Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đông Nam Bộ chờ những cây cầu

An Tôn| 08/03/2023 16:28

(HNMO) – Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai là 2 địa phương phát triển công nghiệp lớn nhất của Đông Nam Bộ và cả nước. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông liên tỉnh còn thiếu và yếu, nhất là hệ thống cầu qua sông.

Cầu Long Thành trên tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn ứ phương tiện. Ảnh: An Tôn.

Mới có 2/5 cầu theo quy hoạch

Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai có chung 40km sông lớn. Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050, giữa hai địa phương có 5 cây cầu, gồm cầu Đồng Nai, cầu Long Thành, cầu Nhơn Trạch, cầu Cát Lái và cầu Phước Khánh, tổng quy mô 30 làn xe. Đến đầu năm 2023, mới có 2 cây cầu hoạt động là cầu Đồng Nai và cầu Long Thành. Cùng với đó, còn có phà Cát Lái. Tuy nhiên, tất cả đang quá tải. 

Cầu Đồng Nai cũng luôn có lượng lớn xe cộ qua lại. Ảnh: Sở Giao thông - Vận tải Đồng Nai.

Số liệu do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai công bố cuối tháng 1-2023 cho thấy, cầu Đồng Nai trên quốc lộ 1 với quy mô 8 làn xe, năng lực thiết kế là 96.000 PCU/ngày đêm, nhưng đang khai thác với lưu lượng 216.000 PCU/ngày đêm (PCU là hệ số quy đổi các phương tiện giao thông đường bộ sang đơn vị xe con tiêu chuẩn).

Còn cầu Long Thành trên cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có quy mô 4 làn xe, năng lực thiết kế 48.000 PCU/ngày đêm nhưng lưu lượng hiện tại lên đến 65.000 PCU/ngày đêm, quá tải trầm trọng. Phà Cát Lái cũng trong tình cảnh thường xuyên bị ùn ứ phương tiện. Vào những ngày nghỉ, xe ô tô phải đợi nhiều giờ đồng hồ mới có thể qua phà.

Hơn 20 năm qua, hai địa phương đã ấp ủ kế hoạch xây dựng cầu Cát Lái vượt sông Lòng Tàu thay cho phà Cát Lái. Tuy nhiên, đến tháng 3-2023, hai địa phương vẫn chưa thể thống nhất được phương án hướng tuyến của cây cầu, dù đã có tới 4 phương án được đưa ra bàn thảo. 

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai Lê Quang Bình cho biết, Sở đã 3 lần gửi hồ sơ xin ý kiến, tổ chức 5 cuộc họp; đề xuất 4 phương án xây cầu Cát Lái với Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch UBND hai địa phương cũng đã 1 lần họp trực tiếp để bàn về dự án, nhưng chưa đi đến thống nhất.

Tỉnh Đồng Nai đề xuất 5 phương án xây cầu Cát Lái. Ảnh: Sở Giao thông – Vận tải Đồng Nai.

Với dự án này, thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn về mặt bằng và vốn đầu tư xây dựng. Nếu bờ phía Nhơn Trạch (Đồng Nai) còn rất nhiều quỹ đất dành cho dự án thì phía bờ thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống cảng Cát Lái đồ sộ (cảng container chiếm hơn 48% lượng hàng container tại Việt Nam) cùng nhiều dự án, công trình khác tại huyện Nhà Bè và quận 7 đã án ngữ lâu nay, rất khó tìm được hướng tuyến phù hợp.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, cuối năm 2022, Sở đã có văn bản đề xuất tỉnh Đồng Nai xem xét, chấp thuận giảm quy mô cầu Cát Lái từ 8 làn xe xuống 6 làn xe để phù hợp khả năng giải phóng mặt bằng đường dẫn phía thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, lùi thời gian thực hiện dự án đến sau năm 2030, để phù hợp với lộ trình di dời, sắp xếp cảng biển tại thành phố Hồ Chí Minh và kết nối hiệu quả với các dự án đường bộ trong khu vực sắp hình thành.

Những hy vọng mới

Giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai còn 1 cây cầu lớn đang xây dựng là cầu Phước Khánh vượt sông Lòng Tàu tại huyện Cần Giờ của thành phố Hồ Chí Minh nối sang huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai. Đây là cây cầu lớn có tĩnh không cao nhất Việt Nam (55m), thuộc dự án cao tốc Bến Lức (Long An) – Long Thành (Đồng Nai) do Tổng Công ty Đầu tư, phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC thuộc Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. 

Cầu Phước Khánh sắp tái xây dựng. Ảnh: Huy Hùng.

Cầu có quy mô dài hơn 2km, rộng hơn 22m, bố trí 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Cầu được khởi công đầu năm 2016, nhưng đã tạm ngừng thi công vào năm 2020, sau khi đã hoàn tất 87% khối lượng xây dựng. Theo VEC, nguyên nhân là do dự án có vướng mắc trong việc bố trí vốn và gia hạn hiệp định vay với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA - nhà tài trợ). Hiện cầu Phước Khánh cần khoảng 750 tỷ đồng để hoàn thành.

Đầu năm 2023, một số tín hiệu vui trong hiện thực hóa những cây cầu nối thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện. Cụ thể, VEC đã đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép được sử dụng nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay (về nguyên tắc đây vẫn là ngân sách nhà nước) để thi công khối lượng còn lại và đền bù thiệt hại cho các nhà thầu chấm dứt hợp đồng trong 11 gói thầu thuộc Dự án Cao tốc Bến Lức – Long Thành, bao gồm cả gói thầu xây dựng cầu Phước Khánh. 

Hiện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư thuộc Bộ Giao thông Vận tải) đang thi công dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch (thuộc tỉnh Đồng Nai), trong đó, có cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, nối huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai với thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh). Đây là đoạn tuyến thuộc dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh.

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch đang được xây dựng.

Cầu Nhơn Trạch có thiết kế rộng 19,75 m, dài 2.040 m, đường dẫn hai bên đầu cầu dài 560 m. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm thông tin, thành phố và tỉnh Đồng Nai đang tập trung phối hợp với các bên để sớm hoàn thành các cây cầu quan trọng là cầu Nhơn Trạch và cầu Phước Khánh vào năm 2025.

“Khi những cây cầu này hoàn thành, sẽ nâng tổng số làn xe qua sông giữa hai địa phương lên 30 làn. Tuy nhiên, dự báo thời điểm đó, lượng phương tiện qua sông sẽ lên đến 434.000 PCU/ngày đêm, tương ứng với 38 làn xe. Chúng tôi đã đề xuất với Đồng Nai phối hợp xây thêm 2 cầu nữa là Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2 để đáp ứng nhu cầu lưu thông này”, ông Trần Quang Lâm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Bộ chờ những cây cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.