(HNMCT) - Trong hai vận động viên (VĐV) giành tấm vé thứ 7 dự Olympic Tokyo 2020 của thể thao Việt Nam ở nội dung thuyền đôi hạng nhẹ môn rowing, có sự góp mặt của VĐV Hà Nội Đinh Thị Hảo. Kết quả ấy là động lực cho thể thao Hà Nội trong việc tìm nguồn VĐV từ các tỉnh, thành phố khác.
Tấm vé có được... nhờ định hướng đúng
Cách đây hơn chục năm, Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao (TDTT) Hà Nội khi ấy là ông Nguyễn Đình Lân đã nói rằng, trong thành công của thể thao Hà Nội có chứa đựng yếu tố “hội tụ”. Ở đây là hội tụ được người tài từ nhiều vùng miền để rồi thể thao Hà Nội tôi luyện, phát huy phẩm chất của họ.
Tất nhiên, nếu chỉ đợi người tài tự hội tụ về đất Hà thành thì thể thao Hà Nội không có thành tích như bây giờ. Thể thao Hà Nội đã chủ động xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở nhiều nơi. Chính đội ngũ này đã giới thiệu nhiều tài năng trẻ để các huấn luyện viên (HLV) Hà Nội tuyển chọn. Hoặc còn là sự phối hợp đào tạo giữa thể thao Hà Nội với thể thao các tỉnh, thành phố khác, trong đó, sau quá trình dài đào tạo, thể thao Hà Nội được chọn VĐV số 1-3-5..., thể thao các tỉnh, thành đóng góp về mặt con người nhận VĐV số 2-4-6...
Theo ông Nguyễn Đình Lân, đó là việc đáng làm, không thể khác khi nguồn tuyển chọn tại Hà Nội ngày càng hạn hẹp. Các gia đình tại Hà Nội ít muốn đưa con đi theo thể thao thành tích cao mà hướng con vào các ngành khác. Thế nên, Hà Nội càng phải tìm nguồn VĐV từ tỉnh ngoài.
Cũng từ nguồn này, chỉ tính trong hơn chục năm qua, đã có không ít VĐV làm mát mặt thể thao Hà Nội cũng như Việt Nam, trong đó có Vương Thị Huyền (cử tạ), Lộc Thị Đào (bắn cung), Bùi Yến Ly (muay Thái), Nguyễn Thị Hằng (vật) - đều từ Bắc Giang; Hà Thị Nguyên (taekwondo) - từ Yên Bái; Nguyễn Thị Tâm - từ Thái Bình, Nguyễn Thị Yến - từ Bắc Ninh, Hà Thị Linh - từ Lào Cai (boxing nữ); Quàng Văn Cường - từ Sơn La, Trịnh Đức Tâm - từ Hưng Yên (xe đạp); Nguyễn Thị Nga - từ Thái Bình (bóng bàn); Phạm Đức Huy - từ Hải Dương (bóng đá nam); Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung, giành vé dự Olympic Tokyo 2020) - từ Hưng Yên... Và gần nhất là đồng chủ nhân tấm vé thứ 7 dự Olympic 2020 của thể thao Việt Nam Đinh Thị Hảo (VĐV cùng giành vé với Đinh Thị Hảo là Lường Thị Thảo).
Cô gái sinh năm 1997 này được các HLV rowing Hà Nội tuyển chọn vào năm 2012 khi còn đang học ở Trường THPT Sông Lô (Tuyên Quang). Đó cũng là kết quả của quá trình phối hợp tìm kiếm tài năng thể thao của đội rowing Hà Nội với các cộng tác viên tại Tuyên Quang. Bây giờ, cô gái này đã giành tấm vé dự Olympic 2020. Đó cũng là tấm vé thứ ba dự Olympic 2020 của thể thao Hà Nội, nhiều nhất trong các tỉnh, thành, ngành cho đến giữa tháng 5 này. Nếu xét kỹ hơn, trong 3 tấm vé dự Olympic 2020 của thể thao Hà Nội, có 2 tấm vé (Đinh Thị Hải - rowing, Đỗ Thị Ánh Nguyệt - bắn cung) thuộc về VĐV được tuyển chọn từ các "tỉnh ngoài".
Giữ vững định hướng
Tuy nhiên, để duy trì sự cộng tác với đội ngũ cộng tác viên, thể thao Hà Nội đang thiếu cơ chế, nhất là về tài chính. Nhiều bộ môn phải trông vào mối quan hệ cá nhân để có nguồn tuyển. Phụ trách bộ môn boxing nữ Hà Nội Nguyễn Như Cường cho hay, nếu có thêm một số đơn vị khác cũng tìm kiếm nguồn VĐV tỉnh, thành ngoài như Hà Nội thì sẽ rất khó cho việc tạo nguồn của bộ môn.
Thực tế, nhiều đơn vị cũng tìm nguồn VĐV để đào tạo từ các tỉnh, thành phố khác và cũng tìm đến các cộng tác viên của thể thao Hà Nội. Thế nên, nếu đơn vị nào nhanh chân tiếp cận VĐV thì sẽ hưởng lợi. Câu chuyện dễ thấy nhất là trường hợp Ngần Ngọc Nghĩa (hiện thi đấu cho đội Công an nhân dân) - chân chạy cự ly ngắn nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay. Chính xác, HLV của đội Công an nhân dân có mặt tại Sơn La vào chiều tối hôm trước để kịp thống nhất với gia đình Ngần Ngọc Nghĩa trong việc đưa chàng trai người Thái về tập luyện tại đơn vị. Đến sáng hôm sau, HLV của Hà Nội mới có mặt tại Sơn La thì đã muộn.
Hiện tại, duy trì đội ngũ cộng tác viên thông qua quan hệ cá nhân vẫn là cách làm của nhiều môn để có nguồn VĐV đáp ứng yêu cầu. Phó trưởng Bộ môn wushu Hà Nội Phan Quốc Vinh kể rằng, ở nội dung đối kháng của môn wushu, hiện họ phải tìm kiếm nguồn VĐV từ những nơi mà tố chất con người phù hợp với môn đối kháng. Tương tự, Phụ trách bộ môn muay - kick boxing Hà Nội Dương Ngọc Hải cũng cho hay, nguồn VĐV từ "tỉnh ngoài" vẫn được xem là kênh tuyển chọn quan trọng của bộ môn. Nhiều lãnh đạo các bộ môn khác của thể thao Hà Nội cũng chung ý kiến.
Theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng, ngành Thể thao sẽ cố gắng tham mưu với cấp trên để có cơ chế tìm nguồn VĐV ổn định từ các tỉnh, thành phố khác thay vì trông vào quan hệ cá nhân của HLV từng bộ môn.
Điều đó thực sự cần thiết trong việc xây dựng lực lượng cho thể thao Hà Nội, nhất là khi cơ chế cho thể thao Hà Nội còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.