Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dòng tinh hoa bất tận

Hồ Quang Lợi| 19/09/2012 07:11

(HNM) -  Tình yêu Hà Nội nơi Vũ Khiêu còn bộc lộ qua những tuyệt bút ông viết về các danh nhân chốn địa linh này. Dịch giả của tiểu thuyết Rừng thẳm tuyết dày (Khúc Ba, Trung Quốc) còn làm thơ, dịch thơ tiếng Việt, Trung, Pháp điêu luyện…

4. Tình yêu Hà Nội nơi Vũ Khiêu còn bộc lộ qua những tuyệt bút ông viết về các danh nhân chốn địa linh này. Dịch giả của tiểu thuyết Rừng thẳm tuyết dày (Khúc Ba, Trung Quốc) còn làm thơ, dịch thơ tiếng Việt, Trung, Pháp điêu luyện… Tài hoa ấy, ông dồn vào phân tích những gương mặt trí thức nổi tiếng của lịch sử Việt Nam thời phong kiến qua những kiến giải độc đáo về số phận - biến cố - sáng tạo, vinh quang và bi kịch của họ trong bối cảnh xã hội mỗi thời. Trong đó, tác phẩm viết về hai thi hào lừng danh đất Thăng Long: Nguyễn Trãi (quê Thường Tín), Cao Bá Quát (quê Núi Thị, Gia Lâm) đạt đến độ “thần nhãn” khi phát hiện và lột tả vai trò trí thức - thi sĩ của họ trong vận động thế cuộc. Những dòng văn giàu kiến thức và xúc cảm của Vũ Khiêu thể hiện qua sinh ngữ uyển chuyển, ấn tượng khiến người đọc càng trọng bậc tiền nhân mà tự hào về bề dày văn hiến của Thăng Long. Từ đấy, chúng ta thấy càng trân trọng và có trách nhiệm với nền văn hiến ngàn năm của dân tộc, trách nhiệm của con Rồng cháu Tiên với non sông gấm vóc này.

Yếu nhân thành lập ngành mỹ học Việt Nam đã viết một cuốn sách từng gây tranh cãi khi mới ra đời. Đẹp (1963) với những quan điểm mỹ học nhìn qua triết học biện chứng được viết tình tứ thế này: “Đẹp ơi ! Em là gì mà bao người tìm em chẳng thấy? Bởi vì em sống giữa cõi đời, nên nhiều người đã từng có diễm phúc gặp em. Trong lịch sử loài người đã diễn ra những cuộc tranh cãi vô tận về em. Cái đẹp là một phạm trù có tính nhân loại. Đẹp chính từ sáng tạo của con người. Tài năng của con người là cái đẹp nhất trong mọi cái đẹp”.


GS Vũ Khiêu (bên phải) và nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh - người nổi tiếng với nhiều tác phẩm ảnh đen trắng về Hà Nội.Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Đẹp đang tái bản và sắp ra mắt sau 50 năm được viết ra, sau nửa thế kỷ mà không hề lạc hậu. Những đúc kết và ý tưởng mang tầm thời đại, không lệ thuộc vào một hoàn cảnh xã hội cụ thể bao giờ cũng có sức sống trường tồn.

Tinh thần về cái Đẹp như thế được nhà văn hóa Vũ Khiêu truyền phổ trong quá trình giảng dạy, sáng tác của mình. Từ năm 1947 đến 1954, ở chiến khu Việt Bắc, ông đã phụ trách tuyên huấn kiêm Giám đốc Ty Thông tin - Văn nghệ Liên khu 10 và Liên khu Việt Bắc, ủy viên Ban Tuyên huấn của Mặt trận tại các chiến dịch Trung du, Tây Bắc, Điện Biên, tiếp quản thị xã Lai Châu 1954. Giá trị Chân - Thiện - Mỹ “phát sáng” từ con người ông như có sẵn tính giáo dục thành tự nhiên. Ông chia sẻ với những người làm tuyên giáo Thủ đô: “Công tác tuyên giáo chính là công tác văn hóa. Tuyên giáo chính là từ gọi tắt của bốn lĩnh vực văn hóa của Đảng ta: tuyên truyền, văn nghệ, huấn học và giáo dục”.

Với ông, người tham gia biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, từ Văn hóa luôn cần được viết hoa và đặt ở thượng tầng xã hội mọi thời đại. Văn hóa ngự trị sẽ bảo vệ, sản sinh ra cái Đẹp. Văn hào Nga M.Gorki khẳng định: “Tổ quốc sẽ ít bị đe dọa hơn nếu có nhiều văn hóa hơn”. Văn hiến Thăng Long - Hà Nội chỉ được gìn giữ và phát huy khi những người có trách nhiệm lẫn các công dân Thủ đô biết nâng niu, phát triển. “Động mạch” linh khí Thủ đô chính là văn hiến”. “Văn là văn hóa. Hiến là con người tài năng” - ông viết. Trong cuốn “Hồ Chí Minh ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam” ra mắt tháng 5-2012, GS Vũ Khiêu dành phần quan trọng viết về Hồ Chí Minh với vấn đề văn hóa, con người, nghệ thuật và tôn giáo. GS nhận định “Văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa của tương lai”.

Bộ sách nhiều sức nặng “Văn hiến Thăng Long” (2.400 trang, 3 tập) sẽ in cuối năm nay chưa phải cuốn sách cuối của Vũ Khiêu.

5. Đến thăm ông dịp đầu Xuân Nhâm Thìn, chiều mùng 4 Tết, nhìn ông khai bút, tôi bất ngờ về bàn tay ông. Những ngón dài, mảnh ấm áp ấy khi cầm bút viết ra những chữ đẹp cả ý nghĩa lẫn hình thức, không hề run rẩy, đường nét bút lực của ông tốt lắm, theo mọi nghĩa. Tôi đã thấy chữ ký ông nhiều lần và khi trực tiếp thấy ông ký, hay đúng hơn là ngắm ông ký tên như thả bay nốt nhạc, chữ ký đẹp, nét thăng, sắc mà người trẻ cũng hiếm ai có nổi.

Ông ăn ít, trong khi bộ não làm việc gấp mấy người thường, mà vẫn bền bỉ những chuyến đi, những dự định, chắc nhờ được độ trì bởi cả siêu nhiên lẫn ngàn vạn linh hồn đã được ông quan tâm, những con người được ông chia sẻ. Vầng trán cao, mắt sâu rất sáng, dáng đi thanh khoát mà cao sang, nhẹ nhõm, GS Vũ Khiêu ung dung đến gần tuổi bách tuế vẫn nhiều dự định. Thú vị với ông là được gặp tâm giao, nhâm nhi vang đỏ, nói tiếng Pháp về văn chương nghệ thuật Pháp. Ông yêu chuộng văn hóa Pháp và muốn trở lại Paris, nơi có những người bạn Pháp và những kỷ niệm khó quên. Không lãng mạn, mà là sự thực, ông dự tính đi Pháp dự đám cưới cháu, hai cháu gái nội du học bên đó. Ông muốn cùng tôi đọc lại thơ G.Apollinaire trên cầu Mirabeau, ngắm dòng Seine chảy qua kinh đô ánh sáng.

Các nền văn minh, văn hóa lớn luôn ở bên các dòng sông. Hà Nội - Thành phố cây hồ bên sông Hồng sắp đến rằm tháng Tám, kỳ trăng đẹp nhất, trăng chỉ phô vẻ đẹp tuyệt vời khi có không gian lớn, có biển bạc, hồ trong. Vũ Khiêu là học giả đầu tiên nghiên cứu kỹ về Cao Bá Quát, trong đó những đoạn ông viết về trăng trong thơ “thánh Quát” liên hệ với bài thơ Đường Bá tử vấn nguyệt của Lý Bạch đầy mỹ cảm: “Trăng đã cùng Cao Bá Quát thức suốt đêm nhìn nhau chẳng nói. Có khi Quát nhìn trăng, trăng cũng như hiểu mình. Có lúc mình long đong như con ngựa mỏi trên đường dài, nhìn trăng, thấy trăng cũng cô đơn như mình giữa bầu trời lạnh. Có lúc trăng thông cảm với tấm lòng trong trắng của con người và người cũng thương cho trăng đêm đêm cứ soi hoài trên dòng bạc. Có lúc trăng là nơi hẹn hò của những tâm hồn thương nhớ. Ông muốn đem động Tiên Lữ về đặt giữa hồ Tây. Muốn núi đồi kia bừng nở rừng mai trắng”. (1970).

Tuổi trẻ dành cho đấu tranh cách mạng, cả cuộc đời luôn lo lắng cho Tổ quốc, đồng bào, GS coi nhân dân là đối tượng hướng đến của sáng tạo.

GS Vũ Khiêu đã dành phần lớn thời gian gắn bó, cống hiến cho Thăng Long - Hà Nội, trung tâm của văn minh sông Hồng - Thăng Long hiến tạo ngàn năm, nơi các thế hệ trí sĩ, văn nhân từ bốn phương quần hội. Lịch sử vô tận mà đời người hữu hạn. Những con người lỗi lạc, có dấu ấn mạnh, nổi tiếng trong lĩnh vực của mình, với cống hiến ý nghĩa, là góp phần quan trọng vào dòng chảy lịch sử, bồi tụ tinh thần phù sa của đất thiêng này. Sinh ra và thơ ấu ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định, rồi học tiếp ở Thái Thụy, tới trường Bonnal Hải Phòng (là đồng môn học sau nhà thơ - đạo diễn Thế Lữ và lớp trước của nhà văn Nguyễn Đình Thi), ra Hà Nội làm gia sư năm 17 tuổi, bôn ba theo cách mạng tới năm 1954 mới về hẳn Thủ đô, GS Vũ Khiêu là một niềm hãnh diện, tự hào của người Hà Nội thế kỷ XX, XXI. Chất Hà Nội nằm trong ông tự nhiên bởi phong cách lịch duyệt, tao nhân. Với Vũ Khiêu: “Văn hóa người Hà Nội là tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. Trong đời sống, đó là biểu hiện của hành vi, cử chỉ lịch sự, tâm hồn tinh tế, hào hoa; trong văn hóa là sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống Á Đông và chọn lọc văn minh Pháp”.

6. GS Vũ Khiêu có cuốn sách “Anh hùng và nghệ sĩ” (1970). Chính con người ông cũng hội tụ hai phẩm chất cao quý này. Dòng dòng tinh anh vẫn “phún xuất” từ bộ não chưa mệt mỏi, từ vóc dáng thi thư chứa tư tưởng, tâm hồn lớn. Vũ Khiêu yêu lịch sử và bản thân ông đã góp phần đắp bồi cho lịch sử. Dòng sông Hồng chảy bên thành phố ngàn năm, trong thủy lưu chứa thần khí hào kiệt, anh hùng, giai nhân, chí sĩ; trong chuyển động có sự sống của những thế hệ người qua bao nhiêu thế kỷ.

Dòng chảy ấy không ngừng trôi, GS Vũ Khiêu ngắm dòng sông Hồng mà nghĩ về năm tháng. Thời trẻ, ông đã đi tàu thủy trên sông Hồng từ Hà Nội về Nam Định, luôn ngồi lên boong phía đầu tàu mà ngắm cảnh, ngẫm nghĩ. Con tàu thời gian không trở lại, nó chỉ khứ hồi trong ký ức và ước vọng của ai tiếc nuối. Những sứ điệp đẹp nhất chuyển giao, nối tiếp, nhân bồi không gian, thời gian, qua dòng lịch sử, văn hóa. Có những con người như ông, văn hóa Hà Nội, Việt Nam càng thêm vững chãi thăng hoa bằng sự tụ sinh tinh hoa các miền, thiêng liêng mà gần gũi. Tôi là một hậu bối nhỏ bé trước ông, một bậc thầy của Văn hóa và cái Đẹp mà ông vẫn trên hành trình gieo truyền, cống hiến dường như không muốn dừng, tưởng chừng không thể hết.

Tôi cũng theo hành trình người trí thức cộng sản duy mỹ ấy khi đọc lại tác phẩm Đẹp của ông: “Nghệ thuật chính là cái cầu kết bằng hoa dẫn ta đến cái đẹp của cuộc sống nghệ thuật, nâng tâm hồn ta lên đỉnh cao nhất của tâm hồn. Nghệ thuật hòa tình cảm ta vào tình cảm tốt đẹp nhất của thời đại. Hãy đến với cái đẹp của nghệ thuật, đến với nghệ thuật. Nhưng không thể đến trong một ngày. Tốt nhất là đến như một người trong cuộc, muốn hiểu được sâu sắc cái đẹp, phải gia nhập vào bản thân cuộc sống nghệ thuật… Ta đã trên các ngả đường đi tìm cái Đẹp. Bạn sẽ trọn đời chung sống với cái Đẹp hay nửa chừng bỏ Đẹp ra đi. Đẹp sẽ không bao giờ phụ ta nghĩa là ta không bao giờ phụ Đẹp. Đẹp sẽ cùng ta mãi mãi trong ngọn lửa nhiệt tình lao động, trong hạnh phúc của đồng bào, chiến đấu cho sự toàn vẹn của Tổ quốc và hòa bình của loài người. Đẹp sẽ cùng ta ở mọi ngả đường, ở mỗi lời nói việc làm, mỗi tâm tư thầm kín. Đẹp sẽ cùng ta trong tiếng hát lời thơ, ở cung đàn điệu múa ca ngợi những con người quang vinh và cuộc sống muôn màu, cuộc sống ngày một đổi mới và Đẹp cũng luôn chuyển biến để cùng cuộc sống đi lên. Không phải đẹp phụ ta khi Đẹp tiến về phía trước. Chính là ta phụ Đẹp nếu ta rớt lại đằng sau. Với điều kiện đó, cái đẹp tuyệt vời sẽ ở cùng ta. Tôi chúc bạn sẽ làm người tình trọn đời xứng đáng của Đẹp!”.

Điều GS Vũ Khiêu luôn tự hào không phải là sự nghiệp chói sáng, công trình khoa học, những bộ sách giá trị, những danh vọng đỉnh cao. Ông sống thanh bạch, giản dị, cương trực mà rất giàu tình cảm. Ông không bao giờ để vật chất và tham vọng có một chút gợn trong ý nghĩ. Ông coi văn hóa và tình bạn hữu, yêu thương là vô giá. Vũ Khiêu hãnh diện nhất là có nhiều bạn, là một “triệu phú” của tình bạn. Chất nghệ sĩ của ông trong tâm hồn, lối sống cũng là một sức hút mạnh cho nhiều nghệ sĩ bậc thầy, danh tiếng trong nước và quốc tế muốn làm bạn và đã là bạn của ông. Bạn không nệ tuổi. Những ai được gần gũi, là bạn của ông, là con cháu ông, là hậu bối của ông đều tự hào và tin tưởng, coi ông như một chỗ dựa lớn về tinh thần. Những nhà lãnh đạo, những người làm công tác văn hóa của thành phố văn hiến này cũng luôn coi trí giả đáng kính Vũ Khiêu là cố vấn đặc biệt, kiến giải nhiều vấn đề trong đời sống văn hóa, tinh thần của Thủ đô đương đại.

Thủ đô sẽ bảo tồn được những vẻ đẹp vốn có và đẹp hơn nếu mỗi công dân biết sống bằng tinh thần đẹp, vì cái đẹp cho một biểu tượng lớn: Hà Nội yêu thương. Trong những hệ biểu tượng vẫn phát sáng ấy, trong dòng chảy vô tận ấy, có những con người mà toàn bộ thể phách tinh thần và tài năng đã quyện vào hồn thành phố cổ đang đổi mới, vào vận nước đang vươn tới. Họ nuôi dưỡng dòng tinh hoa bất tận! Vũ Khiêu là một trong những con người như vậy. Hà Nội thời đại này may mắn có một công dân kiệt xuất: Vũ Khiêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dòng tinh hoa bất tận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.