(HNM) - Tỉnh Đồng Nai là một trong các địa phương phát triển công nghiệp sớm của cả nước. Đồng Nai đang chú trọng phát triển đô thị gắn với khu, vùng công nghiệp để vừa tăng chất lượng sống cho người lao động, vừa tăng tỷ lệ đô thị hóa phù hợp với địa phương.
Theo báo cáo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, giai đoạn trước năm 2010, Đồng Nai có 11 đô thị, trong đó Biên Hòa là thành phố đô thị loại II, thị xã Long Khánh là đô thị loại IV và 6 thị trấn là đô thị loại V (Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh An, Gia Ray, Định Quán và Tân Phú)…
Từ năm 2010 đến nay, nhiều chương trình phát triển các đô thị của tỉnh đã được phê duyệt. Đơn cử, đô thị thành phố Biên Hòa đã được công nhận là đô thị loại I năm 2016; đô thị Long Thành, Trảng Bom được công nhận là đô thị loại IV và đang phấn đấu trong những năm sắp tới nâng lên đô thị loại III… Tỷ lệ đô thị hóa tại Đồng Nai hiện đạt gần 70% cao hơn trung bình của toàn quốc; dân số toàn tỉnh tính đến cuối năm 2021 khoảng 3,1 triệu người.
Quá trình đô thị hóa tại Đồng Nai phát triển ngày một mạnh mẽ, thu hút nhiều lao động tới làm việc tại các khu công nghiệp tập trung. Đến nay, toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 10.227,19ha, đã cho thuê được 5.955,27ha, đạt 84,68% thu hút được 43 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 1.997 dự án.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng và phát triển khu công nghiệp, góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư tập trung đầu tư như Aqua City, Khu đô thị Waterfront City, Khu đô thị Đại Phước…
Nói về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Văn Tiếp cho biết, huyện có diện tích gần 43.100ha, bao gồm thị trấn Long Thành và 13 xã, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp, du lịch, đô thị… Huyện có nhiều điểm mạnh như: Đất đai rộng, có giá trị khai thác sử dụng với nhiều mục đích khác nhau; hệ thống các tuyến cao tốc kết nối vùng thuận lợi. Mục tiêu của huyện sẽ xây dựng, nâng cấp lên đô thị loại IV vào năm 2025 và trở thành đô thị loại III vào năm 2030. Đồng thời, đến năm 2030, Long Thành sẽ cơ bản trở thành huyện công nghiệp phát triển, đến năm 2040 trở thành trung tâm đô thị - công nghiệp hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ chất lượng cao cấp quốc tế và vùng nông - lâm nghiệp phát triển bền vững…
Còn Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai thông tin, mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030 Đồng Nai sẽ trở thành một trung tâm đô thị - công nghiệp hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ chất lượng cao và vùng nông lâm nghiệp hiện đại phát triển cân bằng và bền vững. Cụ thể, giai đoạn sau năm 2030 phấn đấu nâng thêm số lượng đô thị loại II (Nhơn Trạch, Long Khánh), nâng thêm số lượng đô thị công nhận là thành phố (Nhơn Trạch); hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các khu vực; 5 đô thị động lực của tỉnh (Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom và Nhơn Trạch và đô thị Long Thành) gắn với các chức năng quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực…
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng khẳng định, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững các đô thị, tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý quy hoạch và giám sát thực hiện các quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị theo đúng quy định của phát luật. Đồng thời, tỉnh sẽ từng bước nâng cao trình độ thiết kế và chất lượng quy hoạch, hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng đạt trình độ quốc tế.
“Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ huy động các nguồn vốn xã hội cho phát triển quỹ nhà ở; phát triển dịch vụ nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp ở các khu vực tập trung dân cư và có nhiều khu công nghiệp. Tỉnh quan tâm thực hiện các chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc được cải thiện nhà ở. Quan tâm giãn dân về vùng nông thôn, đầu tư hạ tầng giao thông để không bị ùn tắc giao thông như các đô thị lớn đã mắc phải”, ông Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.