Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án XD cầu Nhật Tân: Chậm tiến độ do vướng GPMB

Trọng Quang| 22/11/2010 07:41

(HNMO) - Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu là một trong những dự án trọng điểm của Bộ GTVT và Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ tháng 1/2006, nhưng cho tới nay việc GPMB vẫn gặp nhiều khó khăn khiến tiến độ của dự án bị ảnh hưởng đáng kể.

(HNMO) - Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu là một trong những dự án trọng điểm của Bộ GTVT và Thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ tháng 1/2006, nhưng cho tới nay việc giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn gặp nhiều khó khăn khiến tiến độ của dự án bị ảnh hưởng đáng kể

Cây cầu của các mục tiêu phát triển

Cầu Nhật Tân vượt sông Hồng nằm trên tuyến vành đai II, cách cầu Thăng Long khoảng 3,6 km về phía hạ lưu. Bờ Nam cầu Nhật Tân thuộc phường Phú Thượng (Tây Hồ) và bờ Bắc thuộc huyện Đông Anh - TP. Hà Nội. Tim tuyến phù hợp với quy hoạch tuyến vành đai II (đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt). Tuyến dự án bắt đầu từ điểm cách đê Hữu Hồng khoảng 800m tại khu vực Phú Thượng – Quận Tây Hồ, tiếp theo tuyến đường chạy song song và cách đường Lạc Long Quân khoảng 420m, xiên góc 45 độ với đường đê Hữu Hồng. Sau khi vượt sông Hồng bằng cầu Nhật Tân, tuyến dự án sẽ giao cắt Quốc lộ 5 kéo dài tại nút giao Vĩnh Ngọc rồi đi thẳng theo hướng Bắc, vượt qua sông Thiếp và kết thúc ở điểm giao với đường Nam Hồng tại Km 8+933,81.


Mô hình Cầu Nhật Tân qua hình ảnh 3D

Cầu Nhật Tân dài 3.755,0 m, rộng 33,2m bắc qua sông Hồng. Đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài 5.178,81 m, đưa tổng chiều dài của toàn Dự án cầu lên hơn 8,5 km. Việc XD cầu Nhật Tân có tầm quan trọng đặc biệt trong mạng lưới giao thông của Hà Nội, góp phần hoàn thiện đường vành đai II phía Bắc của Thủ đô, giảm áp lực giao thông cho các tuyến từ nội thành đến sân bay quốc tế Nội Bài và lên các tỉnh phía Bắc, phục vụ nhiều cho công tác vận tải xây dựng và phát triển các khu công nghiệp Bắc Thăng Long- Vân Trì, Đông Anh- Cổ Loa, Gia Lâm- Sài Đồng- Yên Viên… góp phần phát triển đô thị Hà Nội lên phía Bắc, giãn mật độ dân cư trong nội thành, tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và các mặt văn hoá, du lịch của Thủ đô.


Bình đồ tổng thể của dự án Cầu Nhật Tân

Từ ngày 15/3/2006 Bộ GTVT đã có quyết định đầu tư số 650/QĐ-GTVT xây dựng cầu Nhật Tân bằng vốn vay từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA (trước gọi là JBIC) cho công tác xây lắp, dịch vụ tư vấn (gồm cả dự phòng và trượt giá), vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương cho chi phí quản lý dự án, thuế, chi phí khác, và vốn đối ứng từ ngân sách của Thành phố Hà Nội cho công tác GPMB, tái định cư. Ngày 7/1/2009 tại Quyết định số 53/QĐ-BGTVT Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh lại tổng mức đầu tư lên hơn 13,6 ngàn tỷ đồng (theo tỷ giá 1 JPY =151,50 VND). Dự án cầu Nhật Tân được khởi công từ quý II/2009. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai thi công tích cực, công tác GPMB của Thành phố Hà Nội vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình của dự án…

GPMB vướng vì sự bất hợp tác của người dân

Đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ quản lý thực hiện Dự án xây dựng cầu Nhật Tân (Hà Nội) là Ban quản lý dự án 85 (PMU 85). Ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc dự án cầu Nhật Tân (PMU85 – Bộ GTVT) cho biết: Việc chậm trễ trong GPMB sẽ kéo dài tiến độ của dự án thêm ít nhất nửa năm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ chung của dự án. Không những thế còn đang gây khó khăn, lãng phí cho các nhà thầu nước ngoài. Tính tới nay tổng số mặt bằng được bàn giao đạt chưa tới 60%, trong đó chủ yếu là diện tích mặt nước, đảo giữa sông và một phần diện tích đất nông nghiệp. Khó khăn nhất là việc GPMB  đất thổ cư liên quan tới các hộ dân phải di dời (đặc biệt là đối với hơn 400 hộ dân ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ thuộc bờ Nam cầu Nhật Tân).


Ông Nguyễn Văn Duẩn, Trưởng ban BTGPMB quận Tây Hồ

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Vân, đến nay tại gói thầu số 2 (đường dẫn và cầu dẫn phía Nam) quận Tây Hồ đã bàn giao được 15,67 ha, bao gồm đất nông nghiệp, mương, đường giao thông và đất cơ quan. Diện tích đất thổ cư phải bàn giao cho dự án là 3,7 ha, liên quan tới 408 hộ dân phường Phú Thượng chưa GPMB được bởi còn khá nhiều hộ dân chưa hợp tác với công tác điều tra, kiểm đếm. Riêng phần đất chính tuyến (116 hộ) thì mới điều tra được 69/116 hộ dân, trong đó đang chờ phê duyệt 32 hộ, còn lại 47 hộ chưa chịu hợp tác để điều tra, kiểm đếm. Đất trong phạm vi nút giao thông Phú Thượng (liên quan tới 292 hộ) thì mới chỉ có 20/292 hộ đã kê khai. Các tổ công tác đang tiếp tục gửi giấy mời tới các hộ dân để triển khai đo đạc, điều tra, tuy nhiên cho tới nay còn rất nhiều hộ chưa chịu hợp tác, không cho cán bộ vào đo đạc, kiểm đếm. Đây là khó khăn lớn nhất đối với công tác GPMB diện tích đất thổ cư của toàn dự án nói chung và của quận Tây Hồ nói riêng…

Làm việc với UBND phường Phú Thượng, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Chủ tịch UBND phường cho biết, đại đa số người dân đều ủng hộ chủ trương xây dựng cầu Nhật Tân, bởi đây là cây cầu dây văng hiện đại, làm đẹp cho sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, đồng thời sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội cho cộng đồng dân cư nơi đây. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, chính quyền quận Tây Hồ và phường Phú Thượng đã áp dụng mức giá cao nhất có thể (30,6 triệu đồng/m2 cho vị trí 1 - PV) đồng thời sẵn sàng tạo mọi điều kiện tái định cư tốt nhất cho người dân, nhưng tới nay còn tới hơn 70% số hộ dân (khoảng 300 hộ) trong phạm vi phải giải tỏa của dự án chưa hợp tác điều tra, đo đạc với các tổ công tác bởi họ muốn được đền bù với mức sát giá thị trường…Do vậy vướng mắc lớn nhất hiện nay là cơ chế, chính sách mà chính quyền sở tại không giải quyết được.


Thi công XD Cầu Nhật Tân trên mặt nước sông Hồng

Một số giải pháp

Theo ông Nguyễn Văn Duẩn, Trưởng Ban Bồi thường GPMB quận Tây Hồ, thì mới đây nhất, ngày 18/11/2010 UBND quận Tây Hồ đã có công văn đề nghị với Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố về việc bổ sung một số chính sách bồi thường hỗ trợ & TĐC khi thực hiện GPMB cho dự án cầu Nhật Tân. Theo đó, quận đề nghị có những chính sách thuận lợi hơn cho người dân phải di dời như: Xin hỗ trợ bằng 10% đơn giá đất tại vị trí thu hồi đối với phần diện tích đất chênh lệch tăng giữa 2 lần diện tích đất ở đủ điều kiện bồi thường với diện tích căn hộ được bố trí TĐC; Điều chỉnh tăng giá đất ở hệ số K = 1,8 so với đơn giá quy định tại quyết định 124/QĐ – UBND, ngày 29/12/2009 của UBND TP; Đối với trường hợp thu hồi trên 90m2 đất ở (đủ điều kiện bồi thường) quận đề nghị TP bán thêm 1 căn hộ TĐC có diện tích nhỏ nhất. Đặc biệt là người dân có thể được nhận nhà tái định cư ngay sau khi có kết quả bôc thăm, mà không cần chờ quyết định bán nhà của UBND TP. Tiền mua nhà TĐC sẽ được Ban QLDA hạ tầng Tả Ngạn khấu trừ để chuyển cho Cty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội…

Tuy nhiên, cũng theo ông Duẩn, để có thể xử lý nhanh, dứt khoát đối với các trường hợp chây ỳ, phải cưỡng chế, quận Tây Hồ đã đề nghị TP được đơn giản bớt quy trình cưỡng chế. Cụ thể là sẽ bỏ qua bước quyết định xử phạt vi phạm hành chính (giống như dự án đường Văn Cao – Hồ Tây). 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự án XD cầu Nhật Tân: Chậm tiến độ do vướng GPMB

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.