Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đóng cửa lò mổ lớn nhất HN: Nóng trước “giờ G”

Quỳnh - Hương| 16/11/2010 07:35

(HNM) - Theo Quyết định của UBND TP, từ ngày 1-12-2010 sẽ chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Thịnh, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (lò mổ Thịnh Liệt). Đây là chủ trương đúng của TP nên hầu hết đều nhận được sự đồng tình của nhân dân.


Băn khoăn nơi mới


Lò mổ Thịnh Liệt chuẩn bị đóng cửa. Ảnh: Văn Việt

Các chủ lò mổ Thịnh Liệt cho rằng: Khi chuyển đến cơ sở giết mổ mới tại Công ty TNHH Minh Hiền ở Cụm công nghiệp Bích Hòa (Thanh Oai) quá xa sẽ khiến cho khách hàng cũ của họ không tìm đến nơi mới để mua sản phẩm. Ngoài ra, cơ sở mới nhỏ bé, chật chội, chỉ đáp ứng đủ diện tích cho 6 đến 8 hộ giết mổ. Do đó, nếu như TP di chuyển tất cả 26 hộ ở đây vào sẽ rất khó khăn trong việc kinh doanh về đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm. Để các cơ sở giết mổ khi di chuyển đến địa điểm mới được thuận lợi, UBND TP Hà Nội đã ban hành cơ chế hỗ trợ các hộ giết mổ gia súc ở Thịnh Liệt di dời theo chủ trương của UBND TP với mức 10 triệu đồng/tháng, bằng mức giá thuê địa điểm giết mổ tại lò mổ Thịnh Liệt (tiền điện, nước, mặt bằng kinh doanh, thuê lò hơi) trong thời gian 6 tháng nhưng các hộ tỏ ra không mấy mặn mà với chính sách ưu đãi này của TP.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền, cho biết: Từ khi TP có chủ trương đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt đến cơ sở mới, ngay từ cuối tháng 10 hầu hết các chủ lò mổ đã đến đây đăng ký chỗ! Tuy nhiên, theo quan sát của PV, mặc dù tại cơ sở giết mổ Minh Hiền đã hình thành 26 ô cho 26 hộ giết mổ, nhưng đang trong quá trình hoàn thiện đã bị các chủ lò mổ Thịnh Liệt dùng sơn xịt tên mình lên trên tường. Người sau xóa tên người trước để xí chỗ cho mình, làm mất mỹ quan khu giết mổ. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, hiện tại đã có khoảng hơn nửa chủ lò ở Thịnh Liệt đến đăng ký và đặt tiền để nhận chỗ. Một số hộ còn muốn thuê từ 2-3 ô nhưng cơ sở mới chỉ đáp ứng cho mỗi hộ được 1 ô. Theo nhận định của bà Hiền thì khó khăn trước mắt là việc yêu cầu các hộ khi chuyển vào khu giết mổ mới phải thực hiện đúng theo quy trình giết mổ tập trung, bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm bởi nếp giết mổ thủ công đã hình thành từ lâu.

Cần lường trước khó khăn

Bà Phạm Tuyết Anh, Phó Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Thịnh, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai nhận định: Khi di chuyển các hộ tới lò mổ mới, việc xáo trộn, băn khoăn của các chủ lò là không tránh khỏi. Tuy nhiên, các chủ lò mổ cũng như tiểu thương bán buôn đều là người ở các huyện ngoại thành như Thường Tín, Thanh Oai, Hoài Đức… nên nếu có cách làm hợp lý, sau một thời gian hoạt động, các chủ lò và tiểu thương sẽ thích ứng với nơi mới.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội cho rằng: Thực hiện giết mổ tập trung sẽ giúp cho lực lượng thú y kiểm soát dịch bệnh dễ dàng, thuận tiện. Tuy nhiên, việc di chuyển 26 hộ này đến "ngôi nhà mới" không phải là điều đơn giản mà cần phải có cách làm hợp lý. Trên thực tế, cơ sở Minh Hiền chỉ bố trí được 83m2 cho một hộ nhưng ở Thịnh Liệt có những hộ có diện tích đến 150m2, vì vậy, TP nên nghiên cứu đưa một số hộ chuyển vào đây, một phần chuyển đến các cơ sở giết mổ tập trung khác. Chủ trương đúng nhưng nếu cách làm không hợp lý sẽ gây bức xúc cho người dân dẫn tới việc các hộ chống đối, tổ chức giết mổ nhỏ lẻ tại các địa phương hoặc bùng phát việc giết mổ chui tại nhà gây ô nhiễm môi trường, thất thu thuế cho Nhà nước và không kiểm soát được dịch bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đóng cửa lò mổ lớn nhất HN: Nóng trước “giờ G”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.