(HNM) - Vượt qua những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021, ngành Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã đạt thành tích xuất sắc, với nhiều dấu ấn nổi bật. Phát huy kết quả đạt được, năm 2022, ngành Khoa học và Công nghệ Hà Nội đặt ra nhiều mục tiêu, phấn đấu đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Gặt hái nhiều thành công
Năm 2021, ngành Khoa học và Công nghệ Hà Nội tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn, đó là tập trung xây dựng cơ chế, chính sách; đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tăng cường hoạt động quản lý công nghệ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thị trường khoa học và công nghệ. Hoạt động khoa học và công nghệ từng bước gắn với thực tế sản xuất, đời sống xã hội, phục vụ các chương trình kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trong năm 2021, Sở đã tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản quan trọng để triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ và quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố. Điển hình là Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII và Kế hoạch số 185/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”; các quyết định về việc ban hành quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ...
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, việc thay đổi tư duy, cách làm của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội thời gian qua đã giúp các nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn và ứng dụng cao hơn, không còn là nghiên cứu xong cất ngăn kéo, mà theo đơn đặt hàng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Việc quản lý công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng được tăng cường. Hiện tại, số doanh nghiệp khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội là 110/550, chiếm 20% của cả nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô vẫn còn những tồn tại, đó là vai trò đầu tàu, dẫn dắt trong việc tương tác hoạt động với các cơ quan trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, các viện, trường đại học và các địa phương chưa rõ nét, chưa tương xứng; chưa có những nhiệm vụ, chương trình khoa học và công nghệ lớn, tác động tích cực, hiệu quả đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động khoa học
Bên cạnh việc khắc phục những tồn tại trong năm 2021, năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ chú trọng quản lý, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục; quan tâm phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy, chuyển giao, làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
"Sở đặt mục tiêu đẩy mạnh, nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu quả của các hoạt động khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, góp phần phát triển toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội...”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, thành phố yêu cầu ngành Khoa học và Công nghệ Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ và môi trường làm việc chuyên nghiệp để đáp ứng nhiệm vụ phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới; tăng cường công tác tham mưu cho thành phố trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan thường trực của Chương trình số 07-CTr/TU, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cần vào cuộc tích cực và mạnh mẽ hơn nữa để bảo đảm tiến độ và chất lượng của chương trình, đáp ứng tốt mong muốn của người dân và thành phố.
Để thúc đẩy ngành Khoa học và Công nghệ Hà Nội phát triển, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, thành phố Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đặc thù về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nghiên cứu đề xuất cơ chế thí điểm, phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các viện, trường…
Bên cạnh đó là đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh; tạo cơ chế, chính sách vượt trội thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao về cống hiến cho Thủ đô; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, tăng cường liên kết các mạng lưới của khối sáng tạo trong và ngoài nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ... Chủ động hội nhập hợp tác quốc tế, tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu của thế giới, tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.