Sau gần 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Quốc Oai đã phát triển được 135 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3-4 sao.
Việc triển khai Chương trình OCOP chính là động lực làm thay đổi tư duy sản xuất, thúc đẩy nông dân đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Ở làng Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai), nghề chạm khắc gỗ đã có từ hàng trăm năm trước. Với tư duy sáng tạo, bàn tay tài hoa khéo léo, những người thợ mộc làng nghề Ngọc Than đã tạo nên hàng nghìn sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ độc đáo. Để sản phẩm ngày một vươn xa, nhiều hộ gia đình ở Ngọc Than đã tham gia Chương trình OCOP, từ đó mở rộng hơn thị trường tiêu thụ...
Nghệ nhân Nguyễn Bá Nghĩa, chủ thể của 3 sản phẩm OCOP được công nhận năm 2022, gồm: “Tranh vinh quy bái tổ”, “Bộ đài nến bằng gỗ gụ”, “Bộ hoành phi câu đối”, chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống chạm khắc gỗ. Từ nhỏ đã được ông nội uốn nắn, truyền nghề, đến năm 15 tuổi đã thành thạo nghề, biết vẽ hoa văn cho thợ đục... Hiện xưởng sản xuất của gia đình tôi có gần 20 lao động. Những thợ kỹ thuật cao luôn được trả mức lương từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng; thợ bình thường có khoảng 6-7 triệu đồng/tháng; doanh thu từ sản xuất mỗi năm của gia đình đạt 6-7 tỷ đồng”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Ngân (xã Nghĩa Hương) nhận thấy ở quê hương có nhiều nông sản như đậu tương, đậu xanh, ngô, lạc, khoai lang… có thể chế biến thành sản phẩm dinh dưỡng, năm 2022, chị đã đầu tư máy móc, mở xưởng sản xuất sản phẩm bột dinh dưỡng, siro chanh chữa ho để cung cấp cho thị trường. Hiện, cơ sở sản xuất của chị Ngân cũng có 3 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao: Bột đậu truyền thống, bột ăn dặm và Enzyme siro chanh rừng.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Trần Hùng cho biết, sau gần 5 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, huyện đã có 135 sản phẩm đạt chất lượng 3-4 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện khá đa dạng và đều mang thương hiệu, đặc trưng của mỗi địa phương. Điển hình như “Thịt lợn sinh học Đồng Tâm - Quốc Oai” của Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm (xã Cấn Hữu); “Gà đồi Đông Yên” của Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa Phú (xã Đông Yên)… Chương trình OCOP thực sự đã thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy nông dân đổi mới, sáng tạo, đưa sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của huyện phát triển.
Để Chương trình OCOP thu hút đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia, huyện Quốc Oai đã triển khai nhiều giải pháp, như: Phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới thành phố Hà Nội hỗ trợ 100% kinh phí kiểm nghiệm mẫu sản phẩm cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP giới thiệu hàng hóa tại các hội chợ triển lãm, Festival thu Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội tổ chức; tổ chức tập huấn an toàn, vệ sinh thực phẩm cho 100 chủ thể OCOP, chủ thể có tiềm năng trên địa bàn huyện...
Đặc biệt, huyện còn xây dựng hai địa điểm để giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là cửa hàng thực phẩm sạch Phủ Quốc Oai (thị trấn Quốc Oai); cửa hàng kinh doanh thực phẩm Hợi Thương (xã Sài Sơn), giúp nhân dân mua được những sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, huyện giao Phòng Kinh tế hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP hoàn thiện sản phẩm, như: Dán tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì, lập website và logo cho sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, thời gian qua, huyện luôn xác định Chương trình OCOP là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong những năm tới, huyện Quốc Oai tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa, liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP tới các tỉnh, thành phố và hướng tới xuất khẩu. Qua đó, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.