Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du học tự túc: Nhận diện cơ hội và rủi ro

Doãn Hải| 02/08/2010 11:45

(HNMO) - Đến nay, Bộ GD&ĐT chưa đưa ra được số liệu chính xác về lượng học sinh, sinh viên Việt Nam đang du học tự túc ở nước ngoài, nhưng ước tính có khoảng 40.000 người. Nếu mỗi học sinh, sinh viên này chi chừng 10.000 USD/năm thì số ngoại tệ của đất nước chảy ra ngoài hàng năm đã là 400 triệu USD..


Những cơ hội

Du học tự túc đã mở ra nhiều cơ hội để các bạn trẻ có thể được đi học tại các nước phát triển, nơi có nhiều trường đại học với chất lượng đào tạo cao, điều kiện sống và học tập tốt. Du học sinh có thể học hỏi những kiến thức hiện đại thường xuyên được cập nhật và đạt chuẩn quốc tế. Trong môi trường giao lưu quốc tế đa văn hóa, nơi luôn luôn đề cao nguyên tắc giáo dục “học đi đôi với làm”, các em còn được rèn luyện rất nhiều về kỹ năng làm việc và kỹ năng sống, như vậy cũng đồng nghĩa với một việc làm tốt và một thu nhập đầy hứa hẹn cho tương lai.

Những hiểu biết về văn hóa chung và phong cách sống của các em cũng có điều kiện phát triển theo các chuẩn mực của một xã hội kinh tế tri thức hiện đại. Những nét đặc trưng của văn hóa cá nhân vốn thường mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và giáo dục gia đình như giao tiếp, hay những nhu cầu về thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật... cũng thay đổi và phong phú thêm khi các em sống trong một môi trường khác biệt văn hóa.

Ngoài những điều trên, còn một lý do rất quan trọng và đôi khi là lý do chính yếu để rất nhiều gia đình chấp nhận cho con em đi du học tự túc - Đó là du học tự túc như cánh cửa duy nhất mở ra lối thoát nhằm thỏa mãn nguyện vọng cháy bỏng của nhiều cha mẹ lẫn học sinh là vẫn được học đại học (lại là đại học nước ngoài) sau khi đã trượt đại học ở trong nước và chối từ việc học ở những trường đại học dân lập với chất lượng khá "lệch" so với trường công lập.

Nhưng ngoài số ít gia đình "lắm tiền nhiều của", hầu hết các gia đình đã phải vất vả chạy vạy ngược xuôi mới thu xếp đủ tiền cho con lên đường. Câu hỏi “đi hay không” đã, đang và sẽ còn làm đau đầu nhiều bậc làm cha mẹ trong những đêm mất ngủ. Thương con cũng có mà những toan tính cho tương lai của con và cả gia đình cũng có. Thực tế cho thấy, không hiếm cảnh khi các chàng trai cô gái được sống và học tập trong những môi trường tuyệt vời thì ở nhà cha mẹ họ đã và đang phải thế chấp nhà cửa, vay tiền và sống đạm bạc để chắt bóp cho con từng đồng. Âu cũng là “nước mắt chảy xuôi”, cũng là đạo lý và tinh thần hiếu học của dân tộc ta: khổ mấy thì khổ nhưng cũng phải lo cho con được học hành đến nơi đến chốn. Tất nhiên, chẳng phải chỉ có gia đình, mà đất nước cũng thật may mắn nếu có nhiều học sinh được đi du học, tiếp thu những tinh hoa của thế giới để khi quay trở về nước, các em sẽ thành đạt trong sự nghiệp và cuộc sống, làm vẻ vang gia đình, có những cống hiến tốt hơn cho xã hội.

... và những rủi ro

Nếu giấc mơ "công thành danh toại" của các bạn trẻ được thực hiện, tưởng không còn gì có thể đền đáp xứng đáng hơn cho những vất vả lo toan và đầu tư to lớn, cũng là những hy sinh cả về vật chất lẫn tinh thần của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, những con đường “muôn phương du học tự túc” đôi khi chẳng khác mấy con đường Tây du ký của thầy trò Đường Tăng: Không chỉ núi cao, vực sâu, mà còn biết bao lừa gạt lẫn cám dỗ. Nếu thầy trò Đường Tăng có lúc đã sung sướng tột cùng vì lấy được kinh, nhưng rồi hốt hoảng rụng rời vì đó chỉ là kinh “rởm” thì đã có thật giữa thế kỷ 21 hiện đại này, đã có du học sinh Việt Nam học phải trường “rởm” ở nước ngoài và nhận cả bằng “rởm”! Ấy là chưa kể có những cô cậu sang đó, thoát khỏi sự "kiểm soát" của bố mẹ là lập tức "rơi" ngay vào vùng tối của lối sống tự do để rồi gánh chịu nhiều hậu quả.


Nhưng sự đời cũng lắm éo le khi những rủi ro trên đường du học có thể xảy ra ngay trên quê hương mình, khi các sĩ tử chuẩn bị thủ tục xuất ngoại. Trừ số ít gia đình và học sinh có thể tự lo liệu mọi chuyện, hầu hết đều phải nhờ qua các trung tâm tư vấn du học. Dịch vụ này chắc phải tìm được nhiều "cầu" lắm cho nên chỉ riêng Hà Nội hiện đã có tới trên 120 cơ sở đăng ký hoạt động tư vấn du học. Và hoạt động này không tránh khỏi nảy sinh tiêu cực. Có nơi tuyên bố nhận đảm bảo lấy được visa 100% và thu rất nhiều tiền cho dịnh vụ này, trong khi ngay chính các sứ quán hoặc lãnh sự quán đều khẳng định rằng không bao giờ có thể dám chắc hồ sơ nào có thể xin được visa hay không. Có tổ chức tư vấn du học đã có những hành động lừa đảo như: yêu cầu chứng minh tài chính bằng cách nộp tiền rồi tìm cách chiếm đoạt số tiền đó, hoặc nhận tiền để làm giả văn bằng, giấy tờ (kể cả sổ tiết kiệm). Có nơi đã tư vấn với học sinh và gia đình về một trường, nhưng lại đưa học sinh tới một trường khác, không theo đúng cam kết ban đầu. Nhiều nơi không tư vấn đầy đủ về tâm lý và những khác biệt văn hoá cho học sinh khiến các em bị “sốc” khi rơi vào môi trường sống và học tập quá xa lạ, cá biệt có em bị stress nặng phải quay về... Nhưng việc làm thiếu trách nhiệm hay xảy ra nhất là các trung tâm tư vấn giới thiệu về các cơ sở giáo dục ở nước ngoài nhưng không thể chứng minh một cách đầy đủ về tính pháp lý và chất lượng đào tạo của các cơ sở đó.

Tìm hiểu kỹ trước khi quyết định!


Lời khuyên này không mới nhưng chắc chắn không bao giờ thừa. Để có thể hạn chế những rủi ro không đáng có, cha mẹ học sinh cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chon một cơ sở tư vấn du học đáng tin cậy để gửi gắm tương lai của con em mình (và cả tiền bạc, tài sản của gia đình), chỉ nên làm hợp đồng dịch vụ với những tổ chức tư vấn du học đã được cấp phép hoạt động của Sở Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, khi làm việc với bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào nhận làm dịch vụ tư vấn, cha mẹ học sinh nên kiểm tra xem họ có đủ tư cách pháp nhân hay không.

Đồng thời, các gia đình nên tìm kiếm và kiểm tra thông tin về cơ sở giáo dục ở nước ngoài mà con em mình sẽ theo học từ nhiều nguồn khác nhau (trang mạng của trường, những người đã theo học, đại sứ quán...) để chắc chắn về tính pháp lý của tổ chức, tính pháp lý của chương trình đào tạo, tính pháp lý của bằng cấp mà con em mình sẽ được nhận sau khi hoàn thành việc học tập. Hay nói cách khác, cần biết rõ cơ sở giáo dục đó đã được kiểm định chất lượng bởi một tổ chức có thẩm quyền hợp pháp của nước sở tại hay quốc tế chưa. Ở đây, rất nên quan tâm đến ý kiến của Tiến sĩ Mark A.Ashwill - nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục quốc tế tại VN (IIE), hiện là Giám đốc điều hành của Công ty phát triển nguồn nhân lực Capstone Việt Nam: “Trên website các trường có chất lượng sẽ ghi rõ trường đó được công nhận bởi cơ quan thẩm định giáo dục nào”. Tuy vậy, cũng không nên quá tin vào những thông tin quảng cáo trên mạng, vì tất cả những cơ sở pháp lý của một cơ sở đào tạo chỉ thực sự có giá trị khi được thể hiện trên các văn bản giấy tờ hợp pháp, và nếu là văn bản của nước ngoài thì phải được công chứng ngoại giao (hợp pháp hóa lãnh sự).

Cũng đừng vội tin ai đảm bảo sẽ xin được visa 100%. Đừng vì bằng mọi giá để đi du học (hoặc thậm chí là kiếm đường để ra nước ngoài) mà đồng loã hoặc tiếp tay cho những kẻ xấu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, để rồi biến chính mình thành nạn nhân của những trò lừa đảo.

Bên cạnh việc các gia đình nâng cao nhận thức và hiểu biết để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình, cũng rất cần có sự tăng cường quản lý và hỗ trợ của các cơ quan chức năng nhà nước đối với hoạt động du học tự túc, kể cả việc các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng góp phần cung cấp thông tin về cơ sở giáo dục của các nước. Như vậy, chắc chắn sẽ bớt đi những rủi ro cho học sinh, sinh viên của chúng ta và nâng cao được hiệu quả của hoạt động du học tự túc. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du học tự túc: Nhận diện cơ hội và rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.