(HNM) - Đã có nhiều lớp người Hà Nội chuyển vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh và coi miền đất mới này như quê hương thứ hai của mình. Và có một khu dân cư tập trung khá đông người Hà Nội, điều đáng nói là dù đã gắn bó nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, với mảnh đất phương Nam này, song cư dân ở khu phố này vẫn giữ được những nếp sống rất riêng của người Hà Nội.
"Khu dân cư Hà Nội"
Khu dân cư K300 thuộc Khu phố 4, phường 12 (quận Tân Bình) thường được nhiều người dân TP gọi là "Khu dân cư Hà Nội". Có lẽ họ gọi như vậy là bởi ở đây có đến gần 80% dân cư là người miền Bắc, trong số đó người Hà Nội gốc, hoặc người đã có thời gian dài sinh sống và làm việc ở Hà Nội, chiếm đa số. Ngược thời gian cách đây hơn 20 năm, khu vực này chỉ toàn là đồng ruộng, ao đầm liền kề vành đai phi trường Tân Sơn Nhất. "Vật đổi sao dời", bây giờ nơi này đã trở thành khu dân cư mới với những ngôi nhà cao tầng san sát nối tiếp nhau.
Khu phố Hà Nội tại quận Tân Bình. |
Song, có đi mới thấy, hẳn là xuất phát điểm của cái tên gọi "Khu dân cư Hà Nội" không chỉ vì nơi đây tập trung nhiều người Hà Nội, mà còn bởi phần lớn người dân ở đây đều mang một phong cách sống của người Hà Nội, rất riêng, không lẫn đi đâu được. Điều đầu tiên cảm nhận được khi đến đây là giữa cái ồn ào, náo nhiệt của "Hòn ngọc Viễn Đông" thì khu dân cư K300 lại khá yên tĩnh, thanh bình. Nếu như ở các tuyến đường khác người dân phải sống chung với tiếng gầm rú của xe máy, tiếng nhạc ầm ĩ của những quán cà phê, nhạc trẻ, không khí ồn ào của những quán nhậu, hoặc "đỏ mắt" với vô số quán cà phê đèn mờ, gội đầu thư giãn… thì ở khu dân cư K300 chỉ lác đác vài quán cơm văn phòng, mấy quán quà vặt mang những cái tên gợi nhớ về vùng đất chủ nhân của nó đã từng sinh ra, lớn lên hoặc chí ít cũng đã sống, làm việc, gắn bó nhiều năm, như phở Hà Nội, cà phê Hà Nội…
Vào mỗi buổi sáng sớm, ở những tuyến đường nội bộ trong khu dân cư - vốn yên tĩnh và sạch sẽ đến lạ thường - hình ảnh những cụ ông, cụ bà trong trang phục màu trắng, tay cầm những chiếc quạt đỏ thắm, thực hiện những động tác Thái cực quyền dưỡng sinh một cách nhẹ nhàng trong tiếng nhạc êm dịu đã trở thành thân thuộc. Nhìn các cụ khoan thai tập luyện, nhiều người sẽ có cảm giác như đang có mặt ở Công viên Thống Nhất, Công viên Đống Đa, hay bên Hồ Gươm, Hồ Tây… Ông Phan Văn Nga, Trưởng khu phố K300, phường 12, quận Tân Bình, cho biết: Bà con ở khu phố này xa Hà Nội, người nhiều đã ngót 40 năm, người ít cũng gần 10 năm, nhưng hầu như vẫn giữ được nét văn hóa của người Hà thành. Ban đầu chỉ lác đác vài hộ, nhưng dần dần nhiều người biết đã rủ nhau đến mua nhà sinh sống rồi hình thành khu dân cư chủ yếu là người Hà Nội. Mỗi khi gặp nhau, mọi người hay dừng lại để chào hỏi, hàn huyên, bàn luận về một vấn đề nào đó, có thể là kể cho nhau nghe chuyện gia đình mình.
Nét văn hóa khó phai
Mặc dù khu dân cư K300 được coi là mới hình thành, nhưng pha trong nét hiện đại của những nếp nhà nơi đây là lối thiết kế vẫn thấp thoáng phong cách trầm lắng, kín đáo của người Hà Nội. Nhà có thể rộng, nhiều tầng nhưng nhìn bề ngoài rất đơn giản, ít họa tiết và kiệm màu sắc, đặc biệt là gam màu mạnh. Gia đình ông Nguyễn Văn Hưng vốn người phố Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chuyển vào TP Hồ Chí Minh đã 27 năm. Mặt tiền ngôi nhà trang trí giản dị, phía trước trồng một giàn hoa giấy rợp bóng mát trên khoảng sân lát gạch đỏ au. Chủ nhà vẫn giữ giọng nói, cốt cách và phong thái người Hà Nội. Vừa rót trà mời khách, ông Hưng vừa kể: "Sống ở TP Hồ Chí Minh nhưng tôi vẫn thích ngôi nhà của mình có không gian như những ngôi nhà ở Hà Nội. Trong nhà bài trí đơn giản nhưng trang trọng, đặc biệt là gần gũi với thiên nhiên, có sự kết hợp hài hòa của bàn ghế gỗ, bộ tranh sơn mài tứ quý "tùng - cúc - trúc - mai", chiếc đôn bày bình cổ ở góc nhà…
Biết chúng tôi đến chơi, ông Phạm Văn Thành (78 tuổi) liền mặc áo sơ mi, quần tây chỉnh tề đón tiếp khách. Nhằm bữa cơm chiều nên cả gia đình đã tề tựu trong gian bếp, vừa là phòng ăn, đủ mặt ba thế hệ. Nếp sống của người Hà Nội dường như đã ăn sâu trong suy nghĩ và hành động của mọi thành viên trong gia đình. Lần lượt từng người con, cháu mời cơm cả nhà. Ai ăn xong trước đều phải xin phép trước khi rời bàn. Ông Thành nói: "Nhiều người cho rằng mời cơm vừa khách sáo, vừa mất thời gian, nhưng tôi nghĩ đó là nếp sinh hoạt ngấm sâu vào người dân miền Bắc, nhất là với người Hà Nội. Mời cơm là để nhắc nhở con cháu phải biết kính trên nhường dưới, gia đình có tôn ti trật tự. Cũng vì vậy, con cháu của chúng tôi sinh ra, lớn lên ở TP nhưng dù đi đâu, khi về nhà vẫn giữ được nét sinh hoạt đó".
Dù không có phố nào mang tên Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Lược… nhưng đi trên những con đường nội bộ ở khu dân cư K300, không ít người Hà Nội mới đến TP Hồ Chí Minh đều có chung cảm nhận như đang ở giữa lòng Hà Nội. Những ngôi nhà, giọng nói, nếp sinh hoạt của cư dân nơi đây mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người Hà Nội, và "góc nhỏ" này đã làm phong phú thêm cho nét văn hóa đa sắc ở thành phố mang tên Bác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.