Nghị quyết và Đời sống

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Động lực mới - bứt phá mới

Bảo Hân - Tuấn Lương 06/06/2022 06:00

24 năm trước, việc mở tuyến đường Vành đai 4 cho Thủ đô Hà Nội đã được định hướng rõ. Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 20-6-1998 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020”, về nội dung quy hoạch giao thông đường bộ có nêu: “Hoàn thiện việc xây dựng các tuyến đường vành đai số 1, 2, 3; đồng thời cần nghiên cứu để chuẩn bị mở đường vành đai 4”.

Với quyết tâm đưa dự án mang tầm chiến lược, giải quyết nhu cầu thực tiễn cấp bách, giúp mở rộng không gian phát triển, khai thác các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng cho Hà Nội mà còn cho các địa phương trong Vùng Thủ đô, từ năm 2021 đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực nghiên cứu, tìm giải pháp khả thi.

Đặc biệt, thể hiện vai trò “đầu tàu”, Hà Nội thống nhất với các địa phương đề xuất phương án cùng đầu tư toàn tuyến, trong đó thành phố là đầu mối triển khai. Nhiều giải pháp đột phá tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn đã được các địa phương báo cáo Chính phủ. 

Thời điểm này, thành phố Hà Nội, thay mặt các địa phương, đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XV.

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra nhiệm vụ “phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027”. Việc sớm triển khai dự án đường Vành đai 4, vành đai mang tính “đối ngoại”, không chỉ giúp Hà Nội mở rộng không gian phát triển mà gia tăng kết nối liên vùng để các địa phương cùng bứt phá.

"Lối thoát" chiến lược

Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg năm 2016 đã chỉ rõ hệ thống giao thông qua địa bàn thành phố là mô hình vành đai. Mô hình này xác định Hà Nội có 5 tuyến vành đai và 9 trục đường xuyên tâm, trong đó tuyến Vành đai 4 nằm trong ranh giới để phát triển đô thị trung tâm Hà Nội. 

Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố xác định, một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ này là "Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô". Do đó, việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội đặc biệt tâm đắc với những ý nghĩa, giá trị do tuyến đường mang lại. Theo ông, trong xu thế phát triển của đất nước, việc đẩy mạnh liên kết vùng và tạo các động lực để phát triển vùng là yêu cầu tất yếu. Việc xây dựng Vành đai 4, tiến tới đầu tư Vành đai 5 chính là “lối thoát” chiến lược, khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, tăng khả năng liên kết, giao thương hàng hóa giữa các tỉnh trong Vùng Thủ đô cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. 

Ngoài hiệu quả với giao thông vùng, giao thông quốc gia, tuyến đường Vành đai 4 sẽ giúp thành phố Hà Nội có điều kiện phát triển đô thị trung tâm, hình thành chuỗi đô thị mới ở phía Tây Hà Nội.

Đặc biệt, ngoài hiệu quả với giao thông vùng, giao thông quốc gia, tuyến đường Vành đai 4 sẽ giúp thành phố Hà Nội có điều kiện phát triển đô thị trung tâm, hình thành chuỗi đô thị mới ở phía Tây Hà Nội, khai thác hiệu quả quỹ đất hơn 6.500 ha; thúc đẩy sự liên kết với các đô thị vệ tinh đã được quy hoạch và các khu công nghiệp dọc tuyến thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh…

“Tuyến vành đai còn giúp thành phố quản lý chặt chẽ và phân bố dân số theo quy hoạch bởi Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ, nếu phát triển đường Vành đai 4 sẽ tạo ra một số khu đô thị mới có quy mô khoảng 1,2 triệu dân”, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh thêm.

Khái quát về ý nghĩa của dự án, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau 14 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, tuyến đường Vành đai 4 sẽ cho phép thành phố điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô, khai thác động lực phát triển đô thị và nông thôn. Quan trọng hơn, dự án còn tạo sức hút để giãn mật độ cư dân trong trung tâm đô thị, từ đó phát triển chuỗi đô thị vệ tinh bao gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên cùng việc kết nối chuỗi đô thị thành phố Hà Nội với những khu vực đô thị, công nghiệp thuộc Vùng Thủ đô. Đây đều là những động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô Hà Nội.

Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã chỉ rõ, hệ thống giao thông qua địa bàn thành phố là mô hình vành đai.

Thời điểm “chín muồi”

Khẳng định về tính cấp thiết của việc thực hiện dự án trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, tất cả căn cứ, kể cả về mặt chủ trương chiến lược của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, cùng với Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đều cho thấy phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2021-2025. 

Trên thực tế, số lượng đường cao tốc chúng ta đạt được khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước. Sau hơn 16 năm kể từ thời điểm xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên (năm 2004) đến nay, cả nước mới chỉ có 1.163 km đưa vào khai thác, chưa hoàn thành mục tiêu đưa vào sử dụng 2.000 km đến năm 2020 theo Nghị quyết số 13-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.

“Chính vì vậy, mục tiêu triển khai, hoàn thành 2 tuyến đường tại thời điểm hiện nay hết sức hợp lý khi chúng ta đã cơ bản đủ điều kiện cũng như công nghệ. Thời điểm đã chín muồi, việc thực hiện các dự án mang ý nghĩa rất lớn khi gắn với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, và đặc biệt là có thể tạo ra sự đột phá”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ tại tọa đàm "Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4-5-2022.

Thể hiện quan điểm đồng tình, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, quyết định làm 2 đường vành đai xuất phát từ thực tiễn cấp bách. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước, suốt thời gian dài tắc nghẽn giao thông, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển đô thị do thiếu đường giao thông, thể hiện rõ nhất ở tuyến hướng tâm và vành đai. Do đó, việc đưa ra quyết định phải làm 2 tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chính phủ và các địa phương liên quan. Đây là 2 trong 5 dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông.

“Việc đặt ra ưu tiên như vậy và đưa thành nhiệm vụ cấp bách quốc gia cũng như chuyển hướng chiến lược nhằm phát triển Vùng Thủ đô và Vùng thành phố Hồ Chí Minh, hai trung tâm tăng trưởng bậc nhất đã thể hiện ý đồ của Chính phủ. Sau thời gian 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong giai đoạn phục hồi hiện nay có thể mượn sức này tạo ra đột phá. Do đó, thời điểm triển khai dự án có giá trị thúc đẩy rất lớn”, TS. Trần Đình Thiên phân tích.

“Vì đất nước đang ở tốc độ phát triển có thể tạo ra đột phá, đòi hỏi cơ sở hạ tầng giao thông phải phát triển theo, nếu không sẽ tạo ra tắc nghẽn”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cùng nêu quan điểm về sự cần thiết phải đầu tư các công trình giao thông trọng điểm hiện nay. Ông phân tích cụ thể, cùng với cả nước, Hà Nội đang phát triển rất nhanh, tạo động lực lớn cho các tỉnh xung quanh nên nhu cầu giao lưu vận tải, logistics… tăng nhanh. Việc gia tăng dân số cơ học của thành phố Hà Nội và các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội cũng tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống hạ tầng giao thông đang quá tải, dẫn đến nguy cơ cao về ùn tắc giao thông. Do đó, việc đầu tư hoàn thành tuyến đường Vành đai 4 với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn trong giai đoạn 2021-2025 là phù hợp và cần thiết.

Việc “hồi sinh” đại dự án sau 24 năm được hoạch định, đặc biệt hơn 10 năm được quy hoạch sẽ bắt đầu từ khâu đầu tiên - tìm nguồn vốn, bởi quy mô đầu tư rất lớn. Tìm ra mô hình đầu tư linh hoạt, bảo đảm đáp ứng tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 85.813 tỷ đồng là một trong những điều kiện tiên quyết để dự án sớm chuyển thành hiện thực.

Bảo đảm hiệu quả và hợp lý trong khai thác nguồn vốn

Theo tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội của Chính phủ, dự án được triển khai theo hình thức PPP (đối tác công - tư) với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng. Siêu dự án vành đai liên vùng này được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng. Nhóm dự án 2 là đường đô thị song hành dưới thấp. Nhóm dự án 3 là dự án xã hội hóa theo hình thức PPP và hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do nhà đầu tư đảm nhận. Vốn đầu tư nhóm 1 và 2 từ ngân sách trung ương - 28.200 tỷ đồng và địa phương - 28.203 tỷ đồng. Nhóm 3 do nhà đầu tư đảm nhận với tổng mức kinh phí 29.410 tỷ đồng.

“Đây là mô hình linh hoạt, có khả năng tương hỗ giữa ngân sách trung ương và xã hội hóa. Theo chủ trương của Đảng và các cơ chế, chính sách của Chính phủ, chúng ta xác định lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tạo động lực thúc đẩy PPP. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư theo phương thức PPP có điều khoản chia sẻ rủi ro, tăng giảm doanh thu để nhà đầu tư yên tâm. Thêm nữa, theo tính toán của các bộ, ngành, dự án có khả năng thu hồi vốn trong 21 năm. Chúng ta cũng đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định, đề xuất về hình thức đầu tư của thành phố Hà Nội là hợp lý bởi trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, thực hiện đúng chủ trương của Đảng về thu hút nguồn lực đầu tư xã hội. Chính phủ đã có chỉ đạo cần huy động tối đa các nguồn lực xã hội để giảm áp lực về ngân sách, chỉ đầu tư công đối với các dự án có tính chất an sinh, xã hội hoặc các dự án không thể triển khai theo phương thức PPP. Do đó, chỉ có đa dạng hóa đầu tư thì dự án lớn mới bảo đảm tiến độ thực hiện, nhanh chóng phát huy hiệu quả, tránh hiện tượng nhiều dự án giao thông chậm do thiếu nguồn vốn.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, với quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cần được xem xét, tách thành các dự án thành phần độc lập, tương ứng với những loại nguồn vốn, hình thức đầu tư, tính đặc thù. Riêng đối với dự án thành phần thứ ba là đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7km, thực hiện theo hình thức PPP, nên giao cho UBND thành phố Hà Nội làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai toàn tuyến là hợp lý.

Chung sức đồng lòng trên tinh thần sẻ chia

Để bảo đảm nguồn vốn đáp ứng tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ngày 20-5 vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương nguồn vốn triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được bố trí từ ngân sách thành phố là khoảng 23.524 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 19.477 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng. Trong trường hợp tổng mức đầu tư của dự án thành phần tăng theo quyết định của cấp có thẩm quyền dẫn đến tăng phần nguồn vốn ngân sách địa phương, HĐND thành phố sẽ cân đối bố trí đủ nguồn vốn để triển khai, hoàn thành dự án. 

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Nghị quyết thống nhất chủ trương dự kiến nguồn vốn thực hiện dự án đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của thành phố để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Ngoài tinh thần, quyết tâm cao của Hà Nội, dự án cũng đang nhận được sự chung sức đồng lòng của hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng nhấn mạnh, dự án lớn này sau khi được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và mở ra cơ hội phát triển không gian đô thị, các khu công nghiệp, thu hút nhiều dự án đầu tư tại Bắc Ninh. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh rất tích cực phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, các bộ, ngành trung ương để hoàn tất các thủ tục triển khai dự án. Chủ trương  đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, HĐND tỉnh ra nghị quyết với tổng kinh phí 5.210 tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn 2022-2027...

Đối với tỉnh Hưng Yên, dự án qua địa bàn tỉnh có chiều dài 19,3 km, phân bổ vốn ngân sách địa phương là 1.509 tỷ đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 là mong mỏi bấy lâu nay của chính quyền và nhân dân tỉnh. Hưng Yên đang có các khu đô thị lớn cận kề với Thủ đô Hà Nội nên việc xây dựng, kết nối Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua tỉnh là rất cần thiết. HĐND tỉnh cũng đã thông qua nghị quyết về việc chấp thuận triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ cùng Hà Nội và Bắc Ninh trong hoàn thiện các thủ tục thuộc phần trách nhiệm của tỉnh. 

Điều đáng ghi nhận, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, đối với nguồn vốn thực hiện dự án, bên cạnh linh hoạt giữa ngân sách Trung ương và địa phương, còn linh hoạt giữa các địa phương với nhau. Là hạt nhân trong vùng, thành phố Hà Nội nhận nhiệm vụ giải phóng mặt bằng toàn diện trong địa bàn, thậm chí còn ưu tiên ngân sách trung ương cho giải phóng mặt bằng với các dự án nhóm 1 cho các tỉnh, như Hưng Yên.

Trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội với dự án quy mô lớn, mang ý nghĩa chiến lược như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thành phố Hà Nội đã nhận diện nhiều khó khăn, thách thức và đề xuất những cơ chế đặc thù hóa giải, bảo đảm tính khả thi của dự án.

Phân cấp, phân quyền tăng chủ động cho địa phương

Với vai trò là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện dự án mang tính trọng điểm quốc gia, UBND thành phố Hà Nội đã căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và vận dụng một số cơ chế đã được Quốc hội thông qua để đề xuất cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm bảo đảm tiến độ đầu tư, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. 

Về nguồn vốn đầu tư, thành phố Hà Nội thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025). Cụ thể, Quốc hội cho phép điều chuyển số vốn 14.250 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải về các địa phương thực hiện dự án. Phương thức phân bổ: Hà Nội 8.400 tỷ đồng, Hưng Yên 3.740 tỷ đồng, Bắc Ninh 2.110 tỷ đồng; cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025 phù hợp cơ cấu nguồn vốn, tiến độ thực hiện.

Hội nghị giữa thành phố Hà Nội với Bộ GTVT và các tỉnh liên quan triển khai quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về tuyến đường Vành đai 4, ngày 6-5-2021.

Trong tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ đề xuất được phát hành trái phiếu để các địa phương có vốn thực hiện dự án trong 2 năm 2024 - 2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu của ngân sách địa phương để hoàn trả trong giai đoạn 2026 - 2030; xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần...

Tránh tình trạng gặp khó khăn trong tìm kiếm, bố trí đủ nguồn vật liệu xây dựng, đất đắp nền như cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Một cơ chế đặc thù nữa là ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương sẽ tiến hành luôn giải phóng mặt bằng theo quy hoạch. Hà Nội đã xác định hệ thống chỉ giới đường đỏ, hoạch định lộ giới từng vị trí, đoạn tuyến.

“Dự án nằm trong Vùng Thủ đô Hà Nội, đã có Nghị định số 91/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Do đó, đây là điều kiện thuận lợi hình thành mô hình tổ chức, trên cơ sở đó lập các tổ công tác triển khai 3 dự án thành phần. Cùng với đó, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung vào khâu đầu tiên, khó nhất là giải phóng mặt bằng tại 3 địa phương”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tiến độ đặt ra là dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cơ bản hoàn thành trước năm 2025, hoàn chỉnh vào năm 2026. Các cơ chế đặc thù được thông qua sẽ cho phép rút ngắn tiến độ triển khai với một dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp.

Giao quyền, thực chất là giao trách nhiệm

Đề xuất phân cấp cho địa phương không chỉ quan trọng đối với hai dự án đường vành đai trọng điểm của Vùng Thủ đô và thành phố Hồ Chí Minh, đây còn là cách tiếp cận để đổi mới thể chế.

Đánh giá về các đề xuất cơ chế đặc thù của thành phố Hà Nội, cũng như đề xuất cơ chế đặc thù đối với tuyến Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, trong các vướng mắc về đầu tư công thì giải phóng mặt bằng luôn ở vị trí số một, bởi đây là nhiệm vụ phức tạp, hệ lụy là chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn thấp. Việc di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông…) đòi hỏi yêu cầu về kỹ thuật, thường do các đơn vị chuyên ngành thực hiện. Nếu đấu thầu để làm việc này đôi khi chỉ là hình thức. Do đó, việc cho phép chỉ định thầu trong giải phóng mặt bằng sẽ giúp rút ngắn thời gian.

Một số chuyên gia nhận định, đề xuất phân cấp cho địa phương không chỉ quan trọng đối với hai dự án đường vành đai trọng điểm của Vùng Thủ đô và thành phố Hồ Chí Minh, đây còn là cách tiếp cận để đổi mới thể chế. Lâu nay, với các dự án đường vành đai chiến lược quốc gia, sự tham gia của cấp địa phương rất ít, có thể đó cũng là một trong những lý do gây chậm trễ, kém hiệu quả và quan trọng là làm chậm bước tiến của đất nước trong quá trình phát triển. Nếu giao cho địa phương làm, chắc chắn nỗ lực thực hiện của địa phương sẽ rất cao.

“Giao quyền cho địa phương thực chất là giao trách nhiệm. Nguyên tắc của phân cấp, phân quyền là cấp nào thực hiện tốt nhất thì nên để cấp đó làm. Tôi tin rằng việc đẩy mạnh phân cấp cho địa phương sẽ rất hiệu quả, bởi vì làm đường liên quan đến người dân, đến địa bàn, những việc này phải xử lý tại chỗ hằng ngày. Trung ương không thể bao quát hết mọi việc. Cho phép địa phương linh hoạt xử lý có thể giúp chúng ta giải quyết được những “điểm nghẽn”, những điểm lãng phí. Tuy nhiên, muốn địa phương làm tốt thì phải có giải pháp giám sát một cách thỏa đáng”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, cơ chế đặc thù quan trọng nhất với dự án vành đai kết nối một loạt tỉnh này chính là phân cấp phân quyền cho các địa phương. Theo ông, sự phân cấp phân quyền sẽ tạo sự chủ động cũng như động lực thực hiện khi các địa phương được “làm chủ”. Việc này cũng giúp “giảm tải” cho Bộ Giao thông Vận tải khi đang trong quá trình đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường cao tốc trong toàn quốc. 

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, dự án đường Vành đai 4 mang đặc thù về vị thế, về tính chất thì tất yếu cần cơ chế đặc thù trong thực hiện. Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả dự án, nhất thiết phải cần cơ quan điều phối hợp lý. Do đó, rất mong trong thời gian tới, Quốc hội sẽ ban hành cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phát huy vai trò của tuyến vành đai liên kết vùng trong tạo động lực, sức lan toả nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô và đất nước. Ngoài ra, cần làm rõ vai trò của Hội đồng quản lý Vùng Thủ đô trong dự án để song hành cùng các địa phương. Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội cần được tăng thẩm quyền để thực hiện tốt vai trò là cơ quan đầu mối tổ chức dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ. 

-----------

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, đi kèm nhiều tính chất đặc thù. Do đó, quá trình triển khai phía trước sẽ đi kèm nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, tinh thần vào cuộc chủ động, nghiêm túc cùng nỗ lực, quyết tâm và cả sự sẻ chia của thành phố Hà Nội và các địa phương liên quan, sau những bước tiến triển vọng đầu tiên nhằm tái khởi động dự án, nhân dân các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua mong mỏi, hy vọng về một tuyến vành đai liên kết vùng sắp thành hiện thực. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Động lực mới - bứt phá mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.