(HNM) -
Một góc làng quê Đông Mỹ (Thanh Trì).
Nằm ven đê sông Hồng, Đông Mỹ có vẻ trù phú riêng của làng quê Bắc bộ. Vẫn còn đó cây đa, bến nước, sân đình, với các di tích lịch sử, văn hóa. Đông Mỹ hôm nay khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi sự thay da đổi thịt. Làng đã gần với phố, ruộng lúa, hoa màu… được quy hoạch hài hòa tạo nên cảnh quan bình dị như muốn níu chân người về thăm vùng đất này. Đồng ruộng được quy hoạch bài bản, những cánh đồng lúa úng trũng, kém hiệu quả một thời đã được quy hoạch thành trên 100ha nuôi trồng thủy sản vào loại nhất nhì TP. Giá trị từ thu hoạch thủy sản đạt từ 200 triệu đồng/ha trở lên đã góp phần làm giàu cho người Đông Mỹ. Bên cạnh đó là 20ha trồng hoa, cây cảnh, chỉ còn 5ha đất trồng lúa nhưng đến cuối năm 2012 sẽ chuyển sang trồng rau màu giúp cho đời sống của người dân ngày một nâng cao. Hiện nay thu nhập bình quân của người dân Đông Mỹ đã đạt gần 23 triệu đồng/năm.
Có tiền của, người dân Đông Mỹ càng có điều kiện kiến tạo quê hương. Phó Chủ tịch UBND xã Lê Mạnh Chiến không giấu được niềm vui cho biết: Từ những năm 1996, đã có hơn 200 hộ dân ở thôn 4 và thôn 5 hiến đất mở con đường ven đê dài khoảng 1km giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi. Xác định rõ hiệu quả của việc mở đường, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã đưa ra chủ trương mở rộng 9 tuyến đường làng ngõ xóm và được nhân dân ở các thôn nhiệt tình hưởng ứng. Hiện tuyến đường của thôn 1 đã hoàn thành, với chiều dài 425m. Để xây dựng được tuyến đường này, người dân đã hiến 116m2 đất, dịch chuyển 297m tường rào. Theo Trưởng thôn 1 Phạm Đức Tuyên, có những hộ đã xây dựng cổng kiên cố, tính cả tiền đất đến vài chục triệu đồng, nhưng họ sẵn sàng phá cổng để mở đường. Mặc dù, giá đất ở đây cũng cao nhưng người dân rất vui vì góp một phần nhỏ của mình chung tay xây dựng quê hương.
Đi đôi với chỉnh trang, quy hoạch nông thôn, hoạt động văn hóa của xã cũng rất sôi nổi. Trên địa bàn có rất nhiều câu lạc bộ (CLB) thơ, bóng bàn, dưỡng sinh. Nhiều CLB đã có từ hơn 20 năm nay và ngày càng phát triển như CLB thơ văn Đông Mỹ, thu hút hàng trăm hội viên người cao tuổi tham gia. Có điều kiện về kinh tế, người dân trong xã rất chú trọng chăm lo việc học hành của con trẻ. Theo Chủ tịch UBND xã Lê Tuấn Minh, mỗi năm địa phương có khoảng 20-25 cháu đỗ vào các trường đại học chính quy. Để khuyến khích các cháu có thành tích trong học tập, mỗi năm xã vận động các gia đình đóng góp 30 triệu đồng vào quỹ khuyến học; đồng thời vận động DN xây dựng quỹ khuyến học có số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, xã còn có quỹ khuyến học của gia đình liệt sỹ Phạm Thụy Hùng và lão thành cách mạng Phạm Phượng, mỗi năm dành vài chục triệu đồng để mua sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh giỏi… trên địa bàn.
Dẫn chúng tôi đi thăm những công trình xây dựng mới hoàn thành của xã, dù đã quá trưa nhưng Phó Chủ tịch UBND Lê Mạnh Chiến vẫn rất hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của người dân Đông Mỹ. Họ không chỉ anh hùng trong thời kỳ cách mạng mà ngày nay vẫn sẵn sàng góp công, góp của cùng chính quyền xây dựng quê hương. Những khu nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái đang làm thay da đổi thịt làng quê Đông Mỹ, cải thiện và nâng cao cuộc sống người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.