Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch Ba Vì: Đổi mới để hút khách

Minh Ngọc| 20/02/2016 08:16

(HNM) - Với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng, huyện Ba Vì (Hà Nội) có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Những năm gần đây, huyện đã chú trọng đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Khu sinh thái hồ Tiên Sa (huyện Ba Vì).Ảnh: Vũ Quang Ngọc


Trước lễ khai hội Tản viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì năm 2016 (diễn ra ngày 21-2), phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến về công tác phát triển du lịch của huyện trong những năm tiếp theo.

- Thưa ông, Ba Vì có những lợi thế nào để phát triển du lịch?

- Cách trung tâm Hà Nội 60km về phía tây, Ba Vì là vùng đất địa linh nhân kiệt, địa danh gắn liền với truyền thuyết huyền thoại "Sơn Tinh, Thủy Tinh". Nơi đây có hàng trăm di tích, trong đó di tích đình Tây Đằng, Thụy Phiêu, Thanh Lũng… được các nhà nghiên cứu xếp vào loại đình cổ nhất, kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam; đồng thời có 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao cùng sinh sống, tạo nên nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo.

Ngoài ra, Ba Vì còn được thiên nhiên ban tặng cho một vẻ đẹp hoang sơ, có núi, rừng, sông, suối với những địa danh quen thuộc như: Suối Hai, Ao Vua, Khoang Xanh, Đầm Long, Vườn Quốc gia Ba Vì… Đặc biệt, quần thể di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ trên núi Ba Vì từ lâu đã là điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn của du khách. Như vậy, Ba Vì hội đủ các yếu tố cần thiết để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh…

- Thời gian qua, du lịch Ba Vì đã được đầu tư, khai thác ra sao?

- Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Khu du lịch Ba Vì - Suối Hai được xác định là địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Hiện nay, các ngành đang nghiên cứu, lập quy hoạch. Đề án phát triển du lịch cộng đồng ở xã Ba Vì, Ba Trại và Vân Hòa đã được nghiên cứu, khảo sát và nghiệm thu để thực hiện.

Nhận thức rõ tiềm năng du lịch, từ năm 2011, Huyện ủy Ba Vì đã ban hành Nghị quyết 09 về "Phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo", UBND huyện đã xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch. Thời gian qua, huyện đã tăng cường công tác đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, trong đó đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng tuyến đường 415 đi Đền Hạ, Đền Trung, chuẩn bị nâng cấp tuyến đường từ đường 97 đi vào Ao Vua, đường từ Vườn Quốc gia Ba Vì đến Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà; tu bổ, tôn tạo Cụm di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ - nơi thờ Thánh Tản Viên (Sơn Tinh) và nhiều công trình di tích khác.

Nhiều hoạt động hấp dẫn tại lễ hội Tản Viên Sơn Thánh

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (còn gọi là lễ hội Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ) nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Thánh Tản Viên (Sơn Tinh) do UBND huyện Ba Vì tổ chức sẽ diễn ra tại di tích Đền Hạ (xã Minh Quang) vào sáng 21-2 (14 tháng Giêng).

Lễ hội sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ dâng hương tại di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ; lễ tế Thánh từ Đền Hạ lên Đền Trung cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian đặc sắc vùng núi Tản, Sông Đà. Cùng với lễ khai hội, huyện Ba Vì sẽ khai trương du lịch Ba Vì năm 2016 và phát động Tết trồng cây Xuân Bính Thân.


Nhờ đó, du lịch Ba Vì tăng trưởng khá ổn định. Từ năm 2011 đến nay, Ba Vì thu hút gần 11,5 triệu lượt khách tham quan (tăng bình quân 3,6%/năm); doanh thu từ du lịch đạt 986 tỷ đồng (tăng trung bình 11,2%/năm). Những điểm du lịch tạo dựng được thương hiệu, hoạt động ổn định, hiệu quả là Ao Vua, Khoang Xanh, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà, Đầm Long, Vườn Quốc gia Ba Vì…

Du lịch phát triển đã góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hợp lý. Mặc dù vậy, du lịch Ba Vì vẫn còn những hạn chế nhất định. Hầu hết các điểm du lịch nhỏ bé, phân tán; sản phẩm du lịch chưa đa dạng; sự liên kết giữa các cơ sở du lịch trong vùng chưa chặt chẽ; quảng bá du lịch chưa sâu; nguồn lực đầu tư còn thấp; công tác quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn chậm. Dự án xây dựng sân golf, resort và vui chơi giải trí cao cấp hồ Cẩm Quỳ đã được chấp thuận đầu tư đến nay vẫn chưa được khai thác; hệ thống di tích, lễ hội chưa được khai thác đúng mức dẫn đến sự lãng phí tiềm năng du lịch.

- Để có thể đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện sẽ thực hiện những giải pháp nào?

- Chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng tiếp tục đầu tư nâng cấp các sản phẩm du lịch, những điểm du lịch hiện có; kêu gọi đầu tư phát triển các dự án lớn, hình thành hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí ở khu vực sườn tây núi Ba Vì, hồ Suối Hai, khu nước khoáng nóng Thuần Mỹ. Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch mang tính chuyên nghiệp; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, các khu du lịch nhằm xây dựng tuyến du lịch phong phú, đa dạng.

Với sản phẩm du lịch là hệ thống di tích, lễ hội, bản sắc văn hóa các dân tộc, chúng tôi tiếp tục kêu gọi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để có thể huy động các nguồn lực xã hội thực hiện việc tu bổ, bảo tồn, chống xuống cấp di tích; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống… Chúng tôi cố gắng để các loại hình du lịch phát triển theo hướng bền vững, bổ sung, hỗ trợ cho nhau chứ không mâu thuẫn với nhau. Việc phát triển du lịch cũng không nằm ngoài mục đích bảo tồn, lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững của địa phương.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Ba Vì: Đổi mới để hút khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.