Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đốt rơm rạ: Gây ô nhiễm, mất an toàn

Nguyễn Mai| 15/06/2019 07:34

(HNM) - Hà Nội đang trong vụ gặt và nhiều hộ dân tái diễn việc đốt rơm rạ ngay trên ruộng. Hành động này gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông...

Hai bên đường nối từ Điểm công nghiệp làng nghề xã Liên Hà đến chợ Gối xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) là đồng ruộng, những ngày qua, người dân đốt rơm rất nhiều. Ông Nguyễn Văn Thường (người dân xã Liên Hà) cho biết: Nắng nóng kèm theo khói rơm mù mịt khiến bầu không khí trong vùng thêm oi bức, khó chịu; nghiêm trọng nhất làm giảm tầm nhìn của người tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ...

Đốt rơm gây ô nhiễm trên cánh đồng thuộc địa phận thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ).


Không riêng huyện Đan Phượng, tình trạng này phổ biến ở ngoại thành Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Phương ở thôn Võng Ngoại (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) cho hay: "Gia đình thu hoạch 2 sào lúa, có máy gặt đập ngay tại ruộng, chỉ chở thóc về, còn rơm bỏ lại, chờ cho khô rồi đốt. Ngày xưa chúng tôi thường lấy rơm về để đun và cho trâu bò ăn, nhưng hiện nay không sử dụng nữa"...

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, rất nhiều trong số đó bị người dân đốt bỏ trên cánh đồng. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết: “Quá trình đốt rơm rạ làm phát sinh khí thải CO2, CO, NOx vào môi trường. Không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho Thủ đô. Thực tế, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố những tuần gần đây có dấu hiệu suy giảm do nồng độ bụi mịn tăng cao đột biến”.

Theo bác sĩ Bạch Thị Nhớ, công tác tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an): Khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích ở họng, hít khói rơm nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến đường hô hấp. Ngoài ra, quá trình đốt rơm ngoài trời còn gây khói mù, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông...

Trước tác hại của việc đốt rơm rạ, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng đốt rơm rạ vào năm 2020. “Sở Tài nguyên và Môi trường vừa tập huấn cho gần 1.000 nông dân, cán bộ phụ trách môi trường của 6 huyện về tác hại của việc đốt rơm rạ và các giải pháp hạn chế; đồng thời hỗ trợ nông dân sử dụng chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ. Một số huyện: Đông Anh, Ba Vì cũng đã phối hợp với doanh nghiệp thu mua rơm cho nông dân để làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm...” - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết...

Tuy vậy, quá trình triển khai còn một số khó khăn. Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ Lê Anh Chiến: Hiểu rõ việc đốt rơm rạ không tốt cho môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhưng do chưa biết sử dụng vào việc gì nên người dân chỉ biết đốt bỏ. Trong khi đó, Nhà nước chưa có các quy định, chế tài cụ thể đối với việc đốt rơm rạ, nên chính quyền địa phương khó xử lý.

Cùng nỗi trăn trở, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai Nguyễn Doãn Tâm cho biết thêm: Kinh phí hỗ trợ người dân sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ tại ruộng từ nguồn ngân sách thành phố rất ít. Năm 2019, nông dân được hỗ trợ 10% kinh phí mua chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ. Theo lộ trình, từ năm 2020 trở đi, thành phố sẽ không hỗ trợ nữa, các hộ phải tự chi phí trong xử lý rơm rạ. Việc hỗ trợ ít hoặc dừng hỗ trợ này rất có thể khiến nhiều hộ dân không chú trọng việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ tại ruộng...

Để tiến tới đẩy lùi việc đốt rơm rạ, rất cần sự chung tay của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và nông dân. Đặc biệt, các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong cảnh báo tác hại của đốt rơm rạ; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua rơm; có chế tài xử lý đối với việc đốt rơm; các hộ dân cần chủ động xử lý rơm rạ làm phân bón ruộng... Khi rơm rạ trở thành sản phẩm hữu ích, việc đốt rơm rạ sẽ bị đẩy lùi để vụ gặt không còn là vụ... khói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đốt rơm rạ: Gây ô nhiễm, mất an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.