(HNM) - Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta đạt 41,2 tỷ USD, là một thành công rất đáng ghi nhận của ngành Nông nghiệp. Phát huy kết quả đó, ngay từ những ngày đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu nông sản đã diễn ra hết sức sôi động.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết: Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tạo động lực mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản, góp phần thúc đẩy tăng trưởng...
Thặng dư thương mại ngành Nông nghiệp đạt 10,4 tỷ USD
- 2020 là năm hết sức đặc biệt với xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng khi thiên tai khắc nghiệt, dịch Covid-19 bủa vây toàn cầu, hoạt động giao thương quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt tới 41,2 tỷ USD. Vậy, ông có thể chia sẻ cụ thể về thành công này?
- Năm vừa qua, ngành Nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi thiên tai và dịch bệnh. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, ngành Nông nghiệp đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 2,65%; sản lượng lương thực, thực phẩm bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ xuất khẩu.
Đặc biệt, từ việc tích cực mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại bằng nhiều giải pháp linh hoạt nên dù chuỗi cung ứng có lúc gián đoạn vì dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam năm 2020 tiếp tục lập kỷ lục mới. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019, con số cao nhất từ trước đến nay. Ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (lâm sản và đồ gỗ đạt 13,1 tỷ USD; thủy sản 8,4 tỷ USD; rau quả gần 3,35 tỷ USD; hạt điều 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành Nông nghiệp đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
- Lâm sản, thủy sản, lúa gạo giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu nông sản. Ông có thể cho biết rõ hơn vai trò của 3 ngành hàng này trong việc tạo động lực mới, gia tăng giá trị xuất khẩu trong những năm tiếp theo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp?
- 3 ngành hàng nêu trên đều có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao trong năm qua. Ngành hàng lâm sản và đồ gỗ đạt giá trị xuất khẩu 13,1 tỷ USD, tăng 13,4%; lúa gạo đạt 3,07 tỷ USD, tăng 9,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,4 tỷ USD, giảm 0,9% nhưng trong bối cảnh dịch bệnh và gián đoạn thị trường thì đây là kết quả hết sức khả quan. Nhóm ngành hàng này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giá trị xuất khẩu nông sản năm 2020.
Thông tin về xuất khẩu nông sản trong tháng 1-2021 tiếp tục mang đến những tín hiệu tích cực. Các lô hàng thủy sản, lúa gạo đầu tiên đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường tiềm năng như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu - EU, Nhật Bản, Singapore,… Điển hình là lô hàng thủy sản do Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (tỉnh Hậu Giang) gồm 8 container tôm tới thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản; lô hàng thủy sản của Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu gồm 8 container mực, cá ngừ, bạch tuộc, tôm mũ ni… sang thị trường Canada, Hoa Kỳ, Australia…
Đặc biệt, mặt hàng gạo đang được hưởng những lợi thế chưa từng có từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương... Ngày 13-1-2021, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu 1.600 tấn gạo sang thị trường Malaysia, Singapore với giá cao, gạo thơm Hương Lài giá 750 USD/tấn, thơm Jasmine giá 680 USD/tấn.
Từ những kết quả nêu trên có thể nói, năm 2021 và những năm tiếp theo, các mặt hàng này vẫn là chủ lực của xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Nhiều giải pháp ứng phó với các điều kiện bất lợi
- Những tín hiệu khả quan đang đến, nhưng khó khăn vẫn chưa qua đối với hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng. Vậy, những thách thức đang ở phía trước là gì, thưa ông?
- Năm 2021, thế giới vẫn phải đối mặt với dịch Covid-19 và sẽ tiếp tục tác động nghiêm trọng tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thứ nhất, các quốc gia sẽ tăng cường đầu tư cho sản xuất lương thực, thực phẩm trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu và bảo đảm an ninh lương thực. Các ngành hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các sản phẩm của những quốc gia xuất khẩu nông sản khác. Thứ hai, khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, giảm thuế thì các nước nhập khẩu sẽ gia tăng áp dụng những biện pháp kỹ thuật, rào cản thương mại gây nhiều cản trở cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Thứ ba, xung đột chính trị, xung đột thương mại giữa các nước lớn tiếp tục tác động, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng. Thứ tư, ngành Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Những thách thức nêu trên đang đặt ra không ít vấn đề, đòi hỏi nhiều nỗ lực cũng như sự phối hợp của các cơ quan chức năng và ngành Nông nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
- Bên cạnh việc tập trung hóa giải khó khăn, thách thức, những bài học, kinh nghiệm thành công của năm 2020 sẽ được vận dụng như thế nào cho xuất khẩu nông sản năm 2021 và những năm tiếp theo?
- Nhằm ứng phó với các điều kiện bất lợi và đạt được các mục tiêu xuất khẩu nông sản trong năm 2021, Bộ NN&PTNT đã xác định những giải pháp trọng tâm để tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản.
Trước hết là, tập trung đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam; kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với nông sản xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm.
Hai là, tăng cường tận dụng những cam kết từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, triển khai kế hoạch hành động thực thi FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...
Ba là, phối hợp với các đại sứ quán, thương vụ tại các nước để cung cấp thông tin, phân tích, dự báo về thị trường, từ đó định hướng, quy hoạch sản xuất trong nước, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được yêu cầu thị trường, sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với xuất khẩu.
Bốn là, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam ra thị trường thế giới, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.
Năm là, triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực quốc gia, tiếp tục phát triển nông sản theo 3 trục sản phẩm gồm trục sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương làm các mũi nhọn gắn với chỉ dẫn địa lý.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ tập trung triển khai các giải pháp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Phát triển sản xuất theo hướng bảo đảm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi... Đồng thời, ngành Nông nghiệp thúc đẩy các cơ chế nhằm tăng cường đầu tư cho lĩnh vực chế biến và bảo quản nông sản, tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Mặt khác, ngành chú trọng các giải pháp, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết nhằm ứng phó với những diễn biến khó lường của dịch Covid-19.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.