(HNM) - Sau 10 năm thực hiện Chương trình cải cách hành chính (CCHC) nhà nước, giai đoạn 2001-2010 và 3 cuộc cải cách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức (CBCC) vẫn ở mức thấp (mới đáp ứng từ 30 đến 50% nhu cầu tối thiểu của các gia đình công chức).
.
Lương thấp dễ phát sinh tiêu cực
Chính sách tiền lương cải tiến phù hợp sẽ nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Bá Hoạt
Cải cách tiền lương (CCTL) là 1 trong 9 mục tiêu cụ thể của Chương trình CCHC nhà nước, giai đoạn 2001-2010. Theo đó, yêu cầu đặt ra là cơ bản CCTL công chức, bảo đảm tái đầu tư sức lao động, nuôi được gia đình và có tích lũy. Từ năm 1993 đến nay, Chính phủ đã 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu (từ 180.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng). Song, theo các chuyên gia, hiệu quả của việc CCTL CBCC chưa đáng kể, chưa tạo được thay đổi cơ bản như mục tiêu đề ra. Tiền lương chưa thực sự trở thành động lực của nền công vụ, nâng cao năng lực đội ngũ CBCC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính công. Mức lương này chưa bảo đảm đời sống người ăn lương, chưa đủ sức cạnh tranh với khu vực ngoài nhà nước, phát sinh nhiều hệ lụy.
Trong 3 năm (2006-2009) đã có tới 16.000 người xin ra khỏi khu vực nhà nước. Theo TS Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước: Tiền lương không đủ sống và mang nặng tính bình quân, cào bằng hiện nay đang là một trong những nguyên nhân trực tiếp của nhiều căn bệnh trầm kha như tham nhũng, ăn bớt giờ làm, lãng phí chất xám. Đó là lực cản lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. TS Nguyễn Hữu Dũng (Viện Khoa học lao động và xã hội) cho rằng, tiền lương khu vực hành chính nhà nước hiện nay có bất cập lớn là tiền lương theo hệ số ngạch, bậc rất thấp, không đủ sống nhưng thu nhập ngoài lương rất cao (phụ thuộc vào vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực quản lý, vùng, miền…), không có giới hạn, không minh bạch và không kiểm soát được. Trong đó, có nhiều thu nhập không chính đang do lợi dụng quyền lực, tham nhũng mà có.
"Đột phá" bằng tinh gọn bộ máy
Một thực tế hiện nay là tiền lương thấp so với nhu cầu cuộc sống nhưng lại không thấp so với kết quả, hiệu quả lao động thực tế của CBCC. Kết quả điều tra cho thấy chỉ có khoảng 30% CBCC làm việc tương đối tốt, trong khi chi cho tiền lương hiện chiếm gần 60% chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng không thể tăng mãi ngân sách cho tiền lương mà cần giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách. Song, mỗi lần thực hiện, dường như biên chế không giảm mà lại tăng thêm, không chỉ giới hạn trong bộ máy công quyền, công vụ mà bao gồm cả nhân lực của hệ thống chính trị, thậm chí ở cả một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
TS Dương Quang Tung khẳng định: Cần tập trung điều chỉnh chức năng, tinh giản nhiệm vụ của bộ máy hành chính nhà nước và hệ thống chính trị mới có thể làm gọn nhẹ bộ máy. Đây là giải pháp quan trọng, cấp bách là khâu đột phá của CCHC nhà nước. Về vấn đề này, TS Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) thừa nhận: "Chất lượng đội ngũ CBCC chưa đáp ứng kịp yêu cầu; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng; chưa định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và chức danh, tiêu chuẩn cho từng CBCC trong từng cơ quan hành chính nên thiếu cơ sở khoa học để xác định biên chế cần thiết". Cũng theo ông Hòa, phải tìm động lực cho cải cách ở chính lợi ích của CBCC. Còn theo bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lương công chức cần phải tính đúng, tính đủ, công bằng với từng người, từng khu vực, nguồn ngân sách không phải là điều đáng lo nếu cương quyết và triệt để sắp xếp lại, tinh giản bộ máy sử dụng tiền ngân sách và đội ngũ CBCC nhà nước; chuyển các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ sang khu vực xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.