(HNM) - Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi lớn, đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy; tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chưa khai thác hết tiềm năng. Hiện các ban, ngành trung ương đang phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp để phát huy tối đa lợi thế giao thông thủy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Thiếu hạ tầng đường thủy lưu chuyển hàng hóa
Theo Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020, toàn vùng đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của khu vực vào khoảng 17-18 triệu tấn/năm. Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng phát triển giao thông thủy tốt nhất cả nước, với hệ thống đường thủy dài 28.000km; 7 cảng biển, 57 cảng thủy nội địa và gần 4.000 bến thủy.
Tuy nhiên, so với nhu cầu thì cảng sông, cảng biển tại Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Sông Hậu dù có dòng chảy lớn, thuận lợi cho giao thông thủy, nhưng cửa Định An đổ ra biển lại luôn bị phù sa bồi lắng, khiến độ sâu chỉ dưới 3m, tàu lớn không thể từ biển vào nội địa để chuyên chở hàng hóa… Vì vậy, khoảng 70% hàng hóa xuất khẩu của vùng vẫn phải theo đường bộ hoặc đi sà lan nhỏ lẻ theo đường thủy về các cảng ở Đông Nam Bộ để vận chuyển đi các nơi.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy cho biết: "Nếu có hệ thống giao thông thủy và logistics tốt, giá thành nông sản xuất khẩu có thể giảm hơn 15 lần so với phải vận chuyển bằng đường hàng không như hiện nay". Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau) Chu Văn An cho rằng, sẽ rất tốt nếu hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp từ các cảng của Đồng bằng sông Cửu Long đi các địa phương trong nước và quốc tế, vì vừa giảm giá thành, vừa bảo đảm chất lượng nông thủy sản.
Tăng cường đầu tư để phát huy hiệu quả
Bộ Giao thông - Vận tải và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có chung nhận định: Cần phát huy hết tiềm năng giao thông thủy nội địa và cần có một cảng biển quốc tế tầm cỡ, phục vụ phát triển. Cụ thể, về phát triển giao thông thủy nội địa, các bộ, ngành trung ương và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp xây dựng kế hoạch khai thác triệt để hai tuyến kênh chiến lược, gồm kênh Chợ Gạo và kênh Quan Chánh Bố.
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết, tuyến kênh Chợ Gạo (dài 28,5km), là tuyến đường thủy ngắn nhất từ tỉnh Tiền Giang và các tỉnh ven sông Tiền về thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, có khoảng 1.800 tàu tải trọng từ 200 tấn đến 1.000 tấn; sà lan trọng tải trên 3.000 tấn hoặc sà lan chở container trên 120 Teus (đơn vị đo lường trong vận tải biển) lưu thông thuận lợi hai chiều trên kênh. Tuy nhiên, toàn tuyến đang có 150 điểm sạt lở, lấn sâu vào bờ từ 2m đến 20m, ảnh hưởng đến giao thông thủy. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông - Vận tải thông tin, sẽ đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng để nạo vét luồng chạy tàu bờ Nam kênh, hợp làm bờ kè, đường dân sinh. Dự kiến, dự án khởi công năm 2021, hoàn thành năm 2023.
Trong khi đó, kênh Quan Chánh Bố và kênh Tắt thuộc dự án tạo luồng cho tàu lớn có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải, từ các cảng trên sông Hậu qua tỉnh Trà Vinh ra biển, tránh cửa Định An. Hiện dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 (thông luồng kỹ thuật với kinh phí khoảng 7.555,7 tỷ đồng) và đưa vào khai thác. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ hàng hải Hậu Giang Võ Thanh Phong, cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện, duy tu tuyến kênh có tính chất sống còn với ngành logistics toàn vùng này. Về vấn đề này, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, đang nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền cân đối, bố trí vốn, sớm thực hiện giai đoạn 2 (kinh phí khoảng 2.225,5 tỷ đồng) để hoàn tất dự án.
Về xây dựng cảng biển quốc tế cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông - Vận tải thông tin, trong tháng 4-2021, sẽ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt dự án cảng biển nước sâu quốc tế Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) với tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng, có đường ra khu bến chính ngoài khơi, cách bờ hơn 15km, cho phép tàu trọng tải đến 100.000 tấn cập bến. Ngoài ra, cảng sẽ được kết nối vào các tuyến đường bộ liên vùng, tạo thành mạng lưới vận chuyển hàng hóa thông suốt. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến đầu tư khoảng 57.000 tỷ đồng cho lĩnh vực Giao thông - Vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm cả phát triển đồng bộ giao thông thủy, để toàn vùng phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.