Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống vào chặng “nước rút”

Bảo Hân - Tiến Thành| 17/07/2018 18:51

(HNMO) - Trên công trường của Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, các dấu mốc kỷ lục về thời gian liên tiếp được xác lập khi “ngày hẹn” cung cấp nguồn nước sạch cho hàng triệu người dân Thủ đô cận kề.

Nhà máy nước mặt sông Đuống có diện tích gần 62ha nằm tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. 


Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính thức khởi công từ ngày 9-3-2017, chủ đầu tư đã quyết tâm rút ngắn thời gian từ 3 năm xuống còn 19 tháng. Ông Đỗ Văn Định, Giám đốc dự án chia sẻ, nhờ sự chỉ đạo liên tục, sát sao của lãnh đạo Thành ủy, UBND cùng các sở, ban, ngành của Hà Nội, chỉ trong thời gian “kỷ lục” là 6 tháng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã hoàn thành để bàn giao 100% diện tích mặt bằng (61,5 ha) cho chủ đầu tư triển khai dự án.





Hàng nghìn công nhân không quản ngại thi công ngày đêm, bảo đảm tiến độ đề ra


Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục xây dựng cơ bản đã hoàn thiện 90%. Chủ đầu tư và các nhà thầu đang triển khai lắp đặt thiết bị để nhanh chóng hoàn thiện dự án, cấp nước thương mại chính thức vào ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10-10-2018 theo đúng cam kết với Chủ tịch UBND TP Hà Nội.


Công nghệ áp dụng tại Nhà máy được tự động hóa và tiên tiến nhất trên thế giới.


Với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, Dự án gồm hai hợp phần chính là công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5ha tại xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm); tuyến ống dẫn nước sạch dài 76km phân bố trên các quận Long Biên, Hoàng Mai, các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì và một số khu vực của tỉnh Hưng Yên.

Theo quy hoạch đến năm 2020, nhà máy nước đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm, chia thành hai kỳ đầu tư: Kỳ 1 đến tháng 10-2018 sẽ vận hành kinh doanh nhà máy với công suất 150.000 m3/ngày đêm và kỳ 2 đến năm 2020 công suất nhà máy đạt 300.000 m3/ngày đêm. Quy mô cấp nước của dự án định hướng đến năm 2030 sẽ đạt 600.000 m3/ngày đêm và tối đa đến 900.000 m3/ngày đêm vào năm 2050. Đến khi đưa vào hoạt động, nhà máy sẽ vận hành gần như tự động từ trạm thu nước đến các đường ống dẫn nước. Công nghệ xử lý này được tối ưu hiệu quả, giảm thiểu chi phí vận hành sửa chữa và tiêu thụ điện năng, hóa chất.


Tuyến đường ống nước sạch dài 76km, trong đó có 2 đoạn qua lòng sông Hồng và sông Đuống, nhiều đoạn qua đường sắt, đường quốc lộ, tỉnh lộ.


Chất lượng nước sau xử lý của Nhà máy nước mặt sông Đuống được bảo đảm đáp ứng 109 quy chuẩn của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt nước sau khi xử lý có thể uống được ngay tại vòi. Ông Đỗ Văn Định cho biết, nguồn nước vào sẽ được kiểm soát chất lượng hằng ngày, độ đục của nước sẽ được xử lý thông qua hệ thống hồ lắng.

Ống dẫn nước sử dụng vật liệu chất lượng cao, chịu lực tốt được hàn kín theo công nghệ cao để vi khuẩn và các tác động bên ngoài không thể lọt vào đường ống. Hiện chủ đầu tư đã triển khai mạng lưới đường ống cung cấp nước sạch đến tận nhà dân như ở các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn. Về giá bán nước, nhà máy sẽ làm việc với thành phố cùng với các đơn vị phân phối để đưa ra giá hợp lý cho các bên. Mức giá bán của nhà máy sẽ dựa trên tổng mức đầu tư của dự án, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Công trình hồ lắng và trạm bơm dâng bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước đáp ứng yêu cầu đầu vào cho nhà máy hoạt động  


Nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên địa bàn TP Hà Nội, ông Tạ Đức Hoàng, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn AquaOne (cổ đông chính của Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống) cho biết, chủ đầu tư đang nghiên cứu và áp dụng giải pháp tái sử dụng đất, bùn thải vô cơ của nhà máy thành nguyên liệu làm gốm, làm gạch và cải hóa đất phục vụ nông nghiệp, đồng thời mặt bằng nhà máy cũng được tận dụng để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, trồng cây xanh để phát triển du lịch sinh thái.

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ cấp nước sạch cho gần 3 triệu dân của 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện của Hà Nội và vùng phụ cận.


Việc triển khai dự án không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch cho nhân dân Thủ đô Hà Nội và các vùng phụ cận mà còn là minh chứng cho việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như UBND TP Hà Nội trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thu hút nội lực của các doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô.

Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 năm nay, trong niềm vui hân hoan 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đang chờ đón tin vui khi có thêm một công trình cung cấp nước sạch hiện đại, xứng tầm với vị thế của Thủ đô và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống vào chặng “nước rút”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.