(HNMO) – Ngày 23-3, tại Quảng Ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong giáo dục trung học" với sự tham gia của giảng viên đại học và giáo viên trực tiếp giảng dạy đến từ 63 tỉnh, phố.
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại hội thảo,Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành cho biết, giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) đã góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đây cũng là cách thức giúp phát huy tính tích cực, sáng tạo, tự chủ của học sinh; góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện.
Trong hai năm học 2021-2022 và 2022-2023, các trường phổ thông trên cả nước đã triển khai hơn 88.500 lượt bài dạy STEM, tăng hơn nhiều so với các năm học trước đó.
Cũng trong hai năm học này, có hơn 12.100 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia, tác động lớn đến đổi mới dạy học trong nhà trường. Cuộc thi này đã trở thành hoạt động khoa học thường niên trên cả nước, số lượng, chất lượng dự án tăng cao qua từng năm, số lĩnh vực nghiên cứu trải rộng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thành, việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên còn hạn chế; việc xây dựng kế hoạch bài dạy nói chung và bài STEM chưa đạt hiệu quả cao…
Để nâng cao hiệu quả giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương cần triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường định rõ chủ đề có thể tổ chức bài học STEM để thực hiện; sử dụng các thiết bị dạy học hiện có...
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện các sở giáo dục và đào tạo cho biết, các nhà trường đã chủ động triển khai nhiều hoạt động giáo dục STEM; chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng gắn lý thuyết với thực hành. Tuy nhiên, có một thực tế là dù cơ quan quản lý đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, vận động triển khai các hoạt động giáo dục STEM, không phải trường nào cũng thực hiện... Do đó, các địa phương đề xuất giải pháp quan trọng là cần tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục về giáo dục STEM; có hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động giáo dục STEM, trong đó có việc quy định thời gian dành cho hoạt động này trong thời gian chính khóa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.