(HNM) - Nhiều năm qua, hàng trăm hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) thiếu đất để hoạt động; nước, chất thải phát sinh trong quá trình giết mổ xả trực tiếp ra cống rãnh, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Trong khi đó, Dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh (gọi tắt là Dự án giết mổ tại xã Bình Minh) đã được triển khai và hoàn thành hạ tầng kỹ thuật từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc khiến dự án không thể hoàn thiện, đưa vào sử dụng.
Ô nhiễm vì nghề
Có mặt tại xã Bình Minh - địa phương có nghề giết mổ gia súc, gia cầm phát triển, cảm nhận đầu tiên của phóng viên Báo Hànộimới là không khí ở đây luôn bốc mùi tanh, hôi thối nồng nặc. Đặc biệt, càng đi vào cuối các xóm của một số thôn như: Chợ, Đìa, Rộc, Chua,… mùi hôi thối ngày càng nặng hơn, nước dưới cống rãnh màu đen kịt. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm trên là do hầu hết các hộ giết mổ gia súc, gia cầm trong xã đã xả nước thải, thậm chí một số hộ còn đổ cả tiết, phân, lông gà, vịt… phát sinh trong quá trình giết mổ xuống hệ thống cống rãnh ở khu dân cư. Bà Nguyễn Thị H. ở thôn Chợ cho biết: "Không chỉ xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, hoạt động giết mổ trên địa bàn còn gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng. Bởi, hằng ngày, cứ 2-3h sáng là các hộ bắt đầu làm nghề, tiếng gà, vịt kêu và tiếng phương tiện đi lại vận chuyển hàng hóa gây ồn ào khiến người dân mất ngủ...".
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh Nguyễn Chính Dân cho biết: Từ vài chục hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm năm 2008, đến nay xã có 162 hộ gia đình làm nghề này với quy mô lớn có đăng ký kinh doanh (chủ yếu giết mổ gà, vịt, trâu, bò) với số lượng 150-200 con gà, vịt/ngày trở lên, hoặc 3-4 con trâu, bò/ngày. Ngoài ra, còn vài trăm hộ giết mổ quy mô nhỏ dưới 100 con gà, vịt/ngày. “Nghề giết mổ gia súc, gia cầm đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong xã, nhưng do tất cả các hộ đều giết mổ tự phát, trong khu dân cư, nên không tránh khỏi ô nhiễm môi trường...”, ông Dân bày tỏ.
Nhằm khắc phục những tồn tại trên, ngày 31-10-2012, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4972/QĐ-UBND phê duyệt Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai trên diện tích 42.794m2. Sau khi dự án được thành phố bố trí vốn, UBND huyện Thanh Oai đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm kè đá, hệ thống điện, thoát nước, đèn chiếu sáng, tường rào, sân, đường nội bộ, bãi đỗ xe… Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.
Chậm vì vướng cơ chế
Ông Nguyễn Tiến Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai, đại diện chủ đầu tư cho biết: Sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng dự án, Ban quản lý đã bàn giao cho UBND huyện chuẩn bị các bước kêu gọi doanh nghiệp xã hội hóa đầu tư xây dựng những hạng mục còn lại gồm: Xây dựng nhà cầu, ki ốt, nhà điều hành, khu sơ chế gia cầm… để sớm hoàn thiện, đưa dự án vào hoạt động. Năm 2017, UBND huyện đã hoàn thành việc lập đề án vận hành, khai thác dự án sau đầu tư; mời doanh nghiệp tham gia xã hội hóa... nhưng do cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý đất đai thay đổi nên dự án bị chậm trễ. "Trước đây UBND huyện Thanh Oai chỉ thực hiện mời gọi doanh nghiệp đầu tư, tổ chức đấu thầu, cho thuê đất thực hiện dự án, thì nay phải làm lại hồ sơ, để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Đây là nguyên nhân chính khiến dự án chưa thể hoàn thiện, đưa vào hoạt động", ông Nguyễn Tiến Hải khẳng định.
Được biết, ngày 8-4-2019, UBND thành phố đã có Công văn số 1397/UBND-KH&ĐT về việc thực hiện Dự án giết mổ tại xã Bình Minh, giao UBND huyện Thanh Oai khẩn trương lập danh mục, kế hoạch, xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Thực hiện chỉ đạo này, UBND huyện Thanh Oai đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện triển khai.
Theo Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Huyền Thanh, sau khi được UBND huyện giao nhiệm vụ, đơn vị đã tập trung lập danh mục, kế hoạch sử dụng đất và phương án đấu giá quyền sử dụng đất tại Dự án giết mổ tại xã Bình Minh. Song, quá trình triển khai gặp vướng mắc do quyết định giao đất để thực hiện Dự án giết mổ tại xã Bình Minh đã hết hiệu lực. “Để gỡ vướng, ngày 20-12-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn UBND huyện Thanh Oai thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại Dự án giết mổ tại xã Bình Minh. Hiện chúng tôi đang gấp rút xây dựng dự thảo phương án đấu giá quyền sử dụng đất, phấn đấu đến cuối tháng 1-2020 sẽ hoàn thiện đầy đủ hồ sơ nộp Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt”, bà Thanh thông tin.
Như vậy, đã hơn 9 tháng kể từ ngày UBND thành phố có Công văn số 1397/UBND-KH&ĐT về việc thực hiện Dự án giết mổ gia súc, gia cầm tại xã Bình Minh, nhưng đến nay UBND huyện Thanh Oai vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố phê duyệt theo quy định. Việc dự án bị chậm đưa vào khai thác, sử dụng không chỉ gây lãng phí mà tình trạng ô nhiễm tại xã Bình Minh ngày càng trầm trọng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.