(HNM) - Trước tình trạng buôn lậu xăng dầu tràn lan tại các khu vực biên giới gây thất thoát hàng tỷ USD mỗi năm, Chính phủ Venezuela đã triển khai một chiến dịch lớn nhằm đối phó với vấn nạn này.
Tướng Vladimir Padrino Lopez - chỉ huy chiến dịch, cho biết Venezuela đã triển khai 17.000 binh lính dọc tuyến biên giới dài 2.200km với Colombia nhằm tăng cường an ninh và ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu tại đây. Theo Tướng Padrino Lopez, chiến dịch này sẽ kéo dài 30 ngày, sau đó các quan chức sẽ đánh giá kết quả để quyết định có tiếp tục thực hiện hay không. Nhà chức trách Venezuela cũng đã bắt đầu thực thi kế hoạch đóng cửa biên giới vào ban đêm (từ 22h đến 5h sáng hôm sau) từ ngày 11-8. Từ đầu tháng 8, trong cuộc thảo luận về vấn đề chống buôn lậu, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và người đồng cấp Colombia Manuel Santos đã nhất trí với giải pháp đóng cửa biên giới nói trên. Bên cạnh đó là hạn chế những chuyến xe chở hàng hóa từ Venezuela sang Colombia, nhằm ngăn chặn tình trạng vận chuyển xăng dầu, hàng hóa sản xuất ở Venezuela và những mặt hàng trợ giá sang Colombia.
Venezuela là một trong những nước có giá xăng rẻ nhất thế giới. Việc chính phủ kiểm soát giá cả có thể khiến lương thực và hàng hóa tiêu dùng tại nước này rẻ hơn ở Colombia tới 10 lần, dẫn tới bùng phát nạn buôn lậu ra nước ngoài. Việc chung đường biên giới kéo dài hơn 2.000km giữa hai quốc gia láng giềng góp phần cho vấn nạn này diễn ra dễ dàng hơn. Có khoảng 30 con đường buôn lậu kết nối thành phố biên giới Cucuta của Colombia với Venezuela, trong khi lực lượng cảnh sát không đủ để kiểm soát hết những con đường. Những kẻ buôn lậu mua xăng dầu được nhà nước trợ giá (với giá chỉ vài xu cho 1 gallon - khoảng 3,7 lít) ở Venezuela và sau đó đóng vào những chiếc bình nhựa để bán lẻ trên đường phố Cucuta với giá khoảng 4 USD/gallon. Do sự chênh lệch giá cả rất lớn giữa hai bên biên giới nên làn sóng buôn lậu thực phẩm và nhiên liệu từ Venezuela vào Colombia hiện đang tăng mạnh. Nạn buôn lậu tràn lan như vậy đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thực phẩm ở Venezuela. Trong khi đó, chủ các chuỗi siêu thị bên biên giới phía Colombia than phiền họ kinh doanh ế ẩm do thực phẩm buôn lậu tràn lan từ nước láng giềng.
Rodolfo Mora, lãnh đạo Văn phòng Liên đoàn thương nhân quốc gia Colombia ở thành phố Cucuta, nhận xét: "Làn sóng buôn lậu ồ ạt từ Venezuela là điều kinh khủng đối với các chủ siêu thị. Nó dẫn đến tình trạng kinh tế địa phương bị suy giảm trầm trọng". Một quan chức Venezuela thừa nhận nguồn thực phẩm ở quốc gia Nam Mỹ này hằng ngày bị tuồn qua Colombia với mức độ không thể kiểm soát được. Nhiều người dân ở vùng biên giới cũng sống nhờ vào thực phẩm buôn lậu và cũng vì đồng tiền mà họ sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ. Chính vì vậy, buôn lậu đã trở thành một phần trong cuộc tranh cãi căng thẳng về những vấn đề gây nên tình trạng thiếu thực phẩm ở Venezuela. Chính quyền cho rằng, giới doanh nhân vô trách nhiệm đã ra sức tích trữ hàng hóa và buôn lậu dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm tại nước này. Cùng với đó, tình trạng khan hiếm những mặt hàng cần thiết như sữa và giấy vệ sinh ở Venezuela là một trong các yếu tố mở đường cho những cuộc biểu tình chống chính phủ gây nhiều thương vong trong mấy tháng đầu năm nay.
Venezuela là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát thuộc hàng cao nhất thế giới và sự kiểm soát giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản của chính quyền - vốn được thiết kế nhằm giúp đỡ dân lao động nghèo - đã làm nản chí các nhà sản xuất thực phẩm vì họ khó tạo ra lợi nhuận do giá cả các mặt hàng quá thấp. Theo thống kê của Chính phủ Venezuela, từ đầu năm đến nay, hơn 40 triệu lít xăng dầu, 21.000 tấn thực phẩm đã được vận chuyển trái phép sang Colombia. Lượng thực phẩm này có thể cung cấp cho 700.000 người trong một tháng. Còn ước tính mỗi năm có khoảng 100.000 thùng dầu và 40% các mặt hàng thiết yếu của nước này bị tuồn lậu ra nước ngoài qua biên giới với Colombia, gây thất thoát khoảng 3,7 tỷ USD. Các nhóm buôn lậu các mặt hàng trên phần lớn thuộc băng nhóm tội phạm. Lợi nhuận sẽ được dùng để mua sắm vũ khí, ma túy.
Mới đây Tổng thống Nicolas Maduro cho biết sẽ lấy ý kiến người dân về việc tăng giá xăng dầu lần đầu tiên trong 15 năm. Sự kiện này chắc chắn sẽ ngăn chặn phần nào vấn nạn buôn lậu xăng dầu tồn tại nhiều năm qua tại Venezuela.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.