(HNM) - Theo quy hoạch quốc gia, đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Hiện nhiều địa phương trong vùng đã, đang và sẽ xây dựng các nhà máy điện chạy khí thiên nhiên, điện gió và điện mặt trời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.
Bắt đầu hình thành những khu vực năng lượng sạch
Tham gia cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Dự thảo quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, liên doanh Tư vấn Royal Haskoning DHV (Hà Lan) và GIZ (Đức) đã nêu lên tiềm năng to lớn của các nguồn năng lượng sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, khu vực này có 90% số ngày nắng cường độ cao trong năm, thích hợp phát triển điện mặt trời. Đồng bằng sông Cửu Long còn là khu vực bán đảo thấp và phẳng, gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5-6m/giây ở độ cao 80m, thích hợp phát triển điện gió. Ngoài ra, lợi thế vị trí, địa hình của vùng còn tạo thuận lợi cho việc dẫn khí đốt từ ngoài khơi vào bờ và xây dựng những kho nổi cỡ lớn làm nhiệt điện khí.
Nổi bật trong những dự án đã được thực hiện là dự án điện gió ở Bạc Liêu, điện mặt trời ở An Giang và điện khí ở Cà Mau. Tại Bạc Liêu, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch điện gió của tỉnh, với công suất tiềm năng 2.507MW. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết, đến nay, tỉnh đã có 8 dự án điện gió, với tổng công suất lên đến gần 700MW, lớn nhất trong vùng. “Đến năm 2030, Bạc Liêu đặt mục tiêu có tổng công suất điện sạch đạt khoảng 9.780MW, sản lượng điện hằng năm đạt khoảng 31 tỷ kWh”, ông Dương Thành Trung nói.
Còn tại An Giang, mỗi năm trung bình có tới 2.400 giờ nắng, cường độ bức xạ mỗi ngày khoảng 4,7-5,1kWh/m2. Ông Mai Chí Cường (Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương tỉnh An Giang) cho biết tỉnh đang có 10 dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 780MWp.
Ngoài ra, nhiều mô hình điện mặt trời áp mái đã lắp đặt đấu nối với lưới điện, có tổng công suất khoảng 600kWp.
Trong khi đó, Cà Mau đã trở thành một trung tâm nhiệt điện khí của cả nước. Từ khi vận hành vào tháng 5-2007 đến nay, những Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2 đã cung cấp 84 tỷ kWh điện, tổng doanh thu đạt hơn 117.000 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương hơn 2.900 tỷ đồng. Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau Nguyễn Văn Đô thông tin, sắp tới, tỉnh triển khai thêm 2 dự án nhiệt điện khí mới là Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 3, công suất 1.500MW và dự án nhiệt điện khí đầu tư nước ngoài công suất 3.000MW.
Bảo đảm an ninh năng lượng để tăng trưởng bền vững
Theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo toàn quốc đến năm 2035, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có trên 68.600MW tiềm năng điện gió và hơn 31.500MW tiềm năng điện mặt trời; giảm tỷ trọng nhiệt điện than một cách hợp lý. Tuy nhiên, đang có 2 thách thức chính về phát triển năng lượng sạch trong vùng là cần có tư duy đúng về từ chối nhiệt điện than; và cần tạo nguồn cung khí đốt lâu dài cho các nhà máy nhiệt điện khí.
Về giảm điện than, theo Bộ Công Thương, hiện Đồng bằng sông Cửu Long có 9 nhà máy nhiệt điện (chạy than, dầu FO và khí đốt) với tổng công suất lắp đặt đạt 5.499MW. Đến năm 2025, vùng có thêm 3 nhà máy nhiệt điện than (sử dụng than nhập khẩu) với công suất 3.600MW. Tuy nhiên, các tỉnh như Bạc Liêu, Long An và Tiền Giang mong muốn thay thế các dự án nhiệt điện than bằng các dự án nhiệt điện khí. Về việc này, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, cho rằng: “Chúng ta cần loại bỏ nhiệt điện than công nghệ cũ, chứ không nên từ chối nhiệt điện than có công nghệ mới thân thiện môi trường. Trong năng lượng, chỉ có nhiệt điện than là chủ động nhất, ít phụ thuộc vào thiên nhiên”.
Đồng bằng sông Cửu Long còn đối diện với nguy cơ thiếu nguồn cung khí đốt cho các nhà máy nhiệt điện khí. Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) Dương Mạnh Sơn cho biết: Năng lực cung cấp khí đốt từ các mỏ khí của Việt Nam cho các nhà máy nhiệt điện khí ở Nam Bộ hiện chỉ đáp ứng 66% nhu cầu. Trước mắt, PVGas đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài bảo đảm lượng khí đốt cấp cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam Bộ ở mức khoảng 4,18 triệu mét khối/ngày. Các địa phương như Long An, Bạc Liêu, Cà Mau… cũng đang xúc tiến đầu tư các kho cảng chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nổi, bảo đảm dự trữ lượng khí đốt đủ cho nhu cầu phát điện từ nay đến năm 2045.
Nhận định về vấn đề này, bà Mary Tanowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam khu vực thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng chia sẻ: “Phát triển tốt năng lượng tái tạo có thể giúp Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua thách thức, bảo đảm an ninh năng lượng để tăng trưởng bền vững”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.