(HNMCT) - Ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc là cách để các cơ quan nội tạng được nghỉ ngơi, “bảo dưỡng”, phục hồi sau mỗi ngày hoạt động. Dưới đây là nhịp sinh học về đêm của các cơ quan nội tạng mà mỗi người cần biết.
21h - 23h là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi, thư giãn để đảm bảo có thể đi vào giấc ngủ sâu sau 1 - 2 giờ sau đó. Do đó, hãy chọn các hoạt động nhẹ nhàng, xem một bộ phim ngắn hay nghe những bản nhạc ưa thích... và chuẩn bị đi ngủ.
23h - 3h là quãng thời gian bài độc của gan và mật, do đó cơ thể càng ngủ sâu càng có tác dụng giúp gan và mật hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là lý do mà các chuyên gia sức khỏe đưa ra lời khuyên không nên ăn quá no, không nên ăn quá nhiều đạm, đường, dầu mỡ vào bữa tối và nên kết thúc bữa tối trước 19h30 để giảm tải cho gan.
3h - 5h là thời gian hoạt động sung sức nhất của phổi. Do đó, mọi người thường hay ho dữ dội vào nửa đêm về sáng là vì phổi đang “đuổi” các chất bẩn trong đường hô hấp ra ngoài thông qua các cơn ho. Đây cũng là thời gian tủy xương tạo ra các loại tế bào máu, vì vậy cần đảm bảo ngủ say vào lúc này.
5h - 7h là khoảng thời gian ruột già bài tiết chất độc. Cho nên, sau một giấc ngủ sâu, hãy uống một cốc nước ấm và vào nhà vệ sinh để “đổ rác” cho cơ thể. Nếu “gặp khó” trong việc “thanh lọc cơ thể”, hãy chịu khó xoa bụng liên tục theo chiều kim đồng hồ.
7h - 9h là lúc các cơ quan của bộ máy tiêu hóa hoạt động hiệu quả nhất, hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất. Lúc này cần phải có một bữa sáng đầy đủ chất. Tuyệt đối không được bỏ bữa sáng và nên kết thúc bữa sáng trước 8h30.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.