(HNM) - Sau khi Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu người dân và du khách đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi có đông người, nhiều du khách nước ngoài đã thể hiện ý thức hợp tác, chủ động thực hiện việc đeo khẩu trang. Cùng với đó, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm sự an toàn cho các điểm đến du lịch của Thủ đô.
Khách du lịch tự giác đeo khẩu trang
Theo Sở Du lịch Hà Nội, kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam, người dân và du khách luôn được khuyến cáo đeo khẩu trang tại nơi công cộng để tránh nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng du khách không đeo khẩu trang khi tham quan vì nhiều lý do. Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đeo khẩu trang tại nơi công cộng từ ngày 16-3, việc này đã được người dân và du khách thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm. Nhiều du khách quốc tế đã tôn trọng yêu cầu này, chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang khi tới Hà Nội.
Qua quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, nơi thu hút đông khách du lịch quốc tế, nay đã thưa vắng hơn. Phần lớn du khách đến đây đều thể hiện rõ ý thức phòng, chống dịch Covid-19. Gia đình chị Claude Macron đến từ Hà Lan gồm 4 thành viên khi dạo bước trên phố Đinh Tiên Hoàng đã tuân thủ nghiêm túc việc đeo khẩu trang. "Bốn ngày lưu trú ở Hà Nội, các thành viên trong gia đình tôi đều đeo khẩu trang khi ra đường. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đeo khẩu trang khi đi du lịch. Song, chúng tôi hiểu rằng tình hình đã khác và đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên là những biện pháp hiệu quả để phòng dịch”, chị Claude Macron chia sẻ.
Còn theo anh David Bowie, đến từ Canada, việc đeo khẩu trang khiến anh cảm thấy yên tâm hơn khi ra đường. “Ngay khi đến Việt Nam, tôi được nhắc nhở phải đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và người xung quanh. Khi đến khách sạn, tôi được phát khẩu trang và hướng dẫn cách dùng. Các bạn đang làm tốt việc phòng dịch và tôi thấy mình cần phải thực hiện theo hướng dẫn của nước sở tại” anh David Bowie vui vẻ nói.
Có kế hoạch lưu trú tại Hà Nội đến hết ngày 27-3, anh Antony Gormley (người Thụy Sĩ) tự khám phá khu vực phố cổ, khi nhiều di tích của Hà Nội đang tạm đóng cửa. Trong quá trình di chuyển, anh luôn đeo khẩu trang. “Với diễn biến dịch Covid-19 như hiện nay, tôi thấy an toàn hơn khi đeo khẩu trang trong lúc đi du lịch. Đây là việc cần làm để bảo vệ sức khỏe của chính mình và mọi người”, anh Antony Gormley cho biết.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Sở Du lịch Hà Nội thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Các đơn vị đã tăng cường vận động, hướng dẫn du khách đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế, lập danh sách các trường hợp khách đến từ vùng dịch để có biện pháp theo dõi phù hợp. Đến nay, việc du khách đeo khẩu trang tại Hà Nội đã trở thành hình ảnh quen thuộc.
Tăng cường hướng dẫn, vận động du khách tham gia phòng dịch
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và các biện pháp phòng dịch quyết liệt của Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng giảm mạnh. Từ đầu tháng 3 đến nay, lượng khách du lịch quốc tế đến Thủ đô là hơn 87.000 lượt, trong đó, số khách có lưu trú giảm 74,5% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, mặc dù số lượng khách giảm, song để bảo đảm khách đang lưu trú được phục vụ chu đáo, Sở đã yêu cầu các đơn vị, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch ứng xử văn minh, thân thiện với du khách; thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cũng như hướng dẫn du khách cách phòng dịch để hạn chế lây lan dịch Covid-19 qua con đường du lịch.
Hơn hai tháng nay, mặc dù lượng khách sụt giảm nhưng các cơ sở lưu trú vẫn luôn nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Nhân viên lễ tân, phục vụ bắt buộc đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh buồng, phòng. Ông Nguyễn Hồ Anh, chủ khách sạn Tirant (phố Gia Ngư) cho hay, do nhiều du khách nước ngoài không quen với việc sử dụng khẩu trang, nên nhân viên khách sạn thường xuyên phải vận động, thuyết phục. Sau đó, họ nhận thấy, đây là thời điểm cần phải thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, đã hợp tác.
Còn anh Nguyễn Hoài Nam, chủ quán ăn Hẻm (Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng) cho biết, cơ sở này yêu cầu nhân viên tăng cường vệ sinh, lau bàn ghế nhiều lần bằng cồn; đặt dung dịch sát khuẩn ở nhiều vị trí trong quán để khách sử dụng.
“Trước kia, nhiều khách nước ngoài không đeo khẩu trang vào quán khiến cho không ít khách khác lo lắng. Chúng tôi đã yêu cầu nhân viên nhắc, thuyết phục khách nên dùng khẩu trang. Hiện nay, khách quốc tế vào quán ít hơn, nhưng cơ bản đã tự giác đeo khẩu trang”, anh Nam cho biết.
Hiện tại, tại một số điểm du lịch của Hà Nội, như: Làng cổ Đường Lâm, làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc…, du khách vẫn có thể tham quan, khám phá. Theo Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, dù chỉ khoảng 10% số cơ sở kinh doanh hoạt động, nhưng những cơ sở này đều thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch, như: Cung cấp khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay cho du khách. “Nhân viên tại các cơ sở kinh doanh đều phải đeo khẩu trang khi phục vụ khách. Những khách không đeo khẩu trang sẽ được nhân viên góp ý, thuyết phục và phát khẩu trang miễn phí. Chúng tôi luôn thân thiện, nhưng cũng kiên quyết vận động, thuyết phục du khách tham gia phòng dịch”, ông Phạm Huy Khôi nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, bên cạnh những biện pháp bắt buộc như yêu cầu du khách khai báo y tế; thực hiện vệ sinh, phun khử khuẩn; đo thân nhiệt cho du khách…, thì các đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn du khách nghiêm túc đeo khẩu trang khi tham quan, đến nơi đông người. “Tất cả các giải pháp này cần phải được thực hiện đồng bộ, thì mới mang lại hiệu quả cao, góp phần xây dựng hình ảnh Hà Nội - điểm đến an toàn, gây dựng lòng tin và tình cảm của du khách đối với Thủ đô trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai”, ông Trần Đức Hải nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.