Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Sẵn sàng vận hành hiệu quả

Tuấn Khải| 31/08/2018 07:17

(HNM) - Hiện nay Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng thầu EPC Trung Quốc đang khẩn trương hoàn thiện dự án để đưa vào vận hành thử toàn tuyến trong tháng 9-2018.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang được khẩn trương hoàn thiện. Ảnh: Huy Hùng


Áp dụng công nghệ tiên tiến

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GT-VT), đến nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành khoảng 96% khối lượng xây lắp (chưa bao gồm hạng mục thiết bị). Các hạng mục hoàn thiện kiến trúc nhà ga, khu depot vẫn tiếp tục được triển khai. Sau khi được xông điện, ngày 20-8-2018, tổng thầu đã vận hành thử đoàn tàu. Dự kiến từ ngày 20-9-2018 sẽ thực hiện căn chỉnh, chạy thử liên động toàn hệ thống (toàn bộ 11 hệ thống chuyên ngành thiết bị).

Ông Trương Thanh Tùng, Trưởng phòng Dự án 6, Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đường sắt Cát Linh - Hà Đông dùng công nghệ động cơ phân tán, gồm 8 động cơ được đặt ở khoang giữa đoàn tàu. Tiêu chuẩn công nghệ của dự án này bảo đảm việc kết nối với các mạng lưới đường sắt đô thị khác của Hà Nội trong tương lai. Về mức độ tự động hóa, tiêu chuẩn thế giới chia làm 5 mức (mức 5 là tự động hóa hoàn toàn). Trong đó, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được thiết kế với mức 2,5 (tiệm cận mức 3, có chế độ người lái tàu). Theo đó, dựa trên các thông tin tín hiệu thu, phát tự động, trung tâm chỉ huy sẽ tự động ra lệnh cho đoàn tàu vận hành ở tốc độ tối đa và tối thiểu.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ thông tin, tín hiệu tự động theo tiêu chuẩn châu Âu. Tàu được thiết kế tốc độ tối đa 80km/giờ, nhưng khoảng cách giữa các ga chỉ 1-2km, đủ để tàu vừa tăng lên tốc độ cao lại phải giảm xuống để dừng đón, trả khách tại ga. Vì thế, tốc độ khai thác bình quân là 35km/giờ. Đây cũng là mức tốc độ chung của các tuyến đường sắt đô thị tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Pháp, Đức, Nhật Bản...

Dự kiến, việc vận hành thử sẽ diễn ra trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, nhằm căn chỉnh các hệ thống kỹ thuật phục vụ chạy tàu, bảo đảm hệ thống vận hành ổn định, an toàn trước khi chính thức phục vụ hành khách đi lại.

Thuận tiện cho hành khách tiếp cận

Cùng thời điểm Ban Quản lý dự án đường sắt, Tổng thầu EPC Trung Quốc khẩn trương hoàn tất các công đoạn cuối cùng để hoàn thiện dự án, thì các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cũng đang tập trung triển khai việc chuẩn bị nhằm sẵn sàng tiếp nhận quản lý và vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội cho biết, nhân sự vận hành của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là 681 người (chưa bao gồm nhân viên bảo vệ, vệ sinh...); trong đó có 201 người được đào tạo tại Trung Quốc (đã có chứng chỉ). Tuyến đường sắt đô thị này có đầy đủ tiện ích cho hành khách, vé đi tàu là vé điện tử, đáp ứng quy định của UBND TP Hà Nội về khung tiêu chuẩn công nghệ thẻ vé điện tử đường sắt đô thị.

TP Hà Nội đang tính toán các mức giá vé theo hướng tỷ lệ với khoảng cách đi lại. Trong các phương án được nghiên cứu, Hà Nội đề xuất phương án vé lượt trung bình (áp dụng cho cự ly 5,3km) với thẻ thanh toán là 10.180 đồng/lượt; vé tháng là 163.000 đồng/vé. Mức giá này được nhận định là nằm trong khả năng chi trả của người dân. Trước mắt, Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội đề xuất miễn phí cho toàn bộ hành khách từ 15 đến 30 ngày đầu. Đồng thời, công ty đề xuất áp dụng giảm 20% giá vé tháng cho hành khách đang sử dụng vé tháng của hệ thống xe buýt (tại thời điểm mua vé tháng sử dụng hệ thống đường sắt đô thị).

Đề cập tới phương án kết nối mạng lưới xe buýt khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GT-VT Hà Nội) nhận định, dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có số tuyến buýt rất lớn (34 tuyến, chiếm khoảng 30% số lượng tuyến buýt của toàn mạng lưới). Tuy nhiên, để phát huy năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt đô thị, ngoài lượng hành khách xung quanh hành lang tuyến, cần thu hút thêm hành khách ở các khu vực khác ngoài bán kính 500m tính từ các nhà ga sử dụng. Việc này đòi hỏi cần có hệ thống xe buýt hỗ trợ trung chuyển cung cấp và giải tỏa hành khách cho tuyến.

Hiện Trung tâm đang nghiên cứu thực hiện theo 2 giai đoạn nhằm hạn chế xáo trộn quá lớn thói quen đi lại của người dân trong thời gian đầu. Cụ thể, giai đoạn đầu (khi tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào khai thác) sẽ điều chỉnh giảm 50% lượt xe của 5 tuyến buýt có tỷ lệ trùng tuyến cao với tuyến đường sắt đô thị, gồm các tuyến 01, 02, 21A, 27 và điều chỉnh lộ trình tuyến 33 mở rộng vùng phục vụ ra các khu đô thị, khu dân cư khác, hoặc cắt bỏ đoạn lộ trình trùng với tuyến đường sắt đô thị nhưng vẫn bảo đảm kết nối với các khu dân cư. Giai đoạn hai, thực hiện vào tháng 6-2019.

Để mạng lưới vận tải hành khách phát huy hiệu quả, Trung tâm kiến nghị Sở GT-VT Hà Nội chủ trì, làm việc với các đơn vị vận hành xe buýt thống nhất phương án điều chỉnh; các bộ phận chức năng liên quan khảo sát, nghiên cứu phương án tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt trên trục đường Nguyễn Trãi nhằm cải thiện khả năng vận hành của các tuyến buýt kết nối...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Sẵn sàng vận hành hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.