(HNM) - Ngày 23-8 đã đi vào lịch sử quan hệ Anh - Iran, khi đại sứ quán ở thủ đô của mỗi nước chính thức được mở cửa trở lại sau gần 4 năm. Cùng với những bước tiến trong quan hệ của Iran với các nước phương Tây - sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký hồi tháng 7 vừa qua
Đại sứ quán Anh ở thủ đô Tehran mở cửa trở lại từ ngày 23-8 vừa qua. |
Quan hệ Anh - Iran đã trải qua không ít thăng trầm trong lịch sử hiện đại. Sau nhiều biến động lịch sử, quan hệ hai nước được nối lại phần nào vào năm 1990 và nâng lên cấp đại sứ vào năm 1999. Tuy nhiên, một thập kỷ sau đó, căng thẳng quốc tế gia tăng về chương trình hạt nhân của Iran đã phủ bóng u ám lên quan hệ giữa hai quốc gia. Đặc biệt, vào năm 2011, quan hệ hai nước rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng sau vụ Đại sứ quán Anh và khu nhà ở của nhân viên ngoại giao nước này ở thủ đô Tehran bị một nhóm quá khích đập phá, dẫn đến việc London rút toàn bộ đoàn ngoại giao tại Iran; đồng thời yêu cầu Tehran có quyết định tương tự. Tháng 8-2013, khi Iran có Tổng thống mới là ông Hassan Rouhani, quan hệ hai nước bắt đầu có dấu hiệu cải thiện. Cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Iran Hassan Rouhani diễn ra tháng 11-2013 đánh dấu cuộc liên lạc trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hai nước trong vòng một thập kỷ. Tiếp theo, ngày 20-2-2014, Vương quốc Anh và Iran đã thiết lập lại liên lạc ngoại giao trực tiếp ở cấp Đại biện không thường trú, thay vì phải qua nước trung gian thứ ba. Đến tháng 9-2014, Thủ tướng D. Cameron có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống H. Rouhani tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Trong cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Anh và Tổng thống Iran (kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979), hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tìm cách cải thiện quan hệ song phương.
Có thể thấy, thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa Nhóm P5+1 (5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran ngày 14-7-2015 đã trở thành "lực hấp dẫn" giúp hai bên vượt qua những trở ngại. Sau nhiều năm chịu các lệnh trừng phạt vì chương trình hạt nhân, Iran đang "khát" trên nhiều lĩnh vực và vì thế, nhiều nước Châu Âu đã nhanh chóng thúc đẩy quan hệ kinh tế, chính trị với Iran trong thời gian qua. Mặc dù sẽ phải mất nhiều tháng nữa các lệnh trừng phạt Iran mới bắt đầu được dỡ bỏ, song với Anh cũng như các nước phương Tây, đây thực sự là một thị trường đáng quan tâm. Với diện tích rộng gấp 2,5 lần bang Texas (Mỹ), dân số khoảng 80 triệu người nhưng Iran là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về trữ lượng dầu mỏ và thứ 2 thế giới về trữ lượng khí đốt tự nhiên. Theo dự báo của Cơ quan tình báo kinh tế (EIU) có trụ sở tại London, tốc độ tăng trưởng của Iran sẽ đạt 5,2% trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2019, so với mức 2% trong năm nay. Iran, hiện là nền kinh tế lớn thứ 29 trên thế giới, sẽ vươn lên vị trí thứ 22 vào năm 2020, trên cả Thụy Sĩ, Argentina hay Thái Lan… khi các lệnh trừng phạt dần được dỡ bỏ. Trong bối cảnh đó, Anh không thể chậm chân hơn trong "cuộc đua" giành thị phần tại quốc gia Vùng Vịnh này. Sự kiện mở lại đại sứ quán tại mỗi nước cho thấy ý chí chính trị dựa trên nền tảng địa - kinh tế của cả hai bên để không bỏ qua những cơ hội mới. Không chỉ đẩy mạnh hợp tác kinh tế, Iran còn "là một phần của giải pháp" trong cuộc chiến chống lực lượng thánh chiến thuộc nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Việc Anh - Iran khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ được cho sẽ tạo xung lực mới cho nỗ lực quốc tế chống "bóng ma" khủng bố IS.
Với sự mở lại đại sứ quán tại Tehran, chuyến thăm Iran của Ngoại trưởng Anh Philip Hammond trong dịp này còn là sự kiện đánh dấu một Ngoại trưởng phương Tây đầu tiên đến thăm Iran kể từ năm 2003. Phát biểu nhân sự kiện trọng đại này, Ngoại trưởng Hammond nhấn mạnh, thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 vừa qua và cuộc bầu cử đưa ông H. Rouhani lên làm Tổng thống - người đã cam kết sẽ "hòa nhập" nhiều hơn với phương Tây - là cột mốc quan trọng trên con đường cải thiện quan hệ Anh - Iran.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.