(HNMCT) - Năm 2019 đã kết thúc với khá nhiều dấu ấn cho ngành Du lịch Thủ đô. Đó là sự tăng trưởng ngoạn mục về lượng khách, đưa du lịch Thủ đô về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo". Trong đó, dấu ấn lớn nhất nằm ở việc du khách quốc tế thực sự ấn tượng trước một Thủ đô Hà Nội yên bình, đáng sống; thành phố của hòa bình, sáng tạo và là một trong những điểm đến tốt nhất châu Á... Từ dấu ấn và động lực ấy, du lịch Thủ đô đang hướng tới hội nhập với thế giới cũng như khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch quốc tế.
Từ cảm hứng hòa bình và sáng tạo
Trong năm 2019, Hà Nội tiếp tục có mặt trong danh sách bình chọn của các tạp chí du lịch uy tín của thế giới như: Là một trong 7 địa điểm dành cho những người thích đi du lịch một mình (trang du lịch Bigseventravel của Italia); đứng thứ 15/161 điểm đến hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương (Mastercard); xếp thứ 4/25 điểm đến hàng đầu châu Á và 15/25 điểm đến hàng đầu thế giới trên trang TripAdvisor; CNN bình chọn Hà Nội là điểm đến lọt top “Danh sách vàng những điểm du lịch tốt nhất châu Á”...
Những danh hiệu trên là sự ghi nhận của cộng đồng du lịch thế giới và du khách quốc tế đối với những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng điểm đến, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động du lịch của Hà Nội, góp phần đưa Thủ đô ngày càng trở thành thành phố du lịch thông minh, an toàn, thân thiện...
Để lại dấu ấn sâu đậm đối với bạn bè quốc tế phải kể đến việc Hà Nội đã đảm nhận tốt vai trò “chủ nhà” của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên hồi tháng 2-2019.
Đặc biệt, Hà Nội còn chính thức được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) với lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Sự sáng tạo ấy được thể hiện rõ nhất ở các không gian văn hóa công cộng mà điển hình là Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận - nơi thu hút một lượng khách lớn mỗi cuối tuần.
Theo thống kê, trung bình ban ngày có khoảng 3.000 - 5.000 lượt khách, buổi tối từ 1,5 - 2 vạn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu văn hóa... tại đây. Sau khi có không gian này, lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh từ 1,36 triệu lượt (năm 2016) lên khoảng 2,84 triệu lượt khách (năm 2019).
Sau 3 năm triển khai thí điểm thành công, Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận bước vào hoạt động chính thức từ 1-1-2020. Cho đến nay, không gian này ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn của mình, dần trở thành một thương hiệu, một điểm đến tạo thành điểm nhấn của du lịch Thủ đô.
Một dấu ấn nữa của du lịch Thủ đô trong năm 2019 là những kết quả của việc triển khai xây dựng Đề án hệ thống du lịch thông minh, hoàn thành các phần việc cơ bản gồm: Cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của thành phố, cổng thông tin du lịch Hà Nội; bản đồ số về du lịch theo công nghệ GIS và hệ sinh thái các ý tưởng hỗ trợ như: Xây dựng phần mềm ứng dụng về du lịch dùng trên thiết bị di động cầm tay, phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch; phát triển hệ thống wifi công cộng tại 11 khu vực với 200 điểm, 200 trạm phát với khoảng 8,2 triệu lượt truy cập.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển du lịch đã đáp ứng được nhu cầu của du khách, tạo nên những thay đổi tích cực tại các điểm đến như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, xã Hương Sơn (Mỹ Đức), làng gốm sứ Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm...
Vượt thách thức, tạo đột phá
Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức nhưng để giữ vững những thành quả đạt được cũng như hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tạo đột phá để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, trong năm 2020, Sở sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền quảng bá như: Tiếp tục triển khai chương trình hợp tác giữa thành phố Hà Nội và kênh truyền hình quốc tế CNN. Đây được coi là giải pháp mang tính đột phá, chuyên nghiệp, phạm vi quảng bá rộng khắp trên thế giới, qua đó thúc đẩy các cơ hội hợp tác, đầu tư đối với các đối tác quốc tế.
Đẩy mạnh liên kết với các hãng hàng không và hãng lữ hành quốc tế lớn thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại chỗ như: Tổ chức thực hiện quảng bá du lịch đối ứng giữa Hà Nội với các nước; đón các đoàn lữ hành lớn tại các thị trường trọng điểm, đón các đoàn báo chí, phóng viên quốc tế đến khảo sát sản phẩm, viết bài tuyên truyền quảng bá về du lịch Thủ đô.
Chủ động tuyên truyền quảng bá du lịch thông qua các hoạt động đối ngoại của Thành phố như Giải đua xe ô tô công thức 1 - sự kiện thể thao quốc tế quan trọng được tổ chức tại Hà Nội trong năm 2020...
Cùng với đó, Sở sẽ tiếp tục triển khai Đề án hệ thống du lịch thông minh; triển khai hệ thống biển chỉ dẫn tại các điểm đến trong khu vực nội thành, hoàn thành biểu tượng nhận diện phố cổ Hà Nội và hai làng nghề Vạn Phúc, Bát Tràng; xây dựng Đề án nâng cấp chất lượng các khu, điểm du lịch trọng điểm; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng nhằm tăng tỷ trọng trong cơ cấu chi tiêu của du khách; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp kết nối các điểm đến dịch vụ du lịch, trọng tâm là các điểm đến gắn với di sản - di tích, làng nghề để quảng bá, tuyên truyền, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hà Nội...
Với những giải pháp mang tính đột phá như vậy, Hà Nội kỳ vọng sẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và thân thiện với môi trường; đưa Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
Đến hết năm 2019, khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 29 triệu lượt, tăng 10% so với năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế đạt 7,025 triệu lượt, tăng 17% so với năm trước; khách du lịch nội địa đạt 21,92 triệu lượt, tăng 8% so với năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt 103.812 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước. Công suất sử dụng buồng phòng khách sạn bình quân đạt 69,8%. Với kết quả này, ngành Du lịch Thủ đô đã về đích trước 3 năm về chỉ tiêu đón 5,7 triệu lượt khách quốc tế theo mục tiêu Nghị quyết số 06 đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.