(HNM) - Dịp lễ 30-4 và 1-5 được nghỉ 4 ngày, các cá nhân và gia đình có cơ hội tổ chức những cuộc dã ngoại thú vị. Tuy nhiên, khi giá cả leo thang, nhiều người phải tính toán và cân nhắc kỹ sẽ đi đâu để tiết kiệm chi phí.
Những điểm du lịch gần Hà Nội như Hạ Long sẽ thu hút đông khách trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5. Ảnh: Khánh Nguyên |
Rủ nhau về quê
Sau khi tham khảo 3 công ty lữ hành, anh Tạ Quang Huân, nhân viên Xí nghiệp Xe điện Hà Nội quyết định biến kỳ nghỉ 30-4 thành chuyến picnic về quê để tận hưởng "hương đồng gió nội". Lý do rất đơn giản, nếu đi du lịch chặng nội địa ngắn thì hai vợ chồng và một đứa con cũng phải chi gần chục triệu đồng, chưa kể những chi phí phát sinh. Tương tự, chị Thu Hà, nhân viên Trung tâm Y tế quận Long Biên cũng về quê chồng ở Nam Định dịp này để thăm họ hàng. Chị tâm sự: "Cũng muốn gia đình có một kỳ nghỉ xả hơi ở Nha Trang, Mũi Né hay Phú Quốc, nhưng cơn "bão giá" hiện nay khiến chúng tôi phải thắt chặt hầu bao. Về Nam Định, gia đình tôi sẽ cùng người thân đến bãi biển Hải Thịnh. Dịch vụ ở đây đơn giản nhưng giá rẻ, không lo cảnh quá tải và chặt chém". Với cách tính toán trên, du lịch "về quê" là sự lựa chọn của không ít người, bởi vừa tiết kiệm chi phí vừa giáo dục con cái hướng về nguồn cội.
Theo đại diện các công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội, trong những năm gần đây, dịp nghỉ lễ dài ngày luôn là cơ hội làm ăn của các doanh nghiệp lữ hành. Nhưng năm nay thì khác, tốc độ bán tour chậm hơn. Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành HanoiTourist lý giải, với tình hình giá cả như hiện nay, mọi chi phí cấu thành tour đều tăng, từ phương tiện vận chuyển, ăn uống, đặt phòng khách sạn cho đến thù lao cho nhân viên, hướng dẫn viên, đội ngũ phục vụ... Giá tăng khiến sức mua giảm. Thậm chí, ngay cả những doanh nghiệp, cơ quan xí nghiệp cũng không tổ chức cho cán bộ công nhân viên đi du lịch nước ngoài như trước mà chỉ chọn các tour trong nước với chi phí thấp. Ông Lưu Đức Kế cũng nhận định, nhu cầu đi du lịch tự túc vẫn tăng cao vì phù hợp với thu nhập của số đông người dân. Những điểm gần Hà Nội như Hạ Long, Đồ Sơn, Cát Bà… sẽ quá tải trong kỳ nghỉ này.
Giảm lợi nhuận để giữ khách
Tự tổ chức du lịch có vẻ là phương thức tránh "bão giá" tốt nhất. Bên cạnh đó, không ít du khách cũng chọn đặt mua tour "free&easy" (du lịch tiện lợi) với mức giá chỉ bao gồm dịch vụ đi lại và ăn ở thay vì mua tour trọn gói.
Tuy nhiên, nhiều hãng lữ hành khuyến cáo, chọn hình thức du lịch tiện lợi thì du khách khó tránh khỏi rủi ro. Chẳng hạn, khi ra nước ngoài, du khách dễ lạc đường, gặp rắc rối với chính quyền sở tại hay phải chấp nhận trả mức phí cao do giá dịch vụ tăng bất ngờ… Còn chọn hình thức du lịch tiện lợi trong nước thì vấn đề đi lại trong mùa du lịch hè cũng đáng lo ngại. Tại nhiều địa bàn có các bãi biển, khu nghỉ dưỡng, do mạng lưới giao thông chưa được mở mang, nâng cấp nên thường xuyên xảy ra ùn tắc. Hơn thế nữa, không ít công ty du lịch "ma", làm ăn thời vụ thường "nhồi nhét" chở quá số lượng khách để thu lợi cao. Ðường xấu, xe chật, lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, tai nạn rất dễ xảy ra.
Tuy nhiên, với giá tour tăng từ 10% đến 50% như hiện tại, để thuyết phục khách hàng chuyển từ du lịch tiết kiệm sang lựa chọn tour truyền thống là điều không đơn giản. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông, Công ty Du lịch Vietravel nhấn mạnh, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách về visa, chính sách khuyến mãi, hay giúp doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng bằng việc thường xuyên tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến điểm đến… Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các hãng lữ hành, nhà hàng, khách sạn, hãng vận chuyển cần liên kết chặt chẽ với nhau để giảm giá, giữ giá, đồng thời chia sẻ thiệt hại nhằm "lấy lòng" du khách. Có như vậy, du lịch Việt Nam mới tăng trưởng và phát triển ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.