Hồng Hà mênh mông, đưa nước trên nguồn về xuôi”... Dòng chảy ấy, năm này qua năm khác cứ xuôi về mà hòa vào Biển Đông như quy luật của muôn đời không thay đổi. Và quả thật không gì thay đổi được! Dòng chảy ấy cũng như thời gian vậy, cứ trôi, cứ trôi…, năm này qua năm khác, vẻ như chẳng liên quan đến ai, đang nằm ngoài số phận của mỗi con người.
“Hồng Hà mênh mông, đưa nước trên nguồn về xuôi”...
Dòng chảy ấy, năm này qua năm khác cứ xuôi về mà hòa vào Biển Đông như quy luật của muôn đời không thay đổi. Và quả thật không gì thay đổi được! Dòng chảy ấy cũng như thời gian vậy, cứ trôi, cứ trôi…, năm này qua năm khác, vẻ như chẳng liên quan đến ai, đang nằm ngoài số phận của mỗi con người.
Liệu có phải thế chăng? Nếu chúng ta lần theo dấu vết dòng chảy ấy, gắn kết với sự thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội, với lịch sử dân tộc Việt... thì dòng chảy ấy không nằm ngoài ta, không vô cảm xuôi dòng, mà dường như cuộn chảy, khi hiền hòa, lúc hung dữ và cũng đổi dòng theo thời gian với cả nghĩa đen và nghĩa sâu xa của sự đổi dòng thời cuộc. Hơn lúc nào hết, khúc sông Hồng qua Thăng Long - Hà Nội có lịch sử đặc hữu về sự đổi dòng sâu xa ấy.
Nếu nhớ về những trận lũ lịch sử, người Hà Nội hẳn không khỏi khiếp sợ dòng sông Hồng hung dữ. Dòng chảy của nó cuốn phăng đi của cải, trâu bò và cả người nữa. “Thủy, hỏa đạo tặc”, nhưng khiếp nhất vẫn là “thủy” - “nhất thủy, nhì hỏa” mà! Truyền thuyết về Sơn Tinh có phép lạ, nước dâng đến đâu, núi dâng cao tới đó để chiến thắng Thủy Tinh, có lẽ cũng là mơ ước của người dân vùng châu thổ sông Hồng, trong đó có Hà Nội. Thực tế lịch sử với những con đê dài ngăn lũ sông Hồng có từ hàng ngàn năm nay thể hiện sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây trước thiên nhiên. Mặc dù sông Hồng nay đã được điều tiết khá hiệu quả bởi các đập thủy điện Hòa Bình và Sơn La, nhưng nỗi ám ảnh về sự hung dữ của nó vẫn còn hiện hữu.
Phải chăng, chính vì lẽ đó mà sông Hồng không được ứng xử đúng với những gì nó đã đem lại cho con người hàng triệu năm nay? Cả một vùng châu thổ trù phú do nó bồi đắp hàng triệu triệu tấn phù sa mang lại sự sống cho người dân vùng Đồng bằng sông Hồng! Và bởi thế, nó cũng làm nên cả một vùng văn hóa rực rỡ, giàu bản sắc văn hóa trồng lúa nước, cơ sở của văn hóa Việt Nam. Phải chăng, những hạt phù sa âm thầm, lặng lẽ đó không còn ý nghĩa với con người trong thời đại mà người ta có thể “chế” ra gạo, thịt! Dẫu có thể “chế” ra gạo thịt mà nuôi sống con người, thì liệu chúng ta, cuộc sống của hàng chục triệu người bên sông Hồng, cuộc sống của Thủ đô Hà Nội có còn cần sông Hồng nữa không? Nếu sông Hồng không còn chảy nữa thì cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao đây? Có lẽ sẽ có người bảo: Ai mà lại đặt ra giả thiết điên rồ đến thế? Thưa không! Sông Lừ, sông Sét, sông Tô Lịch chưa chết, nhưng cũng đã nhiều phen ngắc ngoải và đến bây giờ vẫn còn nguyên tiếc nuối của những người hiểu về những dòng sông này trong lịch sử. Ở Thủ đô ta, nay còn sông Nhuệ cũng đang trong tình trạng chẳng được thơ mộng như xưa...
Nói về sông Hồng để nhớ về những dòng sông khác, như nhớ về tình người, nhớ về cội nguồn đời sống của con cháu mai sau để mà thức tỉnh khi còn chưa muộn. Có ai tự hỏi: Chúng ta đã đối xử với sông Hồng ra sao? Ngoảnh lưng vào nó! Đổ mọi thứ rác thải “rắn, mềm” ô uế vào nó… Rồi đào bới, khoét sâu vào lòng nó một cách không thương tiếc, miễn là thu được nhiều tiền! Ứng xử với sông như vậy thì làm sao sông có thể tử tế với người đây?! Các dự án liên quan thì chỉ tính cái lợi trước mắt mà vô cảm với dòng sông đã nuôi sống con người biết bao đời nay. Những người được coi là thận trọng thì lánh xa nó, không đụng chạm đến nó, mà quên rằng lịch sử tiến hóa của biết bao tộc người là bên những dòng sông.
Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến là một trong những thành phố có lịch sử lâu đời bậc nhất trên thế giới cũng nằm bên dòng sông đỏ nặng phù sa và ghi dấu biết bao chiến tích anh hùng của một dân tộc anh hùng. “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu”, lời thơ của vị lão tướng kiệt xuất trong lịch sử như vẫn còn vang vọng đâu đây. Theo dòng sông Hồng, theo dòng lịch sử dân tộc ta, kể sao hết những chiến công hiển hách. Nếu không giữ cho sông Hồng mãi mãi là sông Hồng với màu đỏ phù sa tự nhiên, tự tại ngàn đời - “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”, liệu chúng ta có ngẩng đầu lên được không?! Vậy mà mấy ngày cuối năm 2016 có những kẻ còn ngang nhiên đổ hàng trăm tấn bùn bẩn xuống sông Hồng! Họ có còn là người Việt không?! Hãy nhớ rằng: Sông cũng có tình, có tình như người vậy.
Gần hai chục năm trước đã có người thuyết trình về ý tưởng “cải tạo sông Hồng thành dòng chảy hiền hòa giữa lòng Hà Nội, xây bãi giữa thành con thuyền thời đại của Thủ đô”. Thuyết lý rằng: Đừng đối xử với sông Hồng như kẻ gây đại họa và sóng dữ. Hãy kính cẩn, trân trọng dòng sông như ân nhân đã từng bao bọc Hà Nội mà sinh tồn! Ngày nay, Hà Nội đủ lớn trong hội nhập và công nghệ thì hãy ôm lấy nó vào lòng mình mà vươn lên như sức vươn Phù Đổng. Lãng mạn quá ư?! Chẳng phải ngày xưa cha ông ta vẫn đi những chiếc thuyền nan nhỏ bé qua sông? Nay cầu Long Biên có thể giữ lại như một di sản để nhường cho các cây cầu hiện đại: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân… và chắc sẽ còn nữa những con rồng thép mới sẽ được bắc qua sông. Các khu công nghiệp và khu đô thị hiện đại hai bờ sông Hồng đã và đang hình thành làm thay đổi diện mạo của Thủ đô. Khi ấy, Hà Nội không còn “trong sông” nữa mà sông đã nằm trọn giữa lòng Hà Nội. Khi ấy, bãi giữa như con thuyền chất đầy ngọc quý của lịch sử Thăng Long bước vào thời hội nhập. Dẫu chưa được hoàn toàn như thế thì cũng hãy để cho “Hồng Hà mênh mông đưa nước trên nguồn về xuôi” theo dòng thời gian hàng ngàn năm vẫn vậy: Thăng Long - Hà Nội, nơi hội tụ bốn phương, tỏa sáng muôn đời!
Ngày cuối năm, theo dòng thời gian luận về dòng chảy sông Hồng mà như cảm được dòng chảy trong trái tim người Hà Nội!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.