Trong lúc nhiều ý kiến lên tiếng phản đối gay gắt việc xây dựng khu du lịch ở đồi Vọng Cảnh, thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, TP Huế thì ngày 29- 1- 2005, Công ty liên doanh Vọng Cảnh (Công ty Du lịch Hương Giang và Công ty Vietnam Hotel, Projekt BV, Hà Lan) đã “chớp nhoáng” khởi công xây dựng khu du lịch này.
Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng đồi Vọng Cảnh đang bị đe dọa
Nên hay không xây dựng khu du lịch tại đồi Vọng Cảnh?
Trong cuộc gặp mặt báo chí chiều 17-2-2005, ông Nguyễn Xuân Hoa, Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Thừa Thiên- Huế bức xúc cho hay: “Nếu UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vẫn tiến hành xây dựng bằng được công trình khách sạn cao tầng xâm hại một cách thô bạo đồi Vọng Cảnh- nằm trong quần thể di tích được bảo vệ nghiêm ngặt cấp quốc gia thì tôi vẫn bảo lưu ý kiến không đồng tình của mình”.
Quần thể lăng tẩm, Điện, Đàn thời vua chúa, di tích lịch sử cách mạng và danh thắng nổi tiếng ở phía Tây- Nam TP Huế (trong đó có đồi Vọng Cảnh) nằm trong khu đất có diện tích 2.400 ha được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra quyết định quy hoạch số 2327/QĐ- UBND, ngày 11-10-1999, nhằm bảo tồn, tôn tạo giá trị văn hóa hiện có của nó.
Đáng tiếc là ngày 8-11-2004, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ra Quyết định số 18/GP- TTH cho phép Công ty liên doanh Vọng Cảnh xây dựng khu du lịch ở đồi Vọng Cảnh nằm trong vực kể trên. Điều này vừa đi ngược lại Quyết định số 2327/QĐ- UBND do chính cơ quan này ban hành!
Cũng cần biết thêm, trong Chương IV, Điều 36, khoản 1 Luật Di sản văn hóa ghi rõ: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa thông tin”. Thế nhưng, khi chưa tiến hành làm thủ tục trình Bộ Văn hóa- Thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã cho phép Công ty liên doanh Vọng Cảnh xây dựng khu du lịch ở đồi Vọng Cảnh.
Trong bản vẽ thiết kế, công trình gồm khách sạn 5 tầng, ở tầng trên cùng cắm cọc cao 12m, tương đương với 3 tầng nhà nữa, cùng một số công trình phụ trợ khác có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến khu di tích.
Trước việc làm này, ngày 3-2-2005, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Trần Chiến Thắng đã có công văn số 382/VHTT- DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, nêu rõ: “Khu vực đồi Vọng Cảnh là một điểm nằm trong không gian qui hoạch của một số di tích như: Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, Điện Hòn Chén thuộc quần thể di tích Cố Đô Huế. Đây là khu di tích đầu tiên của Việt Nam được UNESCO quyết định đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới... Đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cân nhắc kỹ lưỡng dự án xây dựng khu du lịch, đặc biệt là khách sạn cao tầng trên đồi vọng cảnh...”.
Để trấn an dư luận, thuyết phục về hiệu quả đầu tư cũng như có hay không khả năng phá vỡ cảnh quan đồi Vọng Cảnh, sáng 17-2-2005, ông Trần Duy Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hương Giang đã dẫn một đoàn báo chí từ Hà Nội đến đồi Vọng Cảnh, để các phóng viên viết bài cho khách quan hơn!? Khi các phóng viên báo chí thắc mắc: “Vì sao không có giấy phép xây dựng mà đã khởi công?”.
Ông Nguyên cho rằng: “Chúng tôi là đơn vị liên doanh với nước ngoài, đã có chứng chỉ quy hoạch, giấy phép đầu tư, nên không cần giấy phép xây dựng(?)”. Về điều này, cần phải nói rõ thêm, Luật Xây dựng của nhà nước Việt Nam tại chương V, mục 1, Điều 62 ghi rõ: “Trước khi khởi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng các công trình thuộc bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, công trình tạm phục vụ xây dựng công trình chính...”.
Đồi Vọng Cảnh được người xưa xem là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, là báu vật thiên nhiên ban tặng cho Huế, cần thiết phải giữ gìn và tôn tạo. Người xưa còn cho rằng nơi đây có âm phần linh thiêng, không nên tác động thô bạo đến nó, bởi sẽ gây hậu quả khôn lường… Đó dù là những nhận định chưa rõ ràng nhưng Vọng Cảnh nằm bên dòng Hương thơ mộng, cảnh quan thiên nhiên đẹp nổi tiếng và là tiền án của quần thể lăng tẩm của các triều vua ở Huế thì ai cũng biết. Theo sơ đồ xây dựng chi tiết khu du lịch ở đồi Vọng Cảnh, công trình vệ sinh cách điểm (họng) lấy nước của Nhà máy nước Vạn Niên (nằm phía hạ lưu đồi Vọng Cảnh) chỉ vài trăm mét.
Ngoài việc cấp nước cho hơn 3,3 vạn dân của thành phố Huế và hàng nghìn dân của các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà..., nhà máy nước Vạn Niên còn cấp một khối lượng nước rất lớn cho Nhà máy sản xuất bia Huda Huế. Lo ngại trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước ở thượng nguồn sông Hương, lãnh đạo Nhà máy nước Vạn Niên đã hai lần kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế xem xét không nên xây dựng khu du lịch qui mô lớn sát bờ sông Hương nhưng nguyện vọng này đã bị bác bỏ.
Điều quan trọng hơn nữa, hiện nay tỉnh Thừa Thiên- Huế đang tiến hành xây dựng hồ sơ đăng ký bổ sung cảnh quan sông Hương là một bộ phận của Khu di tích Cố đô Huế- Di sản Văn hóa Thế giới nhằm tôn vinh giá trị cảnh quan độc đáo và bảo vệ vững chắc tính toàn vẹn của các di tích liên quan đến Kinh thành Huế dọc hai bờ sông Hương. Vì vậy, việc xây dựng khách sạn cao tầng ở đồi Vọng Cảnh có nên chăng?
Theo SGGP
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.