Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành với người lao động

Linh Chi| 27/06/2018 06:47

(HNM) - Bên cạnh lợi ích tăng năng suất lao động, mở ra cơ hội tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đe dọa phá vỡ cấu trúc sản xuất, lao động. Để ứng phó với tình trạng này, tại Hà Nội, người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn, người lao động đang đồng hành để bảo đảm việc làm, thu nhập cho công nhân.


Trao đổi về vai trò của tổ chức công đoàn đối với đời sống, việc làm của người lao động, đoàn viên công đoàn trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội Phạm Anh Minh cho rằng, hoạt động công đoàn phải thay đổi mạnh mẽ. Người lao động là đối tượng đầu tiên, chịu tác động lớn nhất do thay đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi phương thức quản lý, đổi mới công nghệ... Vì thế, công đoàn phải đổi mới phương pháp hoạt động cũng như xác định rõ những ưu tiên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Ảnh minh họa


Công nghiệp sản xuất giày là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với dự đoán khoảng 85% lao động sẽ mất việc làm do robot thay thế. Tổng Giám đốc Công ty Giày Thụy Khuê Phạm Quang Huy chia sẻ, sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu đến 27 quốc gia Châu Âu nên việc tiếp cận, ứng dụng thành quả Cách mạng công nghiệp 4.0 là bắt buộc.

Tuy vậy, do tiềm lực hạn chế, sử dụng công nghệ truyền thống với hệ thống thiết bị tương đương thế hệ 2.0, doanh nghiệp đang phải đầu tư rất lớn nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, “không bị văng ra khỏi cuộc chơi”. Đây là thách thức chưa từng có với doanh nghiệp, do vậy, công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp phải thống nhất cao về chủ trương đầu tư; tập trung tuyên truyền cho người lao động hiểu, ủng hộ để họ tham gia đào tạo lại. Đây cũng là cách bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Theo ông Phạm Quang Huy, để thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi mọi doanh nghiệp phải đổi mới để tồn tại. Đồng thời, công đoàn và người lao động phải thay đổi theo để thích ứng.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty cổ phần Giày Ngọc Hà Nguyễn Đắc Phúc nhấn mạnh, tổ chức công đoàn phải đồng hành cùng doanh nghiệp, động viên, tuyên truyền để công nhân hăng say làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. Dẫn ví dụ về việc công nhân đình công gây mất đơn hàng của một số doanh nghiệp, ông Nguyễn Đắc Phúc cho rằng, doanh nghiệp có ổn định thì quyền lợi của người lao động mới bảo đảm; doanh nghiệp tồn tại thì mới có người lao động để công đoàn hoạt động.

Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội Vũ Thị Tuyết cho biết, chuyên sản xuất phụ kiện cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, từ đầu năm 2018, bên cạnh áp lực nâng cao trình độ người lao động để nâng cao năng suất, công ty phải đối phó với tình trạng cùng lúc hơn 300 lao động xin nghỉ để làm việc cho một số doanh nghiệp mới đi vào sản xuất. Công đoàn vừa làm nhiệm vụ thương thảo với chủ sử dụng lao động nhằm nâng cao thu nhập để giữ chân công nhân lao động; vừa tuyên truyền, hỗ trợ người lao động tự rèn luyện, nâng cao trình độ tay nghề...

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh, hiện nay nhân lực của thành phố chưa đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0, mới chỉ xấp xỉ ở mức tương đương 3.0. Vì vậy, công đoàn phải có biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao động; nắm bắt được hệ thống pháp luật quốc tế, các tiêu chí của công nghiệp 4.0 từ đó giúp người lao động hoàn thiện kỹ năng, trình độ đáp ứng yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, người lao động phải yêu nghề, có ý thức học tập suốt đời để không bị bỏ lại phía sau...

Cách mạng công nghiệp 4.0 là quy luật phát triển tất yếu. Hơn lúc nào hết, tổ chức công đoàn và người lao động cần gắn bó mật thiết, đồng hành cùng doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, giữ ổn định đời sống, việc làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành với người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.