quyết được những bất cập đang tồn tại của làng nghề như hạ tầng cơ sở, vốn, đường giao thông, mặt bằng sản xuất, môi trường.
Tiềm năng của làng nghề Hà Nội thực sự rất to lớn. Nếu được tổ chức chuyên nghiệp, du lịch làng nghề không chỉ mang lại những giá trị thiết thực về kinh tế, văn hóa mà còn góp phần bảo tồn, phát huy, làm rạng rỡ thêm những tinh hoa của đất kinh kỳ "Ngàn năm văn hiến".
Hà Nội hiện có 1.270 làng nghề, trong đó có 272 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Nhiều làng nghề còn mang đậm những giá trị văn hóa, lịch sử với tuổi đời hàng trăm năm. Hà Nội cũng là nơi có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng của Việt Nam được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng như lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, chạm bạc Định Công, khảm trai Chuôn Ngọ, đồ gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.