(HNMO) - Sáng 7-5, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội Đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc với cử tri hai quận Cầu Giấy và Thanh Xuân trước kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các sở, ban, ngành.
Báo cáo với cử tri hai quận Cầu Giấy và Thanh Xuân về dự kiến nội dung kỳ họp thứ chín, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ họp thứ chín dự kiến diễn ra trong 2 đợt. Đợt 1 tổ chức theo hình thức họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20-5 đến ngày 4-6). Đợt 2, các đại biểu họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 10-6 đến ngày 19-6).
Tiếp đó, đại biểu Đào Tú Hoa (Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân Tối cao) trình bày báo cáo trả lời kiến nghị cử tri ở kỳ tiếp xúc trước.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri hai quận đánh giá cao Đảng, Nhà nước và thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tâm huyết, trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch Covid-19, đến nay đã cơ bản kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân. Đặc biệt, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020, của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được chi trả rất kịp thời, giúp các nhóm đối tượng giảm khó khăn.
Cử tri Vũ Dũng (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) kiến nghị, khi thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, cần phân rõ mô hình tổ dân phố đô thị, tổ dân phố nông thôn. Từ đó, thành phố cân nhắc chức danh kiêm nhiệm ở tổ dân phố, vì nếu bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thì chức năng giám sát sẽ bị hạn chế.
Cử tri Đào Ngọc Trình (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) đề nghị Quốc hội thông tin rõ cho người dân việc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm đưa vào hoạt động thì trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nào để tuyến đường sắt này sớm hoạt động, tránh lãng phí? Cử tri Lê Đình Can (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) đề nghị Nhà nước xử lý nghiêm các trường hợp chống đối, vi phạm, cố tình cản trở, làm trái quy định trong phòng, chống dịch Covid-19; có quyết sách kịp thời để khôi phục nền kinh tế sau dịch...
Phát biểu tiếp thu các ý kiến của cử tri, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận, bày tỏ phấn khởi khi các ý kiến của cử tri đều khẳng định, đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước và thành phố Hà Nội. Kết quả đó có được, bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, còn nhờ sự đồng thuận và công sức rất lớn của nhân dân.
“Tại phiên họp thảo luận đánh giá về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ phản ánh đến Quốc hội về đánh giá của nhân dân; đề xuất hình thức khen thưởng đối với các lực lượng chống dịch, đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm”, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Báo cáo với cử tri về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Hà Nội là địa bàn bị ảnh hưởng do dịch nhiều nhất với 13 khu cách ly tập trung, tiếp nhận hàng nghìn người cách ly trong thời gian ngắn, cấp bách. Trước khó khăn do dịch, thành phố cũng đã rà soát, hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng và tới đây sẽ tiếp tục rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng khác để hỗ trợ, với mục đích để người dân khắc phục khó khăn, ổn định đời sống.
Về kiến nghị của cử tri trong thực hiện sáp nhập các thôn, tổ dân phố, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, vấn đề này Thành ủy đã nghe báo cáo và sẽ chỉ đạo xem xét từng mô hình cụ thể. Quan điểm của thành phố là đối với tổ dân phố có hơn 300 hộ dân thì có một tổ phó tổ dân phố; tổ dân phố có từ 600 hộ dân trở lên thì có hai tổ phó. Thời gian tới, khi thành phố triển khai mô hình chính quyền đô thị sẽ có đề án về việc này, cùng với việc sắp xếp cán bộ cấp phường, nhằm bảo đảm chính sách cán bộ.
Về tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, công trình này do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị các bước để đưa vào vận hành trong thời gian tới. Vừa qua, Thành ủy đã lập tổ công tác để đẩy nhanh việc vận hành tuyến đường sắt này; đồng thời, HĐND thành phố cũng đã thông qua chủ trương đầu tư thêm hai tuyến đường sắt đô thị để kết nối với tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Đối với công tác bảo vệ môi trường, thành phố đã có nhiều giải pháp để xử lý ô nhiễm tại các ao, hồ. HĐND thành phố cũng đã thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm giảm phương tiện giao thông quá hạn và phương tiện cá nhân, để tạo môi trường không khí tốt hơn. Về vấn đề nước sạch, thành phố cũng đặt chỉ tiêu cung cấp 100% nước sạch cho người dân cả ở nông thôn và đô thị, đến nay đã có 72% người dân có nước sạch để sử dụng.
Cảm ơn những ý kiến tâm huyết của cử tri, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc mong muốn, trong quá trình theo dõi kỳ họp thứ chín tới đây, cử tri tiếp tục phản ánh thêm các vấn đề quan tâm. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tiếp thu, chuyển đến cơ quan liên quan xem xét, giải quyết đúng thẩm quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.