(HNMO) - Được mệnh danh là “thủ phủ của miền Tây”, nhiều năm nay, Cần Thơ trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách. Tuy nhiên, hạn chế lớn để du lịch Cần Thơ nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung là vẫn thiếu sự liên kết chặt chẽ với các vùng du lịch khác trong cả nước. Đó là lý do mà thành phố Cần Thơ thực hiện xúc tiến quảng bá du lịch tại Hà Nội – một trong những trung tâm du lịch lớn và là “vựa khách” lớn nhất cả nước.
Cần Thơ, đô thị miền sông nước sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sông nước, du lịch sinh thái và văn hóa. Bên cạnh đó, Cần Thơ còn được biết đến với nhiều khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, resort cao cấp gồm Resort Azerai, Resort Cồn Khương, Cần Thơ Eco resort...
Tại Hội nghị xúc tiến du lịch Cần Thơ – Hà Nội chiều 20-10, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, 9 tháng năm 2022, ngành Du lịch thành phố đón trên 4,3 triệu lượt khách đến tham quan, tăng 111% so với cùng kỳ; doanh thu đạt gần 3.100 tỷ đồng.
“Mục tiêu đến năm 2025, ngành Du lịch thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, sức cạnh trạnh cao; điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của thành phố, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển mạnh; đẩy mạnh phát triển du lịch theo chiều sâu, chất lượng cao”, ông Nguyễn Thực Hiện cho biết.
Sau dịch Covid-19, du lịch đang từng bước phục hồi nhưng cũng đặt ra cho các tỉnh, thành phố nhiều thách thức mới khi xu hướng, nhu cầu du lịch của khách nội địa đã thay đổi, lượng khách quốc tế chưa đạt được như mục tiêu kỳ vọng. Vấn đề lớn đặt ra cho các địa phương là xây dựng sản phẩm mới, tăng tính liên kết chặt chẽ hơn nữa để mang lại hiệu quả mới trong thu hút du khách, đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch, từ đó có chiến lược phát triển sau dịch Covid-19.
Tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Cần Thơ tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, để sự liên kết này chặt chẽ và đem lại hiệu quả cao hơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, Sở Du lịch Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa về hợp tác phát triển du lịch hai địa phương, bảo đảm duy trì môi trường du lịch lành mạnh và các sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn. Hằng năm, hai đơn vị nên phối hợp tổ chức từ 1-2 chương trình, sự kiện du lịch chung; tăng cường hợp tác tuyên truyền, quảng bá tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của mỗi địa phương.
"Đặc biệt, hai địa phương phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc; phối hợp tổ chức cho các doanh nghiệp du lịch khảo sát phát triển kết nối tuyến Hà Nội - Cần Thơ; Cần Thơ - Hà Nội và các địa phương lân cận", đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho rằng, địa phương, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các điểm đến. Bên cạnh sản phẩm du lịch truyền thống, còn cần phát huy các sản phẩm du lịch mới theo xu hướng thị trường như du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, du lịch golf...
Hiện nay, sản phẩm du lịch đặc trưng của Cần Thơ là loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, với các tour tham quan chợ nổi Cái Răng, các khu du lịch ở khu vực Phong Điền, tour thưởng thức trái cây, tour ngắm cảnh mặt trời… Đây là những tour truyền thống quen thuộc của Cần Thơ nhưng cũng cần được nâng cấp, làm mới. Ngoài ra, với vùng đất giàu tài nguyên, ẩm thực, cuộc sống bình dị vùng sông nước, Cần Thơ có thể xây dựng thêm nhiều sản phẩm về đêm, sản phẩm mua sắm hấp dẫn, mới lạ hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.