Nông nghiệp

Đồng Nai: Chú trọng công tác phòng, chống cháy rừng

Thanh Tàu - Xuân Lộc 25/02/2024 - 12:40

Tỉnh Đồng Nai dẫn đầu về diện tích rừng ở Đông Nam bộ. Hiện đang là cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy rừng cao, các ngành chức năng tại tỉnh đã tăng cường nhân lực tuần tra, hạn chế tối đa nguy cơ cháy rừng.

48143.jpg
Lực lượng chức năng phối hợp với chủ rừng và người dân tăng cường công tác tuần tra phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, năm 2024 sẽ có hiện tượng El Nino và mùa khô 2023-2024 có sự khác biệt so với mùa khô các năm trước là ít mưa trái mùa.

Hơn nữa, những năm trước, bắt đầu vào đầu mùa khô, từ tháng 12-2023 đến tháng 1-2024 là những tháng thấp điểm của công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhưng năm nay, giữa tháng 1-2024 đã nắng nóng gay gắt (dự báo cháy rừng luôn luôn ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm) nên công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm nay rất căng thẳng.

Theo Ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng của tỉnh là hơn 181.000ha. Trong đó, diện tích có rừng hơn 170.000ha và tỷ lệ che phủ rừng đạt 28,92%. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cơ bản an toàn.

55117.jpg
Nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc kiểm tra trang thiết bị phục vụ phòng, chống cháy rừng.

Xuân Lộc một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất toàn tỉnh Đồng Nai. Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) quản lý khoảng 10.400ha rừng. Trong đó, có khoảng 10.000ha thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc, số còn lại thuộc huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận). Ông Tô Thế Mạnh, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Xuân Lộc cho biết: Tất cả lực lượng, thiết bị, phương tiện phòng, chống cháy của đơn vị đều trong trạng thái trực sẵn sàng 24/24 giờ, với phương châm “4 tại chỗ - 3 sẵn sàng”(lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ - chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời và khắc phục khẩn trương).

“Năm nay, do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino nên mùa mưa kết thúc sớm, nắng nóng liên tục kéo dài, không xuất hiện những cơn mưa trái mùa như mọi năm nên lá rừng rụng nhiều, thảm thức bì dày lên liên tục, kinh phí hỗ trợ cho việc xử lý thực bì không được duy trì. Ban phải tuyên truyền vận động người dân tự nguyện thực hiện nên gặp nhiều khó khăn”, ông Tô Thế Mạnh thông tin thêm.

hinh-111.jpg
Lực lượng kiểm lâm đi xuyên rừng, lội suối tuần tra bảo vệ rừng.

Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú cho hay, hiện, đơn vị quản lý hơn 18.000ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên 2 huyện Định Quán và Tân Phú. Trên lâm phận của đơn vị quản lý, có hơn 2.500 hộ với gần 12.000 dân canh tác, sống xen kẽ trong rừng. Việc người dân đốt lửa trong rừng để lấy mật ong, đốt dọn rẫy, hun, đốt lá cây, phế phụ phẩm nông nghiệp vào mùa khô rất dễ xảy ra cháy rừng…

Để giảm thiểu nguy cơ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ rừng quan tâm và xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa cháy rừng mùa khô 2024 hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Chú trọng công tác phòng, chống cháy rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.