Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch Đà Nẵng khởi sắc và nỗi lo thiếu hụt nhân lực

Ngọc Anh| 04/09/2022 10:07

(HNMO) - Qua 3 ngày của dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, lượng du khách đổ về Đà Nẵng đông hơn năm trước, góp phần để ngành Du lịch tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, ngành Du lịch Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm để có thể phát triển bền vững.

Biểu diễn lân - sư - rồng tại Công viên châu Á ở Đà Nẵng là một trong những hoạt động thu hút nhiều du khách dịp 2-9.

Nhiều tín hiệu vui

Sáng 4-9, các thành viên gia đình chị Phạm Thanh Thủy (ở Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã tề tựu đủ ở sân bay Đà Nẵng để về nhà sau 3 ngày du lịch. Phấn khởi khoe những tấm ảnh đẹp chụp tại các điểm du lịch nổi tiếng, chị Thủy nói: “Gia đình tôi đã có những ngày nghỉ đáng nhớ. Dịch vụ tốt, người dân thân thiện, cảnh sắc đẹp…, chúng tôi sẽ còn quay lại nơi đây”.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, sơ bộ tính toán trong dịp nghỉ lễ 2-9 năm nay, thành phố đón được lượng khách tăng đến 39% so với cùng kỳ năm trước. Ngay từ ngày 1-9, nhiều khu nghỉ dưỡng và khách sạn 4 sao ven biển đã đạt 90% công suất phòng; các khách sạn trong nội đô cũng đạt đến 50% công suất phòng. Riêng bằng đường hàng không, từ ngày 1 đến 4-9, số chuyến bay đăng ký đi, đến sân bay Đà Nẵng là 531 chuyến, với khoảng 47.000 lượt khách nội địa và 13.300 lượt khách quốc tế.

Ngày càng nhiều du khách Ấn Độ đến Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Danang Resort, Chủ tịch Hội Khách sạn và là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, điểm mới của ngành Du lịch Đà Nẵng năm nay là việc ngày càng có nhiều du khách Ấn Độ đến thành phố. Ngay tại Furama, ngày nào cũng có khoảng 5 gia đình người Ấn Độ đến nghỉ dưỡng. Phần lớn du khách Ấn Độ bay thẳng đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh rồi đi xuyên Việt 10 ngày, dừng chân tại Đà Nẵng.

Hiện nhiều cơ sở nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng đã tuyển đầu bếp Ấn Độ; ký kết hợp tác với các hãng lữ hành lớn của Ấn Độ để đón được ngày càng nhiều du khách từ thị trường đầy tiềm năng này. Cùng với đó, cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đang xúc tiến tổ chức đường bay thẳng từ Ấn Độ đến đây.

Với những nỗ lực quảng bá nhiều, rộng và liên tục trong 8 tháng của năm 2022, ngành Du lịch Đà Nẵng đã ghi nhận những bước phát triển nhanh và mạnh so với quãng thời gian khó khăn do dịch Covid-19.

8 tháng của năm nay, doanh thu du lịch, lữ hành Đà Nẵng tăng gần 484% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tính chung 8 tháng năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 11.859 tỷ đồng, tăng 56,1% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 8 năm 2022 ước đạt 491,7 nghìn lượt, tăng gấp 26,6 lần cùng kỳ năm 2021. Tính chung 8 tháng năm 2022, doanh thu lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 1.215 tỷ đồng, tăng 483,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Khắc phục điểm yếu thiếu nhân lực

Để đạt được mục tiêu trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 và hàng đầu châu Á vào năm 2050, Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm. Một trong những khó khăn là sự thiếu hụt nhân lực ngành Du lịch.

Theo Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, tính đến đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, tổng nhân lực trong ngành của thành phố chỉ còn khoảng 20.000 người, giảm tới hơn 30.000 người so với trước dịch. Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình thông tin: “Dự báo đến năm 2025, thành phố sẽ đón hơn 8 triệu lượt khách, và nguồn nhân lực cần có là 75.000 lao động. Đây là việc không dễ”.

Đà Nẵng đang rất thiếu nhân lực ngành du lịch, sau khi hơn 35.000 người đã nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Khó khăn hơn nữa là việc thiếu hụt nhân lực chất lượng cao về các chuyên ngành lễ tân, hướng dẫn viên; đào tạo sales-marketing trực tiếp, trực tuyến và quản lý khách sạn… Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhận định: “Việc thiếu nhân sự chất lượng cao khiến các khách sạn 4 sao trở lên đang gặp khó khăn khi tiếp đón những đoàn khách cao cấp”.

Nhằm sớm khắc phục điểm yếu này, Sở Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất với UBND thành phố có chính sách hỗ trợ đơn vị du lịch trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp cùng các đơn vị đưa ra các chủ trương, chính sách nhằm thu hút và giữ chân nguồn nhân lực có trình độ làm việc lâu dài tại đơn vị.

Ông Gentzsch André, Tổng Giám đốc điều hành quần thể du lịch Ariyana Đà Nẵng nhận định: "Thật khó để thuyết phục một lao động trẻ bỏ ra 1 đến 2 năm với mức lương thấp để vừa làm vừa học việc, trong khi bạn bè của họ nhận lương tốt hơn với công việc khác. Điều này cần phải thay đổi, nếu không sẽ rất khó thu hút lao động cho ngành khách sạn".

Ngành Du lịch Đà Nẵng liên kết đào tạo nhân lực, phục vụ chiến lược phát triển đến năm 2025.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo ngoại ngữ cũng như các hội nghề nghiệp, hướng dẫn viên để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

"Chúng tôi sẽ triển khai các đợt tuyển dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, định hướng nghề, kịp thời cung ứng cho các cơ sở sở dịch vụ. Ngoài ra, cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch cũng sẽ chú trọng thu hút từ các nguồn lao động chất lượng cao trong và ngoài nước, nhằm đảm bảo thương hiệu cũng như chất lượng dịch vụ của điểm đến Đà Nẵng", bà Hạnh nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Đà Nẵng khởi sắc và nỗi lo thiếu hụt nhân lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.