Sáng 27/9, tiếp tục Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Tờ trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành Phiên họp.
Tại phiên họp này, UBTVQH thống nhất sự cần thiết ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông; đồng thời nhất trí về các nội dung mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa; chương trình giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp THCS) là 9 năm và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT) là 3 năm; định hướng dạy học tích hợp và phân hóa…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại phiên họp UBTVQH sáng 27/9. Ảnh: VA |
Theo Tờ trình của Chính phủ, Chương trình, sách giáo khoa hiện hành cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu về đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 40; đã kế thừa và phát huy được những ưu điểm của các chương trình trước, phù hợp xu hướng quốc tế; đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn vừa qua; sách giáo khoa đã bám sát mục tiêu, cụ thể hoá được các yêu cầu của chương trình giáo dục.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ và khoa học giáo dục; trước những đòi hỏi hội nhập quốc tế, chương trình và sách giáo khoa hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong đó, bất cập nhất là chưa đáp ứng yêu cầu mới về phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; chưa chú trọng yêu cầu về vận dụng kiến thức, rèn luyện tư duy độc lập, khả năng phản biện, thói quen tự học, các kỹ năng thực hành, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm, năng lực ngoại ngữ và tin học của học sinh…
Mặt khác, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: Phải chuyển đổi căn bản toàn bộ nền giáo dục từ chủ yếu nhằm trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, biết vận dụng tri thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; chuyển nền giáo dục nặng về chữ nghĩa, ứng thí sang một nền giáo dục thực học, thực nghiệp. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa với những đổi mới căn bản, toàn diện về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và quản lý, thực hiện chương trình.
Cũng theo Tờ trình, việc biên soạn sách giáo khoa mới được thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác.
Dự kiến, tổng kinh phí dự kiến 462 tỷ đồng. Kinh phí này dùng để thực hiện các nhiệm vụ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa (bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa). Bên cạnh đó, kinh phí này cũng để xây dựng, thẩm định chương trình; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; thẩm định sách giáo khoa.
Bộ Giaos dục và Đào tạo dự kiến sẽ có 4 bộ sách giáo khoa, bao gồm của Bộ và của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, 462 tỷ đồng này chưa bao gồm kinh phí đào tạo lại đội ngũ giáo viên cũng như hỗ trợ địa phương để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Bộ GD&ĐT cho biết cần thêm 316,8 tỷ đồng để biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương, ghi hình bài giảng phát trên mạng; hỗ trợ tập huấn cho giáo viên ở vùng khó khăn..
Như vậy, tổng cộng kinh phí để triển khai đề án chương trình, sách giáo khoa mới là là 778,8 tỷ đồng. Trong đó, 504,4 tỷ đồng là ngân sách Trung ương; 274,4 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và thiếu nhi đề nghị cân nhắc dành thời gian thích đáng cho việc thực nghiệm chương trình mới. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này bao gồm nhiều nội dung, phương thức tổ chức giáo dục mới, cần thực nghiệm nghiêm túc, cẩn trọng trên quy mô nhỏ trước khi áp dụng đại trà để tránh rủi ro. Những đổi mới trong khuôn khổ một lớp có thể thực nghiệm đồng thời theo lớp, nhưng những đổi mới có tính chất xuyên cấp học thì phải thực nghiệm theo hình thức cuốn chiếu lần lượt từ lớp dưới lên lớp trên.
Bên cạnh đó, cần tổ chức đánh giá tình trạng về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục để xác định kế hoạch triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới cụ thể cho từng cơ sở giáo dục; nhà nước quy định những điều kiện tối thiểu để thực hiện nội dung, yêu cầu bắt buộc của chương trình giáo dục mới và ưu tiên tập trung sớm tăng cường năng lực đối với những cơ sở giáo dục gặp khó khăn.
Việc triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa mới cũng cần cân nhắc hợp lý. Đối với cấp tiểu học có thể thực hiện đồng thời ở tất cả các lớp, nhưng đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì cần theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.