(HNM) - Những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn Hà Nội có diễn biến phức tạp. Để cải thiện tình hình, giảm vi phạm thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức là bước đi đột phá và khả thi nhất…
Vi phạm ngày càng phức tạp
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP Hà Nội, vi phạm pháp luật về môi trường ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làng nghề đang diễn ra rất đa dạng và phức tạp. Nổi lên ở khu vực ven sông là các hoạt động khai thác khoáng sản với hàng trăm vi phạm được phát hiện mỗi năm. Trong 11 tháng năm 2016, Công an đã phát hiện 256 vụ vi phạm trong lĩnh vực này… Diễn ra lặng lẽ hơn là tình trạng buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, buôn bán, sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi.
Vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các trang trại, cơ sở giết mổ, các làng nghề cũng diễn ra khá phổ biến. Từ đầu năm đến nay, Công an Hà Nội đã phát hiện 2.734 vụ vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm - thú y… Hậu quả trước mắt là sản phẩm nông nghiệp của nhiều vùng dần mất uy tín, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân. Lâu dài hơn, ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, môi trường sản xuất, kéo theo những bất ổn trong an ninh trật tự…
Trong bối cảnh đó thì điều đáng nói là vấn đề môi trường còn ít được chính quyền và người dân quan tâm. Nhiều cấp ủy, chính quyền chỉ biết các thông tin về ô nhiễm môi trường khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý hoặc ô nhiễm đến mức gây bức xúc lớn trong dân cư. Điều này cho thấy rõ lực lượng cán bộ làm công tác môi trường ở các cấp còn thiếu và yếu. Người dân quá chú trọng vào sản xuất sinh lời mà quên đi mối nguy hại lâu dài có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và công việc của mình.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường thiếu tính sáng tạo, chưa phong phú về nội dung, có nơi chỉ mang tính hình thức, chưa thường xuyên, chưa gắn với các hoạt động cộng đồng đặc thù ở khu vực nông thôn…
Nhờ hiệu quả của công tác tuyên truyền, đường làng ngõ xóm làng nghề tăm hương xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa đã phong quang sạch đẹp. Ảnh: Bá Hoạt |
Sáng kiến về công tác tuyên truyền
Nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở các làng nghề trên địa bàn Hà Nội có một phần trách nhiệm của lực lượng Công an. Cụ thể như hạn chế về lực lượng, cơ cấu tổ chức chưa bắt kịp diễn biến thực tế. Một ví dụ như việc kiêm nhiệm của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường ở cấp huyện tất yếu dẫn đến những hạn chế như không bao quát tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực pháp luật về bảo vệ môi trường, chưa kịp thời xử lý vi phạm pháp luật về môi trường ở khu vực nông thôn rộng lớn của Hà Nội.
Trước thực trạng đó, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, nêu rõ tác hại trước mắt và lâu dài của vi phạm trong lĩnh vực môi trường ở nông thôn là việc cần làm ngay. Nhiệm vụ này cũng sẽ có tính khả thi cao khi huy động được hệ thống đoàn thể tại cơ sở, có sự phối hợp của các tổ chức tôn giáo, dòng họ… cùng tham gia. Một trong những sáng kiến được Công an thành phố bắt đầu triển khai là mời sự vào cuộc của MTTQ thành phố và các tổ chức tôn giáo, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc).
Với sáng kiến này, cơ quan Công an hy vọng các chức sắc tôn giáo cũng như cán bộ Mặt trận ở cơ sở sẽ là những tuyên truyền viên hiệu quả về việc bảo vệ môi trường nói chung, ngăn ngừa vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói riêng…
Khu vực nông thôn đang chuyển mình rất mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong sự chuyển mình đó, vấn đề môi trường thực sự là một thách thức, có thể đe dọa sự phát triển bền vững về mọi mặt, dẫn đến những tiềm ẩn mất ổn định về an ninh nông thôn. Nâng cao nhận thức về môi trường cũng như củng cố các giá trị văn hóa tốt đẹp của khu vực này chính là bước đặt nền móng cho phát triển và bảo đảm an ninh nông thôn. Vì vậy, tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường cần một bước khởi động bài bản để triển khai một cách dài lâu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.