(HNM) - Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lo ngại về tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân một số gói thầu của dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (dự án II) đang chậm có khả năng ảnh hưởng đến tiến độ.
Trước băn khoăn này, lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định, đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt với môi trường Thủ đô nên lãnh đạo TP và các đơn vị liên quan sẽ nỗ lực để dự án về đích đúng hạn.
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội thi công nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Kim Ngưu. Ảnh: Nhật Nam |
"Vướng" mặt bằng ở 7/8 quận, huyện
Dự án II, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản được thực hiện trong giai đoạn 2006-2014, với tổng diện tích khoảng 300ha đất, liên quan khoảng 7.000 hộ dân, trải dài theo các tuyến mương, sông, hồ thuộc 8 quận, huyện của Hà Nội.
Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước (đại diện chủ đầu tư) cho biết, trong 13 gói thầu, mới có 4 gói hoàn thành và đưa vào sử dụng, còn lại đang thi công. Trong đó, gói thầu CP3 (cải tạo 16 tuyến kênh, mương thoát nước thuộc lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ, Sét) sẽ hoàn thành vào quý I năm 2014. Đến nay, gói thầu CP3 mới giải ngân được 30,5%; gói thầu CP4 (cải tạo 14 kênh mương lưu vực sông Kim Ngưu) sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014, mới giải ngân được 20%; gói thầu CP5.1 (thay thế cầu qua sông Tô Lịch, Lừ, Sét và đường công vụ dọc sông Lừ, Sét) sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014, mới giải ngân được 29,5%… Thời gian qua, Ban đã chủ động phối hợp với các địa phương liên quan đồng loạt triển khai GPMB, đến nay đã hoàn thành 85% tổng diện tích. Tuy nhiên, diện tích còn lại là phần trọng yếu của các gói thầu, tình hình quản lý, sử dụng đất rất phức tạp. Ngoài quận Cầu Giấy đã hoàn thành, bàn giao mặt bằng, các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Tây Hồ, Ba Đình và huyện Thanh Trì hiện vẫn đang vướng mắc.
Tháo gỡ khó khăn
Mặt bằng thi công là yếu tố quyết định đến tiến độ thực hiện của từng gói thầu cũng như toàn bộ dự án. Chủ đầu tư kiến nghị, đối với phần đất công, đất chuyên dùng và đất do UBND phường, xã quản lý, UBND các quận, huyện căn cứ theo chính sách hiện hành, cho phép bàn giao trước để nhà thầu có mặt bằng thi công; phần đất của các hộ gia đình, cá nhân đang chây ỳ, chống đối, áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn, dự án liên quan đến 400 hộ dân của quận. Quận đang tập trung tháo gỡ để GPMB diện tích còn lại nhằm giải quyết dứt điểm trong năm 2012. Đại diện một số quận, huyện cũng khẳng định sẽ hoàn thành GPMB trong 6 tháng đầu năm 2013. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang vướng mắc về giá đền bù và chưa được bố trí đủ quỹ nhà tái định cư (TĐC). Do vậy, UBND TP và Sở Xây dựng cần kịp thời bố trí quỹ nhà và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc sử dụng đất làm căn cứ lên phương án đền bù...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, trong chính sách GPMB, vấn đề về giá, TP chịu trách nhiệm, các địa phương xử lý theo nguyên tắc tương đồng với khu vực liền kề. Về TĐC, TP chỉ cho phép bố trí TĐC bằng đất với huyện ngoại thành, còn các quận nội thành TĐC bằng nhà, trừ trường hợp đặc biệt có quỹ đất xen kẹt ngay bên cạnh. Trong xử lý vi phạm đất đai, nếu chính quyền vi phạm, đề nghị cho thanh tra, quy trách nhiệm của tập thể, cá nhân và xử lý ngay, đồng thời tăng cường đối thoại với dân.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt. Hoàn thành dự án này không chỉ giải quyết tình trạng úng ngập nội đô, làm giảm ô nhiễm môi trường, cải tạo cảnh quan đô thị mà còn góp thêm cho TP hàng chục kilômét đường giao thông đô thị dọc các mương, sông. Vì vậy lãnh đạo TP và các đơn vị liên quan sẽ nỗ lực để dự án về đích đúng hạn vào năm 2014.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.