Những tưởng sau “án điểm” của trọng tài (TT) Ngô Quốc Hưng ở vòng trước, tuần này V-League sẽ diễn ra tương đối êm ả, nhưng cuối cùng thì 3 trên tổng số 7 sân bóng ở cuối tuần vừa qua lại vẫn gợn lên điều tiếng xung quanh công tác TT, mà cả 3 vụ việc này đều là những bằng chứng sống động để giải thích cho chuyện tại sao vòng nào sân cỏ V-League cũng nổi sóng vì quyết định của TT.
TT Nguyễn Quốc Hùng bị đuổi trên sân Khánh Hòa. |
Vụ việc các cầu thủ HN.ACB nổi khùng lên và đòi đuổi đánh TT Nguyễn Quốc Hùng hay hậu vệ Quốc Long (HN.T&T) suýt nữa lao vào ăn thua đủ với TT Đỗ Quốc Hoài (trận TĐCS.ĐT-HN.T&T nếu các đồng đội không kịp thời can ngăn) chính là hình ảnh tiêu biểu cho cách xử sự phi luật và thiếu hiểu biết của một bộ phận không nhỏ cầu thủ VN. Cũng vì không ít cầu thủ luôn chọn cách hành xử theo lối bạo lực thế này nên không ít TT đã mang sẵn tâm lý dùng thẻ để dằn mặt những cái đầu nóng, và từ đó làm trận đấu vỡ vụn vì thẻ phạt.
Tuy thế, vụ TT FIFA Phùng Đình Dũng “lơ đãng” cho trận Thanh Hoá-SHB.ĐN tiếp tục trở lại mà không phát hiện thấy thủ môn Mạnh Dũng của Thanh Hoá chưa xỏ găng trở lại là bằng chứng cho thấy không phải ngẫu nhiên mà các cầu thủ đôi lúc lại có phản ứng một cách manh động đến khó hiểu trước những quyết định bất lợi của TT. Thì đấy, Thanh Hoá được đá trên sân nhà, CĐV cũng có tiếng là “gấu”, thế mà TT còn xử lý như vậy thì những lời tố cáo của Thanh Hoá rằng hay bị xử ép khi đá trên sân khách hẳn cũng không phải là vô căn cứ.
Bóng đá là một cuộc chơi mà ở đó cầu thủ và TT đều có vai trò quan trọng như nhau, cho dù nhiệm vụ của họ có thể không giống nhau, nên rõ ràng khi phát sinh sự cố thì không bao giờ chỉ là lỗi của một bên, còn bên kia hoàn toàn vô can. Bởi thế, người xưa vẫn hay nói: “Không có lửa thì sao có khói” đấy thôi, không biết HĐTT QG và các vị TT có nghiệm ra được điều gì từ câu thành ngữ này không?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.