Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng chí Nguyễn Tạo trong thời kỳ khôi phục tổ chức Đảng

Thạc sĩ Phạm Kim Thanh| 17/03/2020 07:04

(HNMO) - Đồng chí Nguyễn Tạo (1905-1994) - đại biểu Quốc hội các khóa I, II, IV, V - là người có nhiều công lao đóng góp cho phong trào cách mạng của Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Những năm thực dân Pháp khủng bố trắng, đồng chí có vai trò lớn trong việc khôi phục tổ chức Đảng ở Hà Nội, tiếp đó là Thanh Hóa. Từ đây, những cơ sở Đảng ở Bắc Bộ, mà tâm điểm là Hà Nội lan dần như những đốm lửa, để phát triển thành phong trào cách mạng rộng khắp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Tạo.

Gây dựng các tổ chức Đảng bí mật

Đồng chí Nguyễn Tạo (bí danh Trần Châu Phong, Nguyễn Phủ Doãn), sinh năm 1905, tại xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình Nho học giàu truyền thống yêu nước. Bộc lộ tư chất thông minh từ nhỏ, lại sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học, nên Nguyễn Tạo giỏi cả Hán văn và Quốc ngữ...

Nhưng do hoàn cảnh gia đình và thời cuộc nên Nguyễn Tạo không thể tiếp tục học lên cao mà sớm tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1927, Nguyễn Tạo là đảng viên của Tân Việt Cách mạng Đảng (Đảng Tân Việt) được cử ra Hà Nội, phụ trách Kỳ bộ của Đảng Tân Việt tại Bắc Kỳ và Hà Nội. Tháng 9-1929, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản liên đoàn, sau đó ra Hải Phòng hoạt động và bị địch bắt ngày 31-3-1931, giam ở nhà tù Hỏa Lò. 

Ngày 25-12-1932, Nguyễn Tạo cùng 6 đồng chí khác đã vượt ngục Hỏa Lò, trở về với Đảng. Và cũng từ vụ vượt ngục táo bạo đó, Nguyễn Tạo có thêm biệt danh là Nguyễn Phủ Doãn, hay như một số anh em, đồng chí gọi tắt là Tạo Doãn. 

Sau khi vượt ngục Hỏa Lò, Nguyễn Tạo và Lê Đình Tuyển đã liên lạc được với chi bộ Đảng bí mật tại làng Trung Tự (gần chợ Khâm Thiên, Hà Nội). Tại đây, đồng chí Nguyễn Tạo đã góp nhiều ý kiến cho chi bộ tiến hành biên soạn tài liệu huấn luyện và phát triển cơ sở cách mạng.

Đầu năm 1933, đang hoạt động bí mật tại Ninh Bình, do bị lộ và bị kẻ địch truy bắt, đồng chí Nguyễn Tạo đã lên Phúc Yên, làm việc và trú ngụ tại đồn điền của địa chủ Đỗ Đình Thông tại Đa Phúc (nay là thôn Tân Yên, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Khi đến đồn điền, đồng chí Nguyễn Tạo đã gần gũi quần chúng lao động, chọn ra một số người để tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng. 

Giữa tháng 3-1933, đồng chí Nguyễn Tạo đã triệu tập các đảng viên đến họp ở khu Lò Bát (thôn Tân Yên, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), tuyên bố thành lập chi bộ Tân Yên - Đa Phúc. Chi bộ có 6 đảng viên do đồng chí Nguyễn Tạo làm Bí thư. Để có tài liệu tuyên truyền, chi bộ đã ra tờ báo mang tên “Tia Sáng”. Tuy chỉ xuất bản được 3 số, nhưng báo “Tia Sáng” đã góp phần quan trọng trong công tác giáo dục đảng viên, vận động quần chúng tại khu vực Đa Phúc, Phúc Yên...

Sau một thời gian hoạt động, chi bộ Tân Yên - Đa Phúc đã kết nối liên lạc được với các tổ chức đảng tại vùng Hà Nội, Vĩnh Yên, Hưng Yên, Sơn Tây, Tuyên Quang, rồi phát triển vào tận Thanh Hóa... Tranh thủ các buổi tối rảnh rỗi, đồng chí Nguyễn Tạo và đồng chí Lê Đình Tuyển đã ghi lại và chuyển về cho chi bộ dự bị của Đảng bộ Hà Nội các tài liệu cốt yếu của Đảng. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Tạo đã viết tài liệu “Phương án tổ chức cơ sở Đảng” đưa về cơ sở ở ấp Thái Hà nhằm từng bước phát triển chi bộ bí mật ở đầu não chính quyền địch.

Những chặng đường cách mạng vẻ vang

Tháng 9-1933, đồng chí Nguyễn Tạo bị lộ ở Tân Yên, phải chuyển vào hoạt động tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ở xứ Thanh, đồng chí Nguyễn Tạo vẫn giữ mối liên hệ với chi bộ ở Hà Nội. Các tài liệu của chi bộ được bí mật chuyển ra Hưng Yên, Từ Sơn, Vĩnh Yên, Phúc Yên... Số đảng viên của Hà Nội và các tỉnh lên tới 30 đồng chí. 

“Trước sự phát triển đó, những người cộng sản hoạt động ở Hà Nội thấy cần phải lập một cơ quan lãnh đạo lâm thời của cấp Xứ và các tỉnh, thành. Do đó, một cuộc họp gồm đại biểu của các địa phương được triệu tập vào cuối tháng 3-1934 tại nhà đồng chí Hoàng Đình Dinh ở ấp Thái Hà. Nhưng do thiếu cảnh giác, hầu hết các đại biểu đều bị sa lưới mật thám”(3).

Sau sự kiện này, mật thám đã bắt thêm nhiều đảng viên ở các tỉnh, thành khác. Đồng chí Nguyễn Tạo cũng bị địch bắt tại đồn điền Vạn Lạc, ấp Hải Mao, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 18-4-1934(4). Nguyễn Tạo bị địch giam tại Hỏa Lò lần thứ hai, bị kết án 5 năm tù, cộng với án cũ 20 năm, tổng cộng chịu mức án 25 năm. Bị đày ải qua nhiều lao tù trong các năm 1941-1942 nhưng đêm 5-12-1942, Nguyễn Tạo và một số đồng chí khác đã vượt ngục thành công. 

Chuyển địa bàn hoạt động vào Nghệ An, Nguyễn Tạo bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng địa phương tiếp tục hoạt động chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám. Giữa năm 1945, Nguyễn Tạo được Trung ương phân công tham gia Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nghệ An. Ngày 21-8-1945, quần chúng vùng dậy giành chính quyền tại Vinh. Nguyễn Tạo được phân công phụ trách Ty trinh sát Nghệ An.

Sau đó, Nguyễn Tạo được điều ra Hà Nội làm Phó Giám đốc Nha công an Bắc Bộ. Đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc phá vụ án tại phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội), đập tan âm mưu của Quốc dân đảng phản động câu kết với thực dân Pháp lợi dụng ngày Lễ Quốc khánh Pháp (14-7-1946) hòng lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Tạo là Trưởng ty Điệp báo Nha công an Trung ương (1947-1950), sau đó, được cử về làm Trưởng ty Công an Hà Nội (1950-1951), rồi làm Cục trưởng Cục Chấp pháp đầu tiên của Bộ Công an (1953). Năm 1957, đồng chí được điều sang làm Thứ trưởng Bộ Nông Lâm (1958-1961), Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (1961-1971), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp trung ương (1971-1975). Năm 1975, đồng chí Nguyễn Tạo nghỉ hưu. Với những cống hiến cho đất nước, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất. 

Đồng chí Nguyễn Tạo đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc khôi phục tổ chức Đảng (trong đó có nhiều tổ chức Đảng ở Hà Nội) ở những giai đoạn khó khăn của thời kỳ đầu thành lập Đảng. Những đốm lửa ấy đã góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Thủ đô và cả nước trở thành ngọn lửa đốt cháy quân thù, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng phồn thịnh như ngày nay.

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồi ký của đồng chí Nguyễn Trần Đỗ, lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

(2) Tư liệu về chi bộ Tân Yên của Huyện ủy Sóc Sơn.

(3) Thành ủy Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội.

(4) Nguyễn Tạo, Sách “Chúng tôi vượt ngục”, trang 176.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng chí Nguyễn Tạo trong thời kỳ khôi phục tổ chức Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.