Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng chí Phan Trọng Tuệ - Người con ưu tú của quê hương Hà Nội

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải| 07/07/2017 04:57

(HNM) - Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Phan Trọng Tuệ (7/7/1917 - 7/7/2017), đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội có bài viết


Đồng chí Phan Trọng Tuệ, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đầy nhiệt huyết, sáng tạo, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân; được tôi luyện trong nhà tù đế quốc, trưởng thành trong phong trào cách mạng qua các thời kỳ và trở thành một trong các đồng chí lãnh đạo có uy tín của Đảng. Đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, đồng chí là người con ưu tú, là niềm tự hào của quê hương, dòng họ, nhất là những đóng góp của đồng chí đối với phong trào cách mạng của địa phương Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nội.

Đồng chí Phan Trọng Tuệ sinh ngày 7-7-1917 trong một gia đình yêu nước, ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây nay là TP Hà Nội.

Thời kỳ 1929-1930, gia đình đồng chí sinh sống tại đất nước Lào, khi mới 13 tuổi đồng chí đã tham gia tổ chức Ái Hữu, do bà Trịnh Thị Miễn (thân sinh của đồng chí Phan Trọng Tuệ) khởi xướng trên đất Lào. Đồng chí đã tích cực vận động mọi người cùng tham gia vào việc truyền bá tư tưởng yêu nước, đường lối cách mạng, chống thực dân xâm lược, áp bức.

Đồng chí Phan Trọng Tuệ (người đi giữa) đi kiểm tra cầu đường sắt qua sông Trà Khúc (năm 1977). Ảnh: Báo Giao thông


Năm 1934, khi 17 tuổi đồng chí Phan Trọng Tuệ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương trên đất nước Lào và được tổ chức phân công trực tiếp phụ trách phong trào thanh niên học sinh Trường Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Viêng Chăn. Năm 1935, sau khi tham gia vào một cuộc mít tinh lớn để phản đối Hòa ước mà triều đình nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp và đến phá nhà một tên mật thám ở Viêng Chăn, đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt giam 4 tháng. Sự việc này cùng với ảnh hưởng và những việc làm yêu nước của gia đình họ Phan đã khiến chính quyền sở tại lo sợ nên đã trục xuất cả gia đình đồng chí về thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây chịu sự quản thúc của chính quyền tay sai.

Trong thời gian sinh sống tại quê hương, đồng chí đã cùng các đồng chí của mình nhanh chóng khôi phục các hoạt động cách mạng. Tháng 8-1936, “Tổ Cộng sản Đa Phúc” đã được thành lập ngay tại nhà đồng chí; tổ gồm 3 thành viên chủ chốt là: Đồng chí Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Văn Thỏa, Đào Văn Tiễu. “Tổ Cộng sản Đa Phúc” ra đời đã nhanh chóng tuyên truyền, vận động cách mạng trong quần chúng nhân dân, giác ngộ tinh thần cộng sản cho thanh niên, lựa chọn quần chúng tích cực để xây dựng tổ chức và tìm cách bắt liên lạc với Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1937, đồng chí Phan Trọng Tuệ trực tiếp phụ trách Chi bộ Đảng ở xã Sài Sơn và tìm mọi cách liên lạc với Thành ủy Hà Nội. Mùa thu năm 1937[1], “Tổ Cộng sản Đa Phúc” được chuyển thành Chi bộ dự bị do đồng chí làm Bí thư. Đầu năm 1938, đồng chí Trần Quý Kiên, Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp về Đa Phúc công nhận Chi bộ dự bị Đa Phúc thành chi bộ chính thức của Đảng. Tổ Cộng sản ở Đa Phúc, Sài Sơn, Quốc Oai ra đời có ý nghĩa rất lớn tạo điều kiện thúc đẩy phong trào cách mạng ở huyện Quốc Oai, các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nội... trong lúc này vai trò lãnh đạo của đồng chí Phan Trọng Tuệ đối với “Tổ Cộng sản Đa Phúc” là rất lớn.

Tháng 10-1940, Xứ ủy Bắc kỳ ra Quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Sơn Tây, chỉ định Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 ủy viên. Đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây khi đồng chí mới 23 tuổi.
Từ tháng 2-1941 đến tháng 9-1941, đồng chí Phan Trọng Tuệ được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông; sau đó Xứ ủy Bắc kỳ phân công đồng chí làm Bí thư liên Tỉnh ủy gồm: Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam. Cho đến cuối năm 1941, đồng chí là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ phụ trách công tác binh vận.

Tháng 5-1943, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập 2 Xứ ủy viên là đồng chí Trần Tử Bình, Phan Trọng Tuệ tổ chức cuộc họp tại tỉnh Hà Nam để triển khai công tác củng cố phong trào cách mạng. Sau cuộc họp, do bị lộ đồng chí Phan Trọng Tuệ bị mật thám Pháp bắt và tạm giam tại Hà Nam, sau đó chuyển đến Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Dưới đòn roi tra tấn dã man của thực dân Pháp, đồng chí đã giữ vững khí tiết của người cộng sản một lòng kiên trung với lý tưởng cách mạng của Đảng. Không khai thác được các thông tin bí mật về tổ chức Đảng từ đồng chí, thực dân Pháp kết án đồng chí 27 năm tù giam khổ sai, đưa đi Nhà tù Sơn La rồi bị đày ra Côn Đảo cùng với hơn mười tù chính trị khác. Tại Nhà tù Côn Đảo, đồng chí tham gia hoạt động trong tổ chức Đảng cùng các đồng chí: Nguyễn Thọ Chân, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Mai Chí Thọ, Trần Xuân Độ…, đồng chí được phân công là chi ủy viên khối Hà Nội - Sơn La.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí cùng tham gia hoạt động trong Ban trật tự Côn Đảo. Ngày 20-9-1945, đồng chí cùng với nhiều tù chính trị khác trong đó có Bác Tôn và đồng chí Lê Duẩn được Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ đón về đất liền.

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, các cựu tù chính trị Côn Đảo được phân công đi các tỉnh miền Nam và miền Trung lãnh đạo kháng chiến. Đồng chí Phan Trọng Tuệ được phân công ở lại miền Tây Nam Bộ trên cương vị Thanh tra kháng chiến ở tỉnh Hậu Giang, Ủy viên liên Tỉnh ủy (gồm 10 tỉnh miền Tây Nam Bộ).

Từ năm 1947 đến 1950, đồng chí Phan Trọng Tuệ được cử giữ chức Chính trị viên Khu 9; Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Chính ủy Khu VII; Thanh tra Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Từ năm 1952 đến năm 1954, đồng chí làm Tư lệnh, sau đó Phó Tư lệnh kiêm Chính ủy Phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Từ tháng 8-1954, đồng chí là Đại tá, Phó Trưởng đoàn Liên hiệp đình chiến Nam Bộ rồi Quyền Trưởng đoàn đại biểu Bộ tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến Trung ương, đồng thời đồng chí cũng giữ vai trò Phó Trưởng đoàn Liên hiệp đình chiến Trung ương. Năm 1954, đồng chí cùng các lực lượng vũ trang của ta tập kết ra miền Bắc, góp phần xây dựng lực lượng công an vũ trang lớn mạnh. Sau đó đồng chí được phong cấp Thiếu tướng, giữ chức Phó Tổng Thanh tra Quân đội. Đầu năm 1958, đồng chí được Nhà nước ra Quyết định giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an. Ngày 3-3-1959, khi lực lượng Công an vũ trang thành lập, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang, là một người chỉ huy cương quyết mưu trí nắm vững và vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng trong vấn đề đoàn kết dân tộc.

Từ năm 1961 đến 1974, đồng chí Phan Trọng Tuệ là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III, IV; đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VI; Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải; Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đường mòn Hồ Chí Minh, là Tư lệnh đầu tiên của con đường Trường Sơn huyền thoại gắn liền với con đường huyền thoại Đường 20 Quyết thắng; Bí thư Đảng ủy Giao thông vận tải Trung ương kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh đảm bảo giao thông vận tải Quân khu 4 chi viện cho chiến trường miền Nam, đặc biệt trong giai đoạn diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - 1968.

Tháng 4-1973 đến năm 1976, đồng chí Phan Trọng Tuệ giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời gian này, đồng chí đã cùng Phó Thủ tướng Đỗ Mười thay mặt Chính phủ chỉ đạo việc phát triển đường Trường Sơn thành đường chuẩn quốc gia; đây là một quyết định chiến lược, góp phần quan trọng tạo thế và lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Năm 1980, trong những ngày khó khăn nhất của cách mạng Campuchia, đồng chí được cử làm Phó Tổng đoàn chuyên gia của Chính phủ Việt Nam giúp Campuchia về xây dựng kinh tế; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, với nhiều cương vị công tác, lĩnh vực địa bàn phong phú, đồng chí Phan Trọng Tuệ luôn là một chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng, tận tụy vì dân vì nước, không sợ hy sinh gian khổ, luôn bám dân, gây dựng và phát triển được phong trào cách mạng. Khi bị địch bắt cầm tù, tra tấn cực hình, nhưng vẫn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, đồng chí được Đảng, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao giữ nhiều chức vụ quan trọng, ở bất cứ cương vị lãnh đạo, lĩnh vực công tác nào đồng chí cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, đồng chí đã có công lớn trong việc xây dựng ngành Giao thông vận tải lớn mạnh và đáp ứng yêu cầu khôi phục kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.

Với những công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Phan Trọng Tuệ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương, huy hiệu, danh hiệu cao quý khác.

Viết về đồng chí Phan Trọng Tuệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành những lời trân trọng về đồng chí Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ: “Đồng chí Phan Trọng Tuệ, người Cộng sản kiên trung, một vị tướng, một cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước có đức độ và tài năng, hết lòng vì nước vì dân. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, gia nhập Đảng từ năm 1934 lúc mới 17 tuổi, đã 2 lần bị địch bắt, tù đày, tra tấn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết... Với tôi, đồng chí là người bạn chiến đấu thuỷ chung”.

Đối với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội, đồng chí Phan Trọng Tuệ, người cộng sản kiên trung đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sớm giác ngộ cách mạng và trở thành nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây trong những năm tháng gian khó của cách mạng. Cũng chính những năm tháng được tôi luyện trong các phong trào đấu tranh cách mạng, đã hình thành trong đồng chí tác phong sâu sát quần chúng, chan hòa, gần gũi với nhân dân, với cán bộ, chiến sĩ, người lao động, luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mọi người để vận động, giác ngộ, xây dựng lực lượng và bảo vệ thành quả của cách mạng. Đồng chí đã cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân. Đồng chí là một vị tướng, một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước có đức độ và tài năng, ham học hỏi, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, lối sống giản dị, trong sáng, chân thành và thuỷ chung, đoàn kết mọi người. Những kinh nghiệm thực tiễn và những đóng góp quan trọng của đồng chí Phan Trọng Tuệ và các đồng chí cách mạng lão thành là nguồn động lực cổ vũ to lớn đã và đang trở thành tài sản quý giá đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô, nhất là thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trân trọng những đóng góp của đồng chí, Thủ đô Hà Nội đã đặt tuyến đường mang tên Phan Trọng Tuệ nằm ở huyện Thanh Trì. Một số trường học Thủ đô vinh dự được mang tên người chiến sĩ cộng sản trung kiên Phan Trọng Tuệ.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Phan Trọng Tuệ (7/7/1917 - 7/7/2017) - người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Thủ đô nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thực hiện tốt Nghị quyết XVI của Đảng bộ TP Hà Nội, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đó chính là ý chí, quyết tâm và hành động cách mạng thiết thực, có ý nghĩa cao đẹp nhất để tưởng nhớ, tri ân đồng chí Phan Trọng Tuệ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Đảng bộ Thủ đô trong thời kỳ mới.
--------

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội, tập 1 (1926-1945), NXB Chính trị Quốc gia 2012.
3. Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Các kỳ Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội, NXB Chính trị Quốc gia 2015.
4. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây, Lịch sử Đảng bộ Hà Tây, tập 1 (1926-1945).
5. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây, Lịch sử Đảng bộ Hà Tây, tập 2 (1945-1954).
6. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quốc Oai, Lịch sử Đảng bộ huyện Quốc Oai, tập 1 (1930-1945); tập II (1945-1954).
7. Nhiều tác giả, Phan Trọng Tuệ vị tướng đức độ, tài năng, NXB Giao thông vận tải năm 2005.
[1] Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội, tập I giai đoạn 1926-1945.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng chí Phan Trọng Tuệ - Người con ưu tú của quê hương Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.