Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động đất, sóng thần cực mạnh tàn phá phía đông Nhật Bản

Quỳnh Chi| 12/03/2011 04:24

Tính đến 24h ngày 11-3, có gần 400 người chết, thiệt hại trên diện rộng (HNM) - Ngày 11-3, một trận động đất với cường độ lên tới 8,9 độ richte ở ngoài khơi Thái Bình Dương gây ra sóng thần cao 10m đã tàn phá hàng chục thành phố, làng mạc dọc theo 2.100km bờ biển phía đông Nhật Bản.

Sau trận động đất mạnh 8,9 độ richte, sóng thần cao 10m ập vào nhiều thành phố phía đông Nhật Bản chiều 11-3.


Thương vong, thiệt hại trên diện rộng
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết trận động đất xảy ra khoảng 14h46 giờ địa phương (11h46 giờ Việt Nam) ở độ sâu 10km dưới đáy biển, cách Tokyo 382km về phía đông bắc. Tiếp theo đó là ít nhất 19 đợt dư chấn có cường độ lên tới 6,0 độ richte. Trận động đất lớn nhất trong vòng 140 năm qua đã khiến toàn Nhật Bản chìm trong tình trạng hoảng loạn.

Tại thành phố Sendai - thủ phủ tỉnh Miyaghi cùng nhiều khu vực lân cận, cột sóng thần cao 10m tràn sâu tới 5km trong đất liền đã cuốn trôi nhiều tàu, thuyền, ô tô trên các tuyến đường tại các thị trấn ven biển. Ở thành phố Onahama thuộc tỉnh Fukushima nhà cửa bị tàn phá nặng nề. Tỉnh Iwate cũng xuất hiện sóng thần cao tới 4m. Nhiều khu vực trồng trọt bị nhấn chìm. Nhiều tuyến tàu cao tốc và tàu điện ngầm ở Đông bắc Nhật Bản bị gián đoạn, hai nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Miyaghi và tỉnh Fukushima đã phải tạm ngừng hoạt động. Các đám cháy xuất hiện rải rác ở nhiều nơi trên đảo Honshu, trong đó có thủ đô Tokyo và tỉnh Miyaghi. Tại thành phố Ichihara thuộc tỉnh Chiba, Nhà máy Lọc dầu Cosmo đã bốc cháy dữ dội. Hệ thống tàu điện ngầm Tokyo chuyên chở hơn 6 triệu khách mỗi ngày, cũng ngừng hoạt động trên toàn bộ 9 đường ray, trong khi các chuyến tàu Shinkansen cũng bị ngưng. Cảng Tokyo đã đóng toàn bộ 19 cổng. Sân bay quốc tế Narita tạm thời phải đóng cửa để kiểm tra đường băng. Hơn 4 triệu ngôi nhà ở Tokyo và các khu vực xung quanh bị mất điện. Chính phủ Nhật Bản buộc phải ban bố tình trạng khẩn về điện hạt nhân sau khi Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 đã báo cáo về một hiện tượng bất thường cùng với hỏa hoạn tại Nhà máy Điện hạt nhân Onagawa, trực thuộc công ty này.


Ngay sau khi xảy ra động đất, cảnh báo sóng thần ở mức cao nhất đã phát đi khắp lòng chảo Thái Bình Dương gồm Nga, Philippines, Indonesia, Papua New Guinea, Australia, Fiji, Mexico, New Zealand, Guatemala, El Salvador, Costa Rica, Nicaragua, Panama, Honduras, Chile, Ecuador, Colombia, Peru và Mỹ (gồm California, Oregon, Washington và nam Alaska)... Liên đoàn Chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ quốc tế cảnh báo sóng thần bắt nguồn từ trận động đất ở Nhật Bản thậm chí đã dâng cao hơn một số hòn đảo ở Thái Bình Dương và có thể "xóa sổ" các đảo này.

Các biện pháp cứu hộ được triển khai khẩn cấp
Chính phủ Nhật Bản đã thành lập nhóm quản lý thảm họa có trụ sở đặt tại Văn phòng Thủ tướng để thu thập thông tin về trận động đất và xử lý các thảm họa có thể có. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết Chính phủ đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp và phái Lực lượng phòng vệ (SDF) tới tỉnh Miyaghi để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn. Bộ Quốc phòng cũng đã điều 8 máy bay tới đánh giá thiệt hại tại các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Các tàu quân sự ở căn cứ Yokosuka, cách Tokyo khoảng 40km, cũng đã được lệnh tới tỉnh Miyaghi. Cơ quan cảnh sát quốc gia cũng có kế hoạch cử 900 nhân viên tới các khu vực bị ảnh hưởng.

Phía đông Nhật Bản bị tàn phá nặng nề.

Thủ tướng Naoto Kan đã lên truyền hình trấn an dân chúng. Ông cho biết các cơ sở điện hạt nhân ở khu vực này không bị ảnh hưởng và chưa phát hiện vụ rò rỉ hạt nhân nào. Ông kêu gọi người dân bình tĩnh và theo dõi thông tin thận trọng qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng ngày, các nỗ lực trợ giúp từ cộng đồng quốc tế cũng đã được triển khai. Văn phòng phối hợp hỗ trợ nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc tuyên bố, 30 đội tìm kiếm - cứu nạn quốc tế đã sẵn sàng tới Nhật Bản để trợ giúp công tác tìm kiếm nạn nhân. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố, nước này sẵn sàng cử nhóm cứu hộ khẩn cấp tới miền Đông bắc Nhật Bản. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin Đội cứu hộ Bầu trời xanh Chữ thập đỏ Bắc Kinh đã liên hệ với Đại sứ quán Nhật Bản đề nghị trợ giúp. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã lệnh cho Bộ Tình trạng khẩn cấp nước này trình lên những đề xuất đề nghị hỗ trợ Nhật Bản giải quyết hậu quả của trận động đất kinh hoàng nói trên. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, trong thư gửi Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, cũng tuyên bố: "Pháp sẵn sàng đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào từ phía Nhật Bản để giải quyết thảm họa này".

Tâm trấn của trận động đất.

Chứng khoán châu Á chao đảo
Chỉ ít giờ sau khi trận động đất mạnh đi kèm với sóng thần làm rung chuyển bờ biển đông bắc nước Nhật, chỉ số Nikkei tương lai đã giảm hơn 3%. Cùng lúc này, một loạt thị trường chứng khoán tại châu Á khác cũng đồng thời giảm điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) và Topix của Hàn Quốc đồng loạt giảm 1,6% vào cuối chiều nay. Giá trị đồng yen cũng giảm mạnh so với đôla Mỹ, xuống gần 83,3 yen/1 USD. Một số nhà phân tích kinh tế cho rằng, tuy yen Nhật vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư nhưng sau sự kiện động đất và sóng thần vừa qua, nhiều người sẽ quyết định bán đồng tiền này để mua USD. Các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại về chi phí khôi phục hạ tầng, kinh tế của Nhật sau trận động đất sẽ rất lớn. Điều này sẽ làm phồng hơn nữa túi nợ của nước Nhật. Nhiều khả năng trận động đất sẽ lấy đi ít nhất 1% GDP của Nhật Bản. Nước này sẽ mất khoảng một năm để phục hồi.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Động đất, sóng thần cực mạnh tàn phá phía đông Nhật Bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.